20/04/2015 09:05 GMT+7

​Thế giới phản ứng, Trung Quốc vẫn ngang ngược

HIẾU TRUNG
HIẾU TRUNG

TT - Bất chấp phản ứng dữ dội của cộng đồng quốc tế, Trung Quốc tiếp tục tỏ ra cứng rắn và ngang ngược về hành vi lấn biển, xây đảo trái phép trên biển Đông.

Người Philippines biểu tình tại Manila hôm 17-4 phản đối hành vi lấn biển, xây đảo nhân tạo của Trung Quốc trên biển Đông - Ảnh: Reuters

Theo Tân Hoa xã, mới đây Bắc Kinh lên tiếng phủ nhận quan điểm của G-7 về vấn đề an ninh biển. Hồi giữa tuần, G-7 ra tuyên bố phản đối “các hành vi đơn phương như lấn biển quy mô lớn làm thay đổi hiện trạng và gây căng thẳng trong khu vực”.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi tuyên bố cứng rắn rằng hành động lấn biển, xây đảo là “hợp lý, hợp pháp và nằm trong khu vực chủ quyền của Trung Quốc”.

“Hoạt động này không ảnh hưởng đến bất kỳ quốc gia nào. Những gì Trung Quốc làm là không thể chê trách được” - ông Hồng Lỗi khẳng định một cách ngược ngạo.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc “tua” lại luận điệu cũ rích và nguy hiểm là chỉ muốn giải quyết tranh chấp thông qua đàm phán trực tiếp với từng quốc gia có liên quan.

Cả thế giới phản đối

Ngăn chặn tiếp cận

Sau CSIS, tuần qua tạp chí quốc phòng IHS Jane’s công bố hình ảnh chụp từ vệ tinh cho thấy Trung Quốc đang hoàn thành đường băng quân sự dài 3.000m tại Đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

Ngoài ra Trung Quốc đang xây một cầu cảng trên đảo nhân tạo ở Đá Chữ Thập.

Một quan chức Chính phủ Mỹ bình luận các đảo nhân tạo sẽ giúp Trung Quốc tăng cường tuần tra trên biển Đông và thực hiện chiến lược ngăn chặn lực lượng Mỹ và các nước tiếp cận nhiều khu vực ở biển Đông.

Bất chấp luận điệu sai trái của Trung Quốc, hành vi lấn biển và xây đảo nhân tạo trên biển Đông vẫn đang bị cả thế giới đồng loạt lên án.

Theo Reuters, cuối tuần qua Tổng thống Philippines Benigno Aquino cảnh báo biển Đông là vấn đề toàn cầu và việc Trung Quốc xây đảo nhân tạo sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến thương mại thế giới.

“Có tới 40% thương mại toàn cầu di chuyển qua vùng biển này. Các nhà lãnh đạo thế giới đều đã bày tỏ sự lo ngại” - Tổng thống Aquino nhấn mạnh. Trước G-7, thượng nghị sĩ John McCain, chủ tịch Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ, mô tả hành vi của Trung Quốc là “gây hấn”.

Ông cảnh báo Trung Quốc muốn quân sự hóa biển Đông và các đảo nhân tạo là “mối đe dọa đối với nền kinh tế thế giới”. Ông kêu gọi Chính phủ Mỹ hành động để ngăn chặn Trung Quốc.

Bộ Ngoại giao Mỹ cũng cho biết cả khu vực lo ngại Trung Quốc sẽ quân sự hóa các đảo nhân tạo trên biển Đông, cản trở tự do hàng hải, đe dọa hòa bình và ổn định khu vực.

Thậm chí đô đốc Samuel Locklear, tư lệnh Bộ chỉ huy Thái Bình Dương của Mỹ, cho rằng các đảo nhân tạo bất hợp pháp có thể giúp Trung Quốc kiểm soát hoàn toàn biển Đông. Ông lo ngại Bắc Kinh sẽ triển khai rađa, tàu chiến và máy bay chiến đấu tới các đảo nhân tạo.

Đô đốc Locklear chỉ trích Trung Quốc cố tình trì hoãn các nỗ lực thành lập Bộ quy tắc ứng xử trên biển Đông (COC) với các nước ASEAN. Trước đó chính quyền Philippines cũng cảnh báo hoạt động xây đảo nhân tạo của Trung Quốc đang phá hủy môi trường biển Đông.

Hãng thông tấn Đức DW dẫn lời chuyên gia David Rosenberg thuộc ĐH Quốc gia Úc cho biết hành vi của Trung Quốc phá vỡ các hệ sinh thái địa phương trên biển Đông.

“Về lâu dài, hậu quả có thể mang tầm thảm họa. Các dãy san hô là nền tảng của chuỗi thức ăn trên biển Đông. Đó là nơi sinh sống của nhiều loài hải sản, bao gồm các loài cá ngừ và tôm giá trị nhất thế giới. Tam giác san hô biển Đông, biển Sulu và biển Sulawesi là trung tâm sinh thái biển toàn cầu, có giá trị khoa học to lớn” - chuyên gia Rosenberg nhấn mạnh.

Dân Trung Quốc ủng hộ kiềm chế

Các nhà phân tích dự báo Trung Quốc ồ ạt xây đảo nhân tạo trái phép để tăng cường khả năng tuần tra của hải quân và hải cảnh nước này, qua đó có đủ điều kiện để lập một vùng nhận dạng phòng không (ADIZ).

Trả lời Tuổi Trẻ, giáo sư Carl Thayer thuộc Học viện Quốc phòng Úc cho biết Trung Quốc còn muốn dùng đảo nhân tạo để đối phó với một phán quyết bất lợi của Tòa án trọng tài quốc tế đối với bản đồ “đường chín đoạn” phi pháp.

“Các nước ASEAN cần chỉ trích Trung Quốc một cách thẳng thắn. Rõ ràng hành động của Trung Quốc đã vi phạm Tuyên bố chung về ứng xử trên biển Đông (DOC). Chính quyền Mỹ và các nước cần có một chiến lược để đối phó với chương trình đảo nhân tạo của Trung Quốc. Mỹ, Nhật, Ấn Độ, Úc và các nước khu vực cần hợp tác tuần tra trên biển Đông. Các nước cũng cần đưa vấn đề này tới Hội nghị thượng đỉnh Đông Á” - giáo sư Thayer đề xuất.

“Không có hành động gì có nghĩa là nhường quyền kiểm soát biển Đông cho Trung Quốc” - giáo sư Thayer khẳng định. Trên thực tế, không phải người dân Trung Quốc nào cũng ủng hộ chính sách gây hấn của Bắc Kinh.

Theo khảo sát của Trung tâm Pert USAsia với gần 1.500 người Trung Quốc ở Bắc Kinh, Thượng Hải, Quảng Châu, Trường Sa và Thành Đô, có 41-47% ủng hộ chính quyền Bắc Kinh dùng vũ lực giải quyết tranh chấp trên biển Đông.

Nhưng có đến 57% ủng hộ Trung Quốc kiềm chế và đàm phán với các nước khu vực. Cũng có hơn 60% ủng hộ Liên Hiệp Quốc làm trọng tài can thiệp, giải quyết tranh chấp trên biển Đông.

“Kết quả này cho thấy bất chấp những bình luận hùng hổ trên mạng Internet, phần đông cư dân thành thị ở Trung Quốc lo ngại về nguy cơ quân sự và cởi mở với ý tưởng kiềm chế” - nhà nghiên cứu Andrew Chubb của Pert USAsia đánh giá.

HIẾU TRUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên