Đây là một thủ tục bắt buộc/truyền thống đối với mỗi trào tổng thống Mỹ kể từ năm 1987, phản ánh quan điểm, quyết sách của tổng thống đó đối với an ninh quốc gia.
Tổng thống Trump (phải) và cố vấn an ninh quốc gia McMaster - Ảnh: Reuters
Hai điểm nổi bật
Chiến lược an ninh quốc gia vừa được ông Trump công bố vừa thể hiện cái nhìn "nước Mỹ trước hết" và "nước Mỹ vĩ đại trở lại" của ông, vừa phản ánh thế giới quan cùng tư duy của bộ máy hoạch định chiến lược Mỹ do cố vấn an ninh quốc gia, trung tướng H.R. McMaster, chủ trì. Trong chiến lược mới này, nổi bật hai cụm từ "các cường quốc đang xét đổi vị thế" và các "chế độ côn đồ".
Hôm 12-12, cố vấn an ninh quốc gia H.R. McMaster, khi hé lộ một số nội dung của chiến lược, đã giải thích các cụm từ này như sau: "Các cường quốc đang xét đổi vị thế - Trung Quốc và Nga - đang lật đổ trật tự chính trị, kinh tế và an ninh thế giới sau Thế chiến thứ hai nhằm thúc đẩy lợi ích của họ và hủy hoại lợi ích của chúng ta cùng các đồng minh của chúng ta. Các chế độ côn đồ Iran và Bắc Hàn đang vi phạm chủ quyền của lân quốc của họ, theo đuổi vũ khí hủy diệt hàng loạt và xuất khẩu khủng bố sang các quốc gia khác".
Cần nhớ, thuật ngữ "chế độ côn đồ", cũng như hai thực thể được nêu danh là Iran và Triều Tiên, không mới, đã được tổng thống G.W. Bush nêu ra lần đầu năm 2001 để gọi ba nước trong "Trục ác ôn" là Iran, Iraq và Triều Tiên, và vẫn còn đang được sử dụng.
Riêng cụm từ thứ nhất ("cường quốc đang xét đổi vị thế") là mới được sử dụng. Cụm từ này là một thuật ngữ chính trị, được A.F.K. Organski "sáng chế" ra từ năm 1958 và trình bày trong quyển sách giáo khoa Chính trị học thế giới để chỉ những quốc gia hùng mạnh nổi lên thách thức các cường quốc thống trị trước đó.
Bốn mối đe dọa chính
Qua giải thích trên của cố vấn McMaster, có thể thấy thế giới nay được phân biệt các mối đe dọa đối với nước Mỹ như sau: đứng đầu là Trung Quốc và Nga do đang thách thức vị thế thống trị của Mỹ, rồi đến hai "chế độ côn đồ" là Iran và Triều Tiên. Tất nhiên, thù địch của Mỹ không chỉ có thế. Cố vấn an ninh McMaster không quên nêu thêm "các tổ chức thánh chiến khủng bố, như IS, đang đe dọa loài người văn minh tại mỗi xó xỉnh trên thế giới".
Thách thức có thể là quân sự, cố vấn an ninh McMaster nêu ví dụ: "Chúng ta đã rõ ràng về mối đe dọa ngày càng hiển hiện hơn từ việc Triều Tiên phát triển tên lửa và vũ khí hạt nhân. Tổng thống cam kết phi hạt nhân hóa toàn thể bán đảo Triều Tiên. Ông không có ảo tưởng gì về các ý định của nhà độc tài Triều Tiên và nhận ra nguy cơ mà tất cả chúng ta phải đối mặt. Kỷ nguyên của sự kiên nhẫn chiến lược đã qua, và chúng tôi sẽ không lặp lại những nỗ lực thất bại của quá khứ".
Thách thức còn có thể là kinh tế, cố vấn McMaster nhắc lại: "Trong chuyến đi châu Á gần đây, tổng thống đã lên tiếng mạnh mẽ chống lại các chính sách kinh tế và thương mại không công bằng, gây thiệt thòi cho các công nhân và công ty Mỹ. Trong một thời gian quá lâu, Washington đã nhắm mắt trước những hành vi lừa dối và bóc lột ở nước ngoài. Chúng ta đã bỏ trống không gian kinh tế cạnh tranh, và người dân Mỹ đã phải trả giá".
Thế nhưng, phân loại các thách thức như thế không có nghĩa là sẽ tìm đến chiến tranh. "Chúng ta phải thừa nhận rằng hệ thống quốc tế trước hết được tiêu biểu bởi sự cạnh tranh, tương tác và thay đổi... Hoa Kỳ muốn tất cả các nước lớn mạnh, tự hào và độc lập, và chúng tôi muốn tất cả mọi người đều có cơ hội để vươn lên. Chúng ta sẽ cạnh tranh, nhưng sự cạnh tranh phải công bằng. Chúng ta sẽ tôn trọng chủ quyền của các đối tác về số phận kinh tế của họ, đồng thời đảm bảo rằng các công nhân Mỹ và các công ty Mỹ không bị thiệt thòi một cách bất công" - ông McMaster nhấn mạnh.
Truyền thông Mỹ cho hay chiến lược an ninh quốc gia mới của Tổng thống Donald Trump gồm 70 trang, dày gấp đôi bản chiến lược an ninh quốc gia được công bố dưới thời người tiền nhiệm Barack Obama năm 2015. Chiến lược an ninh quốc gia có vai trò quan trọng trong việc định hình các chính sách tương lai của nước Mỹ dưới trào ông Trump.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận