Hình ảnh của Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) cho thấy nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un đã tới Viện vũ khí hạt nhân kiểm tra, xem xét các đầu đạn Hwasan-31, vũ khí hạt nhân chiến thuật mới, cũng như công nghệ thu nhỏ đầu đạn lắp vào tên lửa đạn đạo.
Bước tiến quân sự của Triều Tiên
Xét về thời điểm, các cuộc thử nghiệm vũ khí hạt nhân của Triều Tiên thường được xem là lời đáp trả cho các đợt tập trận chung giữa Mỹ và Hàn Quốc. Đối tượng thuộc vòng xoáy ăn miếng trả miếng lần này là "Lá chắn tự do", cuộc tập trận chung lớn nhất của liên minh Mỹ - Hàn trong 5 năm qua, kéo dài từ ngày 13 tới 23-3.
Hôm 27-3, Triều Tiên đã phóng hai tên lửa xuống vùng biển ngoài khơi Nhật Bản, trùng với thời điểm Mỹ điều đội tàu do tàu sân bay USS Nimitz dẫn đầu đến Hàn Quốc tập trận.
Tuy nhiên, giới quan sát đặc biệt lưu ý về tần suất thử nghiệm vũ khí của Triều Tiên. Đây đã là đợt thử nghiệm tên lửa thứ 11 của Triều Tiên trong năm nay, và là vụ phóng tên lửa thứ 7 chỉ trong chưa đầy một tháng qua. Trong năm 2022, Triều Tiên đã phóng tổng cộng ít nhất 95 tên lửa, nhiều hơn bất cứ năm nào khác.
Thực tế này phản ánh mối lo ngại của các chuyên gia Mỹ về việc Triều Tiên tăng cường năng lực răn đe hạt nhân. Trong đợt thị sát qua, ông Kim Jong Un cũng kêu gọi tăng cường sản xuất vật liệu hạt nhân, từ đó tăng cường kho vũ khí hạt nhân của Triều Tiên để có thể sẵn sàng sử dụng bất cứ lúc nào, KCNA cho biết.
Trong vài năm qua, Triều Tiên được cho là đã tập trung vào công nghệ thu nhỏ đầu đạn hạt nhân để tương thích với nhiều loại tên lửa khác nhau.
Theo ông Kune Y. Suh - chuyên gia về kỹ thuật hạt nhân tại Đại học Quốc gia Seoul (Hàn Quốc), hình ảnh KCNA công bố ngày 28-3 cho thấy tiến bộ của Triều Tiên trong việc thu nhỏ đầu đạn hạt nhân, vốn có thể tích hợp trong loại tên lửa đạn đạo liên lục địa (IBMC) đủ khả năng tấn công Mỹ.
Trong khi đó, cựu quan chức hải quân Hàn Quốc Kim Dong Yup nhận định các đầu đạn mới này nhiều khả năng có thiết kế phù hợp với ít nhất tám loại phương tiện phóng khác nhau được liệt kê trong áp phích của Triều Tiên, bao gồm tên lửa và tàu ngầm.
Nguy cơ chạy đua hạt nhân
Triều Tiên vẫn tham vọng được công nhận là quốc gia hạt nhân. Tuy nhiên, thông tin về việc nhà lãnh đạo Kim Jong Un yêu cầu tăng cường kho vũ khí hạt nhân theo "cấp số nhân" được đưa ra trong giai đoạn nhạy cảm. Ngay trước đó ba ngày, Tổng thống Nga Vladimir Putin thông báo kế hoạch đưa vũ khí hạt nhân tới Belarus trong mùa hè này.
Giới phân tích phương Tây đang lo ngại khả năng Triều Tiên sẽ được trợ lực từ mối quan hệ với Nga và Trung Quốc.
Hôm 28-3, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol cho biết sẽ không cung cấp viện trợ cho Triều Tiên dù chỉ 1 xu, nếu Bình Nhưỡng tiếp tục phát triển vũ khí hạt nhân.
Tuy nhiên, trang Asia Times đánh giá mối quan hệ với Nga và Trung Quốc sẽ vừa giúp Triều Tiên có lựa chọn đa dạng hơn để khôi phục kinh tế và tài trợ cho chương trình hạt nhân, vừa có thể giúp Bình Nhưỡng né lệnh trừng phạt của Liên Hiệp Quốc và các nước. Đây là điểm có thể khiến nỗ lực cô lập Triều Tiên trở nên khó khăn hơn.
Trong bài bình luận gần đây, tờ Guardian (Anh) đề cập tới cái gọi là "cơn ác mộng hạt nhân". Trong đó, căng thẳng giữa Nga và Mỹ về tình hình Ukraine khiến dư luận phân tâm, ít lưu ý tới các mối lo về sử dụng vũ khí hạt nhân từ Triều Tiên, Trung Quốc và cả Israel. Đến nay, Trung Quốc vẫn phản đối sử dụng vũ khí hạt nhân, nhưng giới phân tích phương Tây nhận định Bắc Kinh có thể làm vậy nếu đảm bảo nguyên tắc "không động binh trước" của họ.
Ngoài ra, Trung Quốc cũng chỉ trích Mỹ vi phạm điều ước không phổ biến vũ khí hạt nhân trong thỏa thuận tàu ngầm hạt nhân Úc - Anh - Mỹ (AUKUS). Dù Mỹ khẳng định không phổ biến, một số nước, chẳng hạn Iran, có thể tận dụng "tiêu chuẩn kép" này, theo Guardian.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận