Những phi vụ dầu có giá trị khổng lồ khiến những người có liên quan dễ bị lung lạc - Ảnh: AFP
Cái tên "Unaoil" hoàn toàn xa lạ trong danh sách những tập đoàn kinh doanh hàng đầu thế giới, nhưng trong suốt gần 20 năm qua, doanh nghiệp thuộc gia đình Ahsani của Iran này tại công quốc Monaco đã nhúng tay vào một vụ tham nhũng có hệ thống trong lĩnh vực dầu khí trên phạm vi quốc tế.
Unaoil đã đứng ra chuyển hàng triệu USD tiền lót tay cho các gã khổng lồ trên thế giới như Samsung, Rolls Royce, Halliburton, công ty dịch vụ dầu mỏ và khí đốt Technip (Pháp) và chi nhánh hải ngoại của tập đoàn Leighton Holdings của Úc.
Việc phát hiện được một số lượng lớn thư điện tử và tài liệu có liên quan là chứng cứ khẳng định những nghi vấn bấy lâu nay trong lãnh vực dầu khí và đã giúp làm sáng tỏ những hoạt động mờ ám của doanh nghiệp này trong những phi vụ mua chuộc những người có chức quyền và cả làm giả những hợp đồng kinh doanh.
Cụ thể đây là những bằng chứng giúp đưa ra ánh sáng hành động gian dối của hàng chục tập đoàn lớn nhỏ khắp thế giới, nhiều viên chức nhà nước và những chính trị gia có ảnh hưởng nhất trong hệ thống tham ô công quỹ và chi các khoản tiền "trà nước" hậu hĩ trong một hệ thống làm ăn phức tạp mang tính toàn cầu.
6 tháng điều tra
Sau 6 tháng điều tra trải rộng trên hai lục địa Á - Âu, hãng truyền thông Fairfax Media của Úc và trang báo mạng The Huffington Post đã phát hiện được hàng tỉ USD từ các hợp đồng mua sắm công đã được dùng làm tiền lót tay chuyển cho các doanh nghiệp lớn như công ty dịch vụ dầu khí Halliburton của Mỹ hay những ông trùm của Hàn Quốc như Samsung và Hyundai.
Doanh nghiệp gia đình Unaoil là tâm điểm của cuộc điều tra. Sau khi bắt liên lạc được với họ thông qua một mẫu tin được mã hóa đăng tải trên báo Le Figaro của Pháp, các nhà báo đã có được hàng loạt các cuộc tiếp xúc bí mật và kết nối được các cuộc gọi vào ban đêm và từ đó đã có được thông tin về hàng trăm ngàn e-mail và tài liệu của gia đình Ahsani.
Từ "kho báu" dữ liệu này, các phóng viên đã có thể biết được mối liên hệ gần gũi của gia đình Ahsani với nhiều thành viên trong hoàng gia Monaco và việc họ có mặt trong các buổi chiêu đãi thịnh soạn cũng như những mưu mẹo mà họ thực hiện để qua mặt được các cơ quan chống tham nhũng và cả điều hành được cả một hệ thống bí mật các nhân vật trung gian dàn xếp các phi vụ làm ăn tại nhiều nước sản xuất dầu mỏ của thế giới.
Cyrus Ahsani - Giám đốc điều hành của Unoil cùng vợ - Ảnh: THE AGE
Quá trình tham nhũng đã giúp nuôi dưỡng những bất bình đẳng sinh sôi nảy nở trên toàn thế giới và là yếu tố khởi phát gây ra "Mùa xuân Ả Rập".
Fairfax Media và The Huffington Post đã có thể biết được những cách thức mà công ty Unaoil thực hiện để chia cắt thị trường dầu mỏ Trung Đông nhằm mang về lợi nhuận kếch sù cho các tập đoàn phương tây trong khoảng thời gian 10 năm, từ năm 2002 đến 2012.
Trong phần hai của tài liệu điều tra này, các nhà báo cũng chỉ ra danh tính của một vài quốc gia thuộc Liên Xô cũ, hiện nay đang kiệt quệ, để từ đó lật tẩy những phương cách thao túng của những tập đoàn quốc tế lớn như Halliburton.
Và cuộc điều tra kết thúc ở phần ba khi chỉ ra được vì sao những mánh khóe tham nhũng như trên đã có thể lan rộng tại châu Á và châu Phi.
Trong số các nhân vật nổi cộm trong hồ sơ điều tra, có thể kể đến hai bộ trưởng về dầu mỏ của Iraq, một nhân vật trung gian điều phối của nhà lãnh đạo Syria Bashar al-Assad, nhiều nhân vật chóp bu của chính quyền Libya dưới thời Muammar Gaddafi, hai gương mặt lớn trong lĩnh vực dầu khí của Iran, các viên chức cao cấp của Các tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE), và một giao dịch viên chứng khoán người Kuwait có biệt danh là "The big cheese" (miếng phó mát lớn).
Mỏ dầu El Sharara ở Libya - Ảnh: REUTERS
Các tập đoàn phương tây cũng nhúng chàm
Các doanh nghiệp châu Âu có liên quan đến những phi vụ của công ty Unaoil tại Trung Đông hầu hết đều là những doanh nghiệp làm ăn phát đạt và được nể trọng nhất trên thế giới, như Rolls Royce, Petrofac, ABB và Elliot của Vương quốc Anh, các tập đoàn FMC Technologies, Cameron và Weatherford của Mỹ, những đại gia Eni và Saipem của Ý, hai doanh nghiệp Đức là MAN Turbo và Siemens, công ty Hà Lan SBM, tập đoàn công nghiệp Larsen & Toubro của Ấn Độ, và chi nhánh hải ngoại của tập đoàn Úc Leighton Holdings.
Một số nhân viên của các doanh nghiệp kể trên đã liên hệ chặt chẽ với một nhân vật vận động hành lang, một số khác thì nắm rõ những hoạt động mờ ám của công ty nhưng nhắm mắt làm ngơ.
Nhưng cũng có nhiều người biết được những chuyện thâm cung bí sử trong đó. Có một số nhỏ các vị lãnh đạo công ty đã không chỉ thông đồng với những hành vi tham nhũng mà chính họ còn thoải mái nhận những khoản tiền "lại quả" hoặc can thiệp để che giấu các khoản tiền đút lót trong những hợp đồng gian dối tại Iraq.
Thậm chí có một vị giám đốc còn tự mình đứng ra đàm phán về các khoản chuyển khoản hàng tháng các khoản "tiền cà phê" để đổi lại vị này cung cấp cho "đối tác" các thông tin nội bộ về hoạt động kinh doanh của công ty mình điều hành.
Thế nhưng những nhân vật bị lật tẩy này vẫn đang được tại vị an toàn mà không bị trừng phạt. Cuộc điều tra khẳng định rằng người dân Trung Đông chính là nạn nhân của những hành vi tham nhũng liên lục địa này, bởi sau khi lật đổ được chính quyền Saddam Hussein tại Iraq, người Mỹ từng khẳng định rằng khối lợi nhuận khổng lồ từ dầu mỏ từ nay sẽ về tay người dân Iraq.
Song, phần đầu của kết luận điều tra mang tên "Những khu vực sản sinh ra tham nhũng toàn cầu" đã chứng minh điều ngược lại.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận