Chưa bao giờ dư luận thế giới lại sôi sục như bây giờ vì những động thái lấn áp trên biển Đông của Trung Quốc, như qua việc mới đây tại Hội nghị Lubeck (Đức), các ngoại trưởng nhóm G7 ra tuyên bố chung về an ninh hàng hải. Bãi Chữ Thập do vệ tinh chụp vào ngày 14-8-2014 (trái) và ngày 18-3-2015 (phải) cho thấy Trung Quốc đã gấp rút xây đường băng máy bay dài 3km trên một dải lãnh thổ tranh chấp ở biển Đông - Ảnh: Reuters/CSIS/AMTI Không phải vô cớ hay do “kết bè hiệp đảng” mà các ngoại trưởng nhóm G7 tuần qua đã phải cùng nhau ra một “Tuyên bố về an ninh biển” cảnh báo tình hình đang bị uy hiếp bởi những tham vọng của Trung Quốc. Đơn giản và rõ như ban ngày là cả bảy nền kinh tế lớn nhất thế giới có tổng sản lượng nội địa (GDP) lên đến 35.679,53 tỉ USD, tính đầu người những 45.964 USD (năm 2014) này thịnh hay suy phần nào tùy thuộc sự thông thương trên biển Đông và biển Hoa Đông. Những động thái ngày càng “xác lập chủ quyền” một cách khơi khơi và cứng rắn hơn của Trung Quốc đã đến mức G7 phải lên tiếng cảnh báo. THÔNG CÁO CHUNG VỀ AN NINH HÀNG HẢI Hôm 15-4, tại Hội nghị Lubeck, các ngoại trưởng Anh, Canada, Đức, Mỹ, Nhật, Pháp, Ý cùng đại diện cao cấp của EU đã không giấu nỗi lo ngại của mình: “Việc chúng ta tùy thuộc vào các đại dương như một xa lộ thương mại và là nguồn thực phẩm và tài nguyên sẽ càng gia tăng hơn nữa. Việc sử dụng các đại dương của thế giới một cách tự do và không bị cản trở chính là điều kiện cho hành trình vào tương lai của mọi quốc gia”. Quá đúng, ngay cả cho Trung Quốc cùng “con đường tơ lụa trên biển” của nước này. Sẽ chẳng có được “con đường tơ lụa” nào cho Bắc Kinh nếu như Thái Bình Dương, Ấn Độ Dương bị các nước ven bờ rủ nhau hay cùng với ai khác “rào chắn” trên biển! Và đó là điều mà chẳng một nước nào làm, thậm chí nghĩ đến, ngược lại chỉ mong sao được yên thân, kể cả G7: “An ninh hàng hải chỉ có thể có nếu như chúng ta cùng theo đuổi cách tiếp cận mang tính cộng tác, dựa trên luật lệ, đồng thời phối hợp các hành động của chúng ta từ cấp độ quốc gia đến khu vực và toàn cầu”. G7 kêu gọi như thế, song liệu cả thế giới này đều đang suy nghĩ và hành động trên tinh thần “cộng tác, dựa trên luật lệ và phối hợp hành động” như mong muốn của G7 hay không? MỘT MÌNH MỘT CÕI Tuyên bố tại một cuộc họp báo ngày 9-4, bà Hoa Xuân Oánh - người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc - cho rằng các hoạt động cải tạo đất và xây dựng tại quần đảo Trường Sa trên biển Đông “là cần thiết do rủi ro từ những cơn bão gây ra với nhiều tuyến hàng hải xa đất liền” và nhằm “đáp ứng nhu cầu phòng thủ quân sự” của Trung Quốc! Không còn úp mở gì nữa, Bắc Kinh thản nhiên loan báo mục đích quân sự của mình trên biển Đông. Dựa trên cơ sở công nhận quốc tế nào mà nay người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc lại giải thích rằng tuyến phòng thủ của Trung Quốc lại ra tới tận Trường Sa và rằng việc xây dựng này “không ảnh hưởng và không nhằm chống lại bất kỳ nước nào”? Việc san lấp và mở rộng các đảo nhỏ ở Trường Sa và Hoàng Sa cho thấy ý đồ độc chiếm biển Đông của Bắc Kinh nay đã biến thành một thực tế hiển nhiên và đe dọa uy hiếp. Không khó để hiểu thế nào là “đáp ứng nhu cầu phòng thủ quân sự” của Trung Quốc. Chi tiết mà tờ Daily Mail của Anh công bố hôm 17-4 là câu trả lời rõ ràng: “Các hình ảnh vệ tinh mới nhất cho thấy Trung Quốc đã xây một đường băng máy bay dài 3km trên một dải lãnh thổ tranh chấp trên biển Đông và còn đang dự định xây thêm một đường băng khác nữa”. Xây đường băng dài 3km trên bãi Chữ Thập (Fiery Cross Reef) của Việt Nam để làm gì nếu không phải để biến nơi này thành một “tàu sân bay không bao giờ chìm”, làm bàn đạp khống chế toàn thể biển Đông và tấn công bằng không quân? Nếu như tàu sân bay Liêu Ninh mà Trung Quốc hạ thủy hôm 25-9-2012 còn lâu mới khả dụng, thì đường băng 3km trên bãi Chữ Thập mới xây xong đã khả dụng ngay, trở thành lằn ranh mới của hệ thống Chống tiếp cận/Chống xâm nhập khu vực (Anti-Access/Area Denial, A2/AD) của Trung Quốc. Đùng một cái, chỉ với mấy bãi đá lấn chiếm nay được bồi đắp thành đảo mà lằn ranh phòng thủ của Trung Quốc đã dịch chuyển một lèo từ ven bờ hay từ đảo Hải Nam nay xuống tận vĩ tuyến 9°37' Bắc, và kinh tuyến 112°58' Đông. Bãi Chữ Thập phi quân sự ngày nào giờ đây là loại “căn cứ tiền tiêu” bảo vệ từ xa căn cứ tàu ngầm Du Lâm trên đảo Hải Nam, sẽ là căn cứ rađa phục vụ 24/24 giờ hoạt động của vùng cấm bay (ADIZ) mới trên biển Đông. Chưa hết, nó sẽ là căn cứ xuất kích các cuộc đổ bộ lấn chiếm các dải đá, đảo... xung quanh. Điều mà tất cả các nước cùng e sợ là với các bãi đá biến thành căn cứ quân sự này, Trung Quốc sẽ có khả năng phong tỏa các tuyến đường hàng hải qua biển Đông, nơi có đến 40% hàng hóa thế giới đi qua (xem thêm The PLA Navy: New capabilites and missions for the 21st century). Đó là lý do khiến G7 lên tiếng: “Chúng tôi khẳng định lại sự gắn bó của chúng tôi với quyền tự do hàng hải và hàng không quốc tế, quyền sử dụng hợp pháp biển xa cùng vùng đặc quyền kinh tế cũng như các quyền và tự do liên quan trong các khu vực hàng hải khác, bao gồm cả quyền đi qua một cách hiền hòa, quyền quá cảnh, cùng quyền đi qua các quần đảo trên các tuyến đường biển phù hợp luật pháp quốc tế. Chúng tôi nhắc lại thêm nữa sự gắn bó cam kết của chúng tôi đối với nền thương mại hợp pháp không bị cản trở, sự an toàn và an ninh của các thuyền viên và hành khách, việc bảo tồn và sử dụng bền vững các nguồn tài nguyên thiên nhiên và đa dạng sinh học biển”. Nếu chúng ta nhớ lại những vụ xâm lấn các vùng đặc quyền kinh tế của các nước trên biển Đông, có thể mường tượng một tương lai không xa bay trên khu vực này hoặc di chuyển trong vùng biển này sẽ bị buộc khai danh tính! Đó không còn là một mối sợ hão mà là một mối nguy hiểm còn căng thẳng hơn ở vùng cấm bay biển Hoa Đông, do ở đó tương quan lực lượng các bên cũng còn cân bằng chứ không quá áp đảo như ở biển Đông. VẤN ĐỀ CỦA TOÀN CẦU Trong một phỏng vấn hôm thứ sáu tuần trước, Tổng thống Philippines Benigno Aquino tuyên bố “những tranh chấp trên biển Đông là vấn đề của toàn cầu”. Trong cùng góc nhìn đó, G7 “kêu gọi tăng tốc công việc soạn thảo bộ quy tắc toàn diện ứng xử trên biển Đông, và trong thời gian chờ đợi chúng tôi nhấn mạnh sự ủng hộ đối với Tuyên bố ASEAN năm 2002 về ứng xử của các bên trên biển Đông. Chúng tôi khuyến khích các nước phải làm hết sức mình để thực hiện các cam kết của mình, và chúng tôi dự định để hỗ trợ họ trong phạm vi khả năng của mình và ưu tiên khu vực. Chúng tôi nhấn mạnh vai trò xây dựng các biện pháp xây dựng lòng tin thực tế...”. Các nước có liên quan xa gần đang phản ứng. Tờ Japan Times ngày 19-4 cho biết Nhật và Mỹ đang xem xét tiến hành tuần tra chung trên biển Đông “nhằm đảm bảo sự ổn định của các tuyến hàng hải, đồng thời để buộc Trung Quốc hành xử kiềm chế việc khiêu khích hơn”. Động thái này tiếp nối cuộc gặp giữa hai bộ trưởng quốc phòng Nhật - Mỹ hôm 8-4, theo đó hai bên nhất trí chống lại bất cứ ý đồ thay đổi hiện trạng bằng vũ lực. Các chi tiết của sự phối hợp này sẽ được bàn bạc tiếp vào cuối tháng này để đưa vào văn bản hướng dẫn hợp tác song phương đang được cập nhật hóa. Tags: Biển Đông
Học toán trong thời đại AI: Ta cần nghĩ tới những điều mình có thể giúp người khác KHỔNG LOAN 19/12/2024 2011 từ
Tinh gọn bộ máy: Phải có 'đường chạy' nhất quán CAO VŨ MINH (TRƯỜNG ĐH KINH TẾ - LUẬT) 18/12/2024 1788 từ
Công bố Chương trình tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp 2025 với nhiều nội dung mới TRỌNG NHÂN 23/12/2024 Ngoài tư vấn tuyển sinh hướng nghiệp, năm 2025, báo Tuổi Trẻ tổ chức thêm ba ngày hội Tự tin vào lớp 10 tại TP.HCM và Hà Nội.
Ông Phan Văn Mãi: TP.HCM phải 'đá tiền đạo' khi đất nước bước vào kỷ nguyên vươn mình THẢO LÊ 23/12/2024 Ví như một đội bóng, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi xác định TP.HCM phải nằm trong đội hình chính và có vai trò đá tiền đạo.
Chi tiết các bảng lương viên chức năm 2025 THÀNH CHUNG 23/12/2024 Tuổi Trẻ Online giới thiệu với bạn đọc thông tin chi tiết toàn bộ bảng lương viên chức dự kiến được áp dụng từ năm 2025.
Tình báo Mossad tiết lộ toàn cảnh kế hoạch tinh vi kích nổ máy nhắn tin và bộ đàm của Hezbollah THANH HIỀN 23/12/2024 Hàng nghìn máy nhắn tin và bộ đàm của các thành viên lực lượng Hezbollah đã đồng loạt phát nổ tại Lebanon vào tháng 9 vừa qua. Vì sao?