08/09/2015 15:12 GMT+7

Thế giới sẽ thiếu hụt chất chống nọc độc nghiêm trọng

TRẦN PHƯƠNG
TRẦN PHƯƠNG

TTO - Tổ chức bác sĩ không biên giới (MSF) cảnh báo thế giới thiếu hụt nghiêm trọng Fav-Afrique, chất kháng nọc độc chữa hơn 10 loại nọc rắn, đe doạ tính mạng hàng chục ngàn người.

Mỗi năm có hơn 100000 người thiệt mạng vì bị rắn cắn - Ảnh: BBC
Mỗi năm có hơn 100000 người thiệt mạng vì bị rắn cắn - Ảnh: BBC

Ở những vùng hẻo lánh như vùng hạ Sahara, châu Phi, những người nông dân hay chăn gia súc khi bị rắn cắn thường tìm đến các thầy lang để chữa trị và khó tránh khỏi cái chết hoặc cụt tay, chân.

Trong khi đó ở đầu bên kia thế giới, công ty Sanofi Pasteur cho biết sẽ ngưng sản xuất Fav-Afrique, có khả năng chống những nọc độc của những loài rắn độc nhất thế giới.

Sanofi Pasteur, nhà sản xuất vaccine lớn nhất thế giới, giải thích việc các công ty Ấn Độ, Mexico, Brazil, nhảy vào thị trường khiến việc kinh doanh Fav-Afrique không còn đem lại lợi nhuận cho hãng.

Kho Fav-Afrique dự kiến sẽ hết vào năm sau. Công nghệ sử dụng sản xuất chất kháng nọc sẽ được chuyển sang sản xuất thuốc chống bệnh dại.

MSF cảnh báo việc ngưng sản xuất Fav-Afrique có thể khiến hàng chục ngàn người trên thế giới phải trả giá bằng tính mạng. Fav-Afrique là chất chống nọc duy nhất được chứng minh an toàn và hiệu quả trong điều trị rắn cắn.

Các loại chất chống nọc khác thường không tốt bằng. Sanofi Pasteur cho biết sẽ chia sẻ công thức với các công ty khác nhưng các cuộc thương thảo vẫn chưa kết thúc, đồng nghĩa với việc thiếu hụt Fav-Afrique sẽ kéo dài trong nhiều năm nữa.

“Hầu hết người bị rằn cắn không biết chính xác loại rắn gì đã cắn mình vì vậy việc có loại chất chống được nọc của nhiều loại rắn là rất quan trọng – BBC dẫn lời chuyên gia Polly Markandya của MSF – Chúng tôi lo rằng nếu thiếu chất chống nọc này, nhiều người sẽ chết”.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới, rắn cắn là một vấn đề thường bị bỏ qua và kêu gọi thế giới quan tâm, đầu tư giải quyết vấn đề này. Mỗi năm trên thế giới có khoảng 5 triệu người bị rắn cắn và 100.000 người thiệt mạng, trong đó 30% là tại vùng hạ Sahara, và 400.000 người bị tật vĩnh viễn.

TRẦN PHƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên