Ước tính sẽ có 200 triệu USD được chi cho tin giả trong chiến dịch tranh cử Tổng thống Mỹ năm 2020. Trong ảnh là mít tinh ủng hộ ông Trump tại Rio Rancho (bang New Mexico) ngày 16-9-2019 - Ảnh: AFP
Trung tuần tháng 12-2019, Cơ quan Quản lý thị trường tài chính Pháp (AMF) đã quyết định phạt hãng tin Bloomberg của Mỹ 5 triệu euro (5,6 triệu USD) vì đăng tin giả dẫn đến việc cổ phiếu của Tập đoàn Vinci (chuyên về chuyển nhượng và xây dựng ở Pháp) mất giá hơn 18% chỉ trong vài phút.
Tin giả gây thiệt hại đủ thứ
Sự việc bắt đầu từ một thông cáo báo chí sai lệch. Cuối năm 2016, Bloomberg nhận được một văn bản được cho là của Vinci có nội dung như sau: "Đã phát hiện dấu hiệu bất thường về kế toán rất nghiêm trọng và kết quả kiểm tra lại các báo cáo kế toán tổng hợp cho thấy có gây thiệt hại nên giám đốc tài chính đã bị sa thải".
Thật ra đây là tin giả (fake news) mà Tập đoàn Vinci là nạn nhân. Ai đó đã tạo trang web giả và địa chỉ e-mail giả rồi lấy danh nghĩa ban lãnh đạo Vinci gửi thông cáo báo chí đi. Sau khi Bloomberg đăng tin, cổ phiếu Vinci lao dốc.
Ban kỷ luật của AMF giải thích Bloomberg bị phạt vì chỉ một phút sau khi nhận thông cáo báo chí (giả) đã công bố ngay mà chẳng cần xác minh, đặc biệt đó lại là thông tin nhạy cảm, có thể gây hậu quả nghiêm trọng và tức thì cho thị trường chứng khoán.
Trang web ZDNet.com ghi nhận đây chỉ là một trong những ví dụ cho thấy tin giả gây thiệt hại thật.
Cuối năm 2019, Công ty an ninh mạng CHEQ của Israel và Đại học Baltimore (Mỹ) đã công bố báo cáo có tiêu đề "Chi phí kinh tế của các tác nhân xấu trên Internet - Tin giả năm 2019".
Báo cáo kết luận tin giả gây thiệt hại cho kinh tế thế giới 78 tỉ USD mỗi năm và chi phí mà các doanh nghiệp và chính phủ phải trả để ngăn chặn tin giả đang ngày càng gia tăng.
Trong khoản thiệt hại 78 tỉ USD có 39 tỉ USD cho thị trường chứng khoán, tài chính (17 tỉ USD), quản trị thương hiệu (9,54 tỉ USD), y tế (9 tỉ USD mỗi năm), bảo mật các nền tảng (3 tỉ USD), quảng cáo (235 triệu USD).
Bloomberg đăng tin giả không kiểm chứng, cổ phiếu của Tập đoàn Vinci lao dốc chỉ trong vài phút - Ảnh: AFP
Loạn tin giả trong chính trị
Báo cáo của Công ty CHEQ và Đại học Baltimore ghi nhận mỗi năm có tối thiểu 400 triệu USD được chi để phát tán tin giả trong các chiến dịch chính trị.
Một công trình nghiên cứu của Đại học Princeton (Mỹ) tiết lộ trong chiến dịch tranh cử Tổng thống Mỹ năm 2016, các "bài báo tin giả" chiếm 2,6% tổng số bài báo.
Do đó, dựa trên khối lượng tin giả hiện tại, ước tính sẽ có 200 triệu USD được chi ra để thúc đẩy, quảng bá và triển khai tin giả trong chiến dịch tranh cử tổng thống Mỹ năm 2020.
Ở các nước khác cũng thế. Chi phí cho tin giả trong tổng tuyển cử gồm bảy giai đoạn ở Ấn Độ năm 2019 là 140 triệu USD, 34 triệu USD tại Brazil (bầu cử Tổng thống năm 2018), 1 triệu USD tại Anh (năm 2017), 20 triệu USD tại Kenya, 2,7 triệu USD tại Nam Phi, 586.000 euro tại Pháp, 828.000 USD tại Úc, 642.000 USD tại Mexico.
Tin giả có thể còn gây thiệt hại cao hơn nếu tính đến chi phí kinh tế gián tiếp.
Chi phí kinh tế gián tiếp bao gồm vấn đề mất niềm tin vào các định chế lớn, tinh thần cải cách nguội lạnh, uy tín bị tổn hại, mất hình ảnh thương hiệu và áp lực đối với các tổ chức ngốn ngân sách tốn kém như quân đội, cảnh sát.
Nếu tính trọn gói, ước tính tin giả có thể gây thiệt hại gần 100 tỉ USD mỗi năm. Đây là một trong những lý do vì sao Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) xếp hạng tin giả vào danh sách những rủi ro chính trên toàn cầu.
Chi phí cho tin giả trực tuyến trong tổng tuyển cử Ấn Độ năm 2019 tốn 140 triệu USD - Ảnh: AFP
Báo cáo của Công ty CHEQ và Đại học Baltimore đánh giá: "Chừng nào thị trường quảng cáo còn kích thích sản xuất và phát tán tin giả…, nền kinh tế thế giới sẽ tiếp tục gánh chịu những rủi ro nghiêm trọng".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận