13/05/2018 09:38 GMT+7

Thế giới 'phẳng' rồi, hồi tỵ có ngăn được chạy chức, chạy quyền?

NGỌC HÀ
NGỌC HÀ

TTO - Nhân Hội nghị Trung ương 7 bàn về công tác cán bộ, có ý kiến đề cập đến việc bổ nhiệm bí thư cấp tỉnh không phải là người địa phương. Đây là một nội dung trong Luật hồi tỵ của Bộ luật Hồng Đức thời Lê Thánh Tông.

Thế giới phẳng rồi, hồi tỵ có ngăn được chạy chức, chạy quyền? - Ảnh 1.

Luật hồi tỵ quy định: "Quan lại không được lấy vợ, kết hôn, làm thông gia ở nơi mình cai quản; cũng như không được tậu đất, vườn, ruộng, nhà ở nơi mình làm quan lớn, không được dùng người cùng quê làm người giúp việc". Việc này nhằm hạn chế tiêu cực, phe cánh, bổ nhiệm người thân... từ người đứng đầu.

Tuổi Trẻ ghi nhận một số ý kiến xung quanh điều này.

* PGS.TS NGUYỄN TRỌNG ĐIỀU (nguyên thứ trưởng Bộ Nội vụ): Chỉ có người tài đức mới tìm ra được người đức tài

nguyen-trong-dieu

Ảnh: HVHCQG

Khi thực hiện quy định bí thư không phải là người địa phương để khắc phục tình trạng tiêu cực trong công tác cán bộ, chúng ta cần soi xét một cách đầy đủ trong bối cảnh hiện nay.

Thời đại 4.0, thời đại công nghệ thông tin phát triển như vũ bão, chỉ cần một cú nhấp chuột là liên thông ngay từ tỉnh này đến tỉnh khác, từ nước này đến nước khác, nên điều kiện địa lý xa xôi vẫn khó ngăn cản triệt để thực hiện việc này, việc khác.

Vì vậy, đây chỉ là một giải pháp và cần phải phối hợp với nhiều giải pháp quyết liệt khác mới có thể chặn đứng nạn chạy chức, chạy quyền, thao túng và phân phát quyền lực.

Công tác cán bộ thành hay bại, trăm sự đều tại con người. Vì vậy, phải đi vào yếu tố con người để diệt trừ mầm mống tiêu cực. Cán bộ phải xuất phát từ yêu cầu, tiêu chuẩn. Tiêu chuẩn đó phải dựa vào đức và tài. Phải lượng hóa được đức, tài cho từng chức danh để tìm cán bộ.

Thực tế cho thấy chỉ có người tài đức mới tìm ra người có đức tài. Vì thế, việc xây dựng đội ngũ cán bộ cấp chiến lược như chủ trương đặt ra tại Hội nghị Trung ương 7 rất cần thiết và có ý nghĩa quyết định cho công tác cán bộ.

Theo tôi, cán bộ phải qua đào tạo vị trí công việc bài bản từ trường lớp đến thực tiễn. Rèn luyện từ phong trào quần chúng là một trong những cách để trưởng thành. Phong trào quần chúng "lọc" cán bộ rất tốt, phải để quần chúng kiểm nghiệm, đánh giá cán bộ.

* Ông BÙI SĨ TIẾU (nguyên bí thư tỉnh Thái Bình, nguyên phó trưởng Ban Khoa giáo trung ương): Chớ như "chuồn chuồn đạp nước"

bui-sy-tieu-crop

Ảnh: N.KHÁNH

Hơn 20 năm trước, khi Thái Bình trở thành "điểm nóng" bởi những vụ biểu tình của nông dân ở nhiều xã, trung ương đã phải điều người ở nơi khác về làm bí thư.

Ông Phạm Văn Thọ - bí thư từ Hải Dương sang - "nói được, làm được" nên giúp tình hình dần bớt nóng.  Sau hơn hai năm, tôi lên làm bí thư tỉnh.

Theo tôi, bí thư là người từ nơi khác sẽ có thuận lợi trong giải quyết công việc được khách quan hơn. Họ sẽ ít bị lấn cấn bởi những ràng buộc thân hữu, quyền lợi cho dòng họ, con cái, cánh hẩu...

Tuy nhiên, người từ nơi khác đến cũng có điểm không thuận lợi là sẽ phải mất nhiều thời gian để tìm hiểu tình hình. Trước đây vẫn có chuyện điều người từ địa phương này về địa phương kia, nhưng nhiều trường hợp ở ngắn hạn, chỉ như "chuồn chuồn đạp nước"...

Như vậy, nếu thực hiện chủ trương bố trí bí thư cấp tỉnh, cấp huyện không phải là người địa phương thì ít nhất phải bố trí đủ một nhiệm kỳ 5 năm, chứ không thể ào ào về 1-2 năm rồi lại ào ào đi.

Giải pháp trong công tác cán bộ hiện nay nên ưu tiên việc nhất thể hóa một số chức danh như nhất thể hóa chức danh bí thư và chủ tịch. Mặt khác, không nỗ lực tìm được người tài, không thể thực hiện được việc nhất thể hóa chức danh.

Vậy muốn tìm được người tài, là phải mở rộng được dân chủ trong Đảng, dân chủ trong dân. Phải tạo cơ chế để dân giới thiệu, tiến cử người tài, chứ không phải tạo sân chơi riêng chỉ có mấy người ngồi lại với nhau chọn lựa, rồi chỉ chăm chăm nhắm vào cánh hẩu.

* GS ĐÀO TRỌNG THI (nguyên chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội): Chủ trương đã có, vấn đề là hành động

dao-trong-thi-crop

Ảnh: V. DŨNG

Người đứng đầu không phải người địa phương thực ra là vấn đề đã được nói đến từ lâu. Khoảng 15 năm trước, khi còn là giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội, thực hiện đề tài về phát triển nhân tài, chúng tôi cũng đã đề cập đến điều này.

Tất nhiên, mỗi giải pháp đưa ra đều có điểm thuận lợi và bất lợi, nên phải căn cứ vào tình hình cụ thể và yêu cầu của tình hình để lựa chọn. Trong những thời kỳ nhất định của cách mạng, cán bộ xuất thân, trưởng thành từ địa phương thậm chí đó được xem là yếu tố tiên quyết.

Nhưng bây giờ, tình hình tham nhũng, bè phái, cục bộ, cánh hẩu đã hoành hành mạnh mẽ, trầm trọng, nên những biện pháp mới - trong đó có việc bố trí bí thư cấp tỉnh, huyện không phải là người địa phương - đưa ra là phù hợp và được hưởng ứng.

Công tác cán bộ rất khó nên không thể nói trước điều gì. Vấn đề là khi đã đưa ra quy định "bí thư tỉnh không phải người địa phương" thì phải thực hiện triệt để, chứ không thể trong quy định chung vẫn để ngỏ "trường hợp ngoại lệ", "đặc biệt". Ở Việt Nam, "ngoại lệ" rồi sẽ trở thành phổ biến.

Thực tế khi triển khai có thể xuất hiện trường hợp chưa thực sự phù hợp nhưng phải chấp nhận vì cái chung. Nếu không, trường hợp "ngoại lệ" ấy sẽ vô hiệu hóa hết quy định chung.

Việc đưa ra quyết tâm, chủ trương đã nói nhiều, vấn đề là hành động. Những hành động cụ thể khi chưa có chủ trương chung thời gian vừa qua đã tạo niềm tin mạnh mẽ đến dân chúng. Nhiều vụ tiêu cực, tham nhũng tiền bạc, tham nhũng quyền lực đã được phanh phui, xử lý rõ ràng.

Đến Hội nghị Trung ương 7, nghị quyết được ban hành sẽ nhân rộng ra, làm triệt để hơn, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ - nhất là cán bộ cấp chiến lược - hội tụ đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, dẫn dắt đất nước đổi mới, phát triển.

nguyen-tuc

Ảnh: HOÀNG LONG

* Ông NGUYỄN TÚC (chủ nhiệm hội đồng tư vấn về văn hóa - xã hội của Ủy ban Trung ương MTTQ VN): "Thế giới phẳng", hồi tỵ chỉ là một giải pháp

Tôi đồng tình với việc trung ương lần này thảo luận đề án, thông qua nghị quyết về xây dựng đội ngũ cán bộ, đặc biệt là cán bộ cấp chiến lược. Đây là thời điểm để nhìn nhận, đánh giá lại những gì đã làm được và chưa làm được, mà quan trọng nhất là đánh giá những gì chưa làm được để tìm giải pháp khắc phục.

Nhìn vào thực tế, đặc biệt là những sai phạm, vi phạm của những cán bộ, đảng viên đã bị xử lý trong thời gian qua, thì rõ ràng công tác cán bộ còn nhiều nhược điểm cần được khắc phục để tránh tình trạng "lợi ích nhóm", "cả họ làm quan", "cát cứ" địa phương dẫn đến những hệ lụy khôn lường.

Đề án trình Hội nghị Trung ương 7 đưa ra nhiều giải pháp, trong đó có giải pháp đang được dư luận quan tâm là bầu, chỉ định bí thư cấp ủy không phải người địa phương. Tôi ủng hộ giải pháp này, với hi vọng khắc phục được phần nào tình trạng xấu nêu trên.

Tuy nhiên, đây không phải điều gì mới mẻ, mà là việc ông cha mình đã làm từ mấy trăm năm trước bằng Luật hồi tỵ rồi.

Giải pháp này thực hiện trong bối cảnh lịch sử, xã hội 4-5 thế kỷ trước đây có nhiều tác dụng hơn bây giờ, bởi một ông quan từ địa phương này đến địa phương khác là đến nơi xa lạ, ví như từ kinh thành Thăng Long đến Quảng Nam, Quảng Ngãi có khi đi ngựa cả tháng trời, khó mà đem theo cả gia đình, họ tộc. Tài sản ngày xưa cũng khó chuyển đổi, không đa dạng như bây giờ nên tham cũng không dễ.

Còn ngày nay "thế giới phẳng", chỉ một giờ, hai giờ bay là đi từ đầu đến cuối đất nước, đi lại dễ dàng, các loại tài sản đa dạng và chuyển đổi rất dễ, nên việc mua bán, trao đổi, trong đó có "chạy chức, chạy quyền" khó ngăn ngừa.

Chính vì vậy, muốn giải pháp luân chuyển cán bộ đạt hiệu quả thì đi cùng với đó phải thực hiện cơ chế giám sát, kiểm soát quyền lực thật tốt. Quyền lực mà thiếu giám sát thì các giải pháp phòng ngừa, trong đó có luân chuyển, cũng không có nhiều tác dụng.

LÊ KIÊN

Tổng Bí thư: Khắc phục "chạy chức, chạy quyền", "thân quen, cánh hẩu"

TTO - Xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp là một nội dung lớn được tập trung xem xét tại Hội nghị Trung ương 7 khai mạc sáng 7-5.

NGỌC HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên