Một phụ nữ đi ngang biển quảng cáo các đồ uống có đường ở Brooklyn, Mỹ - Ảnh: Getty Images |
Nghiên cứu của Viện toàn cầu McKinsey (MGI) cho biết béo phì đang ngốn của thế giới 2 nghìn tỉ USD mỗi năm, bao gồm phí chăm sóc y tế, các khoản chi để giảm thiểu tác động của nó và mất năng suất lao động.
Bộ phận nghiên cứu kinh tế của MGI nói con số này gần tương đương với tổng sản phẩm quốc nội của các nước như Ý và Nga, và nhiều hơn chi phí cho biến đổi khí hậu và nạn nghiện rượu cộng lại, theo BBC ngày 20-11.
Theo một nghiên cứu được công bố hồi đầu năm nay trên tạp chí y khoa The Lancet, trong năm 2013, có khoảng 2,1 tỉ người (tức gần 1/3 dân số thế giới), bị thừa cân hoặc béo phì. Con số này hồi năm 1980 là 857 triệu.
"Tác động kinh tế toàn cầu của bệnh béo phì đang gia tăng", các nhà nghiên cứu viết. Họ cũng quy trách nhiệm "cuộc khủng hoảng béo phì" đang ngày càng tăng cho các chính phủ khi chưa ứng phó đầy đủ, chưa có chính sách hiệu quả đối với béo phì.
Họ cũng kêu gọi cần có "phản ứng phối hợp" khẩn cấp từ Chính phủ, các nhà bán lẻ, các nhà hàng cùng các nhà sản xuất thực phẩm và đồ uống, để hạn chế béo phì, bằng cách đưa ra một loạt các biện pháp mới như kiểm soát thành phần dinh dưỡng trên thực phẩm đóng gói, giới thiệu các bữa ăn lành mạnh trong trường học và nơi làm việc, tăng cường hơn nữa việc giáo dục thể chất trong chương trình giảng dạy của trường...
Theo bảng xếp hạng gánh nặng kinh tế do con người tạo ra do MGI công bố, béo phì xếp thứ 3 sau hút thuốc lá và xung đột vũ trang - cả hai đều ngốn của thế giới 2,1 nghìn tỉ USD/năm. Ở các nền kinh tế phát triển nhất, béo phì cũng nằm trong Top 3 gánh nặng kinh tế do con người tạo ra. Họ ước tính tại Mỹ, béo phì làm tiêu tốn 663 tỉ USD/năm, trong khi tại Anh là 70 tỉ USD. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận