Ngày 18-10, Mỹ và nhiều nước khác đã đồng loạt lên án vụ tấn công Bệnh viện Al-Ahli Arabi ở Gaza. Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen nhấn mạnh "không có lời bào chữa nào cho cuộc tấn công nhằm vào một bệnh viện chỉ toàn dân thường" như vậy.
Kinh hoàng
Nhiều hình ảnh và video được ghi lại tại Bệnh viện Al-Ahli Arabi cho thấy khói lửa nhấn chìm các hành lang bệnh viện, kính vỡ và rất nhiều thi thể trong tối 17-10 khi một vụ nổ lớn xé toạc khuôn viên bệnh viện. Bệnh viện này nằm ở trung tâm thành phố Gaza (phía bắc Dải Gaza), do các nhà truyền giáo Anh lập ra vào những năm 1880.
"Bệnh viện đầy người chết và bị thương. Mọi người chạy vào khoa phẫu thuật và hét lên "Cứu chúng tôi! Cứu chúng tôi với! Có người thiệt mạng và bị thương". Chúng tôi đã cố gắng cứu những ai có thể nhưng số lượng quá lớn nên các y bác sĩ không thể xử lý hết" - Hãng tin Reuters dẫn lời bác sĩ Fadel Naim, trưởng khoa phẫu thuật chỉnh hình của bệnh viện, kể lại.
Ngay sau vụ nổ, người Palestine và người Israel đổ lỗi cho nhau. Phong trào Hồi giáo Hamas - nhóm kiểm soát Dải Gaza - tố Israel không kích và gây ra vụ nổ, còn Israel nói bệnh viện bị trúng rocket do nhóm Thánh chiến Hồi giáo Palestine (PIJ) - tổ chức bán quân sự hoạt động bên trong Dải Gaza - bắn nhầm.
Cơ quan y tế ở Dải Gaza thông tin đến nay hơn 500 người chết trong vụ tấn công bệnh viện, nhưng quân đội Israel cáo buộc Hamas đã thổi phồng con số thương vong.
Israel còn công bố đoạn video do máy bay không người lái quay tại hiện trường vụ nổ, khẳng định họ không đứng sau vụ tấn công vì không có miệng hố nào do tên lửa hoặc bom gây ra. Quân đội Israel cũng công bố một đoạn băng ghi âm mà theo họ là ghi lại "cuộc liên lạc giữa những kẻ khủng bố nói về việc bắn nhầm rocket".
Tuyên bố trái ngược của hai bên khiến những người ngoài cuộc bối rối. Một số lãnh đạo phương Tây kêu gọi thận trọng, không nên vội kết luận bên nào đứng sau.
Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres bày tỏ "kinh hoàng" trước cuộc tấn công nhằm vào bệnh viện ở Dải Gaza, đồng thời nhấn mạnh việc các bệnh viện và nhân viên y tế vốn được bảo vệ theo luật nhân đạo quốc tế. Cao ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc Volker Turk mô tả cuộc tấn công vào bệnh viện trên là "hoàn toàn không thể chấp nhận".
Theo thông tin từ Tổ chức Y tế thế giới (WHO), vào thời điểm bị tấn công, Bệnh viện Al-Ahli Arabi vẫn đang hoạt động. Nhiều bệnh nhân, nhân viên y tế và những người di tản đang trú ẩn ở đó. Đây là một trong 20 bệnh viện ở phía bắc Dải Gaza đang đối mặt với lệnh sơ tán của quân đội Israel đưa ra vài ngày trước, khi Nhà nước Do Thái được cho là đang chuẩn bị thực hiện cuộc tấn công trên bộ nhằm vào khu vực này.
Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) cho biết họ và Nga đã kêu gọi triệu tập một cuộc họp khẩn cấp của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc về vấn đề Palestine, gồm cả vụ tấn công vào bệnh viện ở Gaza.
Bệnh viện không còn an toàn
Dải Gaza có dân số hơn 2 triệu người và cuộc xung đột Israel đã khiến khoảng 600.000 người phải rời bỏ nhà cửa. Nhiều người muốn tìm chỗ trú ẩn an toàn đã đổ tới các bệnh viện - những nơi vốn đã quá tải với số người thương vong ngày càng tăng và đang thiếu hụt nhiên liệu, vật tư y tế.
Đại diện của WHO tại Bờ Tây và Dải Gaza, ông Richard Peeperkorn, nhấn mạnh tình cảnh bi đát mà những người Palestine di tản đang phải đối mặt. Ông nói: "Họ tới những bệnh viện này vì mong đợi đây là những nơi an toàn. Bây giờ ngay cả bệnh viện cũng không còn an toàn nữa". Theo WHO, đã có hơn 115 cuộc tấn công nhằm vào các cơ sở y tế trên khắp Dải Gaza kể từ khi xung đột Israel - Hamas nổ ra hôm 7-10.
Liên Hiệp Quốc cho biết Dải Gaza đang cạn kiệt thực phẩm, nước uống, các loại thuốc quan trọng và vật tư y tế. Theo ông Peeperkorn, tất cả bệnh viện, đặc biệt là những bệnh viện lớn nhất, đang thiếu vật tư thiết yếu và thuốc men, gồm cả thuốc trị các bệnh không lây như tiểu đường. Các ngân hàng máu chỉ còn đủ lượng dự trữ dùng cho một tuần.
Ai Cập phản đối di dời người Palestine sang Sinai
Ngày 18-10, Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah al-Sisi cho biết người Ai Cập phản đối việc ép buộc người Palestine di dời từ Dải Gaza đến bán đảo Sinai.
"Ai Cập bác bỏ bất cứ nỗ lực nào nhằm giải quyết vấn đề Palestine bằng các biện pháp quân sự hoặc bằng việc ép buộc người Palestine rời khỏi vùng đất của họ, một điều sẽ khiến các nước trong khu vực phải trả giá" - ông al-Sisi nói.
Phát biểu trong cuộc họp báo chung với Thủ tướng Đức Olaf Scholz ở thủ đô Cairo, ông Abdel Fattah al-Sisi đề xuất có thể đưa người Palestine đến sa mạc Negev của Israel "cho đến khi giải quyết xong các chiến binh (Hamas)". Ông cảnh báo việc đưa người Palestine tới Sinai sẽ biến bán đảo này thành "căn cứ để phát động các chiến dịch chống lại Israel".
Ông Biden phẫn nộ, ủng hộ lập luận của Israel
Ngày 18-10, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã đến Israel để bày tỏ sự đoàn kết với đồng minh Israel trong cuộc xung đột với Hamas. Ông Biden nói ông phẫn nộ với vụ nổ tại Bệnh viện Al-Ahli Arabi và ông ủng hộ lập luận của Israel cho rằng các chiến binh Palestine đứng sau vụ việc.
Theo lịch trình ban đầu, sau khi tới Israel, Tổng thống Biden sẽ tới Jordan để gặp các nhà lãnh đạo Ả Rập. Tuy nhiên sau vụ nổ tại bệnh viện, kế hoạch đã thay đổi. Nhà Trắng thông tin: "Sau khi tham khảo ý kiến của Quốc vương Abdullah II của Jordan, Tổng thống Biden sẽ hoãn chuyến đi tới Jordan cũng như cuộc gặp với Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas và Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah al-Sisi".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận