Hàng trăm người Philippines đã tuần hành phản đối trước lễ nhậm chức của ông Trump tại Đại sứ quán Mỹ ở Manila ngày 20-1 - Ảnh: AFP |
Tại Cuba, theo CNN, truyền thông nhà nước không nhắc nhiều đến lễ nhậm chức của ông Trump, có lẽ vì đã quá ngán ngẩm trước những lời hứa của ông về việc sẽ cứng rắn hơn với đảo quốc này, ngay khi quan hệ hai nước vừa có dấu hiệu ấm lại kể từ sau chuyến thăm của Tổng thống Obama tháng 5 năm ngoái.
Báo Gramma, cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Cuba, hôm thứ sáu đưa tin về thống kê dân số, một giải bóng chày địa phương và một giống cây thuốc lá mới nhưng tuyệt nhiên không đả động gì đến ông Trump hay buổi lễ nhậm chức.
Trong chiến dịch tranh cử của mình, ông Donald Trump đã cam kết sẽ đảo ngược những gì Tổng thống Obama đã đạt được trong việc khôi phục quan hệ với Cuba nếu nước này không nhượng bộ trong các vấn đề nhân quyền và tự do tín ngưỡng.
Vị tân Tổng thống của nước Mỹ cũng không được yêu mến gì hơn tại Iran. Tại khu phức hợp tôn giáo Grand Mosalla ở thủ đô Tehran, nơi người dân tụ họp để cầu nguyện mỗi thứ sáu, thì ngày hôm qua người ta tụ tập ở đó để xé cờ Mỹ nhằm phản đối những chính sách của Mỹ với Iran và vai trò của nước này trong cuộc nội chiến Syria.
“Tổng thống nào nắm quyền thì cũng vậy thôi,” một thanh niên choàng khăn có in hình Ayatollah Ali Khamenei, lãnh tụ tinh thần tối cao của Iran, nói với CNN.
Những người dân Iran tham gia xé cờ Mỹ chủ yếu suy tư về tương lai của thỏa thuận hạt nhân giữa Iran, Mỹ và một số nước khác, vốn nhắm tới việc cắt giảm chương trình hạt nhân của Iran để đổi lấy nới lỏng cấm vận kinh tế.
Trong chiến dịch tranh cử, ông Trump xem đây là một thỏa thuận bất lợi cho Mỹ, và thể hiện mong muốn tái đàm phán nó khi nhậm chức. Tuy vậy, chính phủ Iran đã phản đối ý tưởng này, và Tổng thống Iran Hassan Rouhani cũng đã tuyên bố ông Trump không thể đơn phương hủy bỏ thỏa thuận hay thay đổi những điều khoản của nó.
Trong khi đó, đồng minh thân cận của Mỹ là Israel tỏ thái độ hồ hởi trước sự kiện Mỹ đón chào vị Tổng thống thứ 45.
Trước khi nghe lễ nhậm chức bắt đầu, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã có dòng tweet chúc mừng sớm: “Chúc mừng người bạn của tôi, Tổng thống Trump. Tôi mong chờ được làm việc cùng ngài để khiến quan hệ đồng minh Israel-Mỹ bền chặt hơn bao giờ hết.”
Hơn nước nào hết, Israel đặc mong chờ ngày nhậm chức của ông Donald Trump, trong bối cảnh mà quan hệ hai nước dưới thời Obama đang có dấu hiệu nguội lạnh. Các nhà lãnh đạo Israel hi vọng ông Trump sẽ thực hiện đúng một trong những cam kết quan trọng nhất của ông khi tranh cử - dời đại sứ quán Mỹ từ Tel Aviv về Jerusalem và công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel.
Còn tại Nhật Bản, hàng chục người đã đổ xuống đường tuần hành ở thủ đô Tokyo nhân dịp lễ nhậm chức của ông Donald Trump hôm thứ sáu, trong đó phần lớn là cộng đồng người Mỹ ủng hộ đảng Dân chủ ở Nhật, nhưng cũng có sự tham gia của một số người dân Nhật Bản, CNN đưa tin.
“Chúng tôi chỉ muốn biết chắc rằng ngài Tổng thống biết chúng tôi đang ở đây,” người khởi xướng cuộc tuần hành Erica Summers nói với CNN.
Cách đó khoảng 885km về phía tây nam, một nhóm bảo thủ Nhật Bản đang mở tiệc ăn mừng vị tân Tổng thống Mỹ tại một nhà hàng ở thành phố Fukuoka.
Do phần lễ chính diễn ra quá muộn, nhóm phát những đoạn băng ghi hình đêm bầu cử tháng 11 năm ngoái để cùng xem trong lúc ăn uống.
“Trump là một người chân thật, thẳng thắn và có cùng quan điểm chính trị với chúng tôi,” Yoko Mada, người đứng ra tổ chức buổi gặp mặt nói với phóng viên CNN. “Điều mà phe bảo thủ ở Nhật Bản mong muốn là đưa đất nước mình ra khỏi cái gọi là chế độ hậu chiến tranh, và một động thái mang tính biểu tượng cho điều đó sẽ là việc chúng tôi có quân đội riêng, mà ông Trump thì ủng hộ điều này.”
Tại Philippines, từ sáng sớm ngày thứ sáu đã có khoảng 200 người xuống đường tuần hành phản đối ông Trump ở thủ đô Manila, theo ghi nhận của Reuters.
Những người biểu tình vừa đốt cờ Mỹ vừa hô to “Quân Mỹ cút xéo!”, trong khi một số khác mang theo những biểu ngữ mang biểu tượng của Bayan Muna, đảng chính trị cánh tả của Liên minh Yêu nước mới (NPA).
“Những người dân Philippines từ Manila đến Washington đến New York đang tham gia biểu tình chống lại thứ mà họ cho là chủ nghĩa phát xít và chế độ kỳ thị chủng tộc,” Renato Reyes Jr., tổng thư ký NPA nói với Reuters.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận