Cảnh sát đứng cạnh một nạn nhân tại quán cà phê bên ngoài hội trường ca nhạc Bataclan - Ảnh: Reuters |
Một người bị thương được đưa khỏi khu vực hội trường ca nhạc Bataclan - Ảnh: Reuters |
Tổng thống Francois Hollande bàng hoàng phát biểu trên truyền hình - Ảnh: Reuters |
Theo AFP, Tổng thống Mỹ Barack Obama mô tả các vụ khủng bố tại Paris là “đòn tấn công vào toàn bộ nhân loại”. “Những kẻ nghĩ rằng chúng có thể khủng bố người dân nước Pháp hoặc các giá trị mà họ đại diện là hoàn toàn sai lầm” - ông Obama tuyên bố.
“Chúng ta cần nhớ rằng trong thời điểm thảm kịch này, tinh thần tự do, bình đẳng, bác ái không chỉ là giá trị của người dân Pháp, mà là giá trị tất cả chúng ta cùng chia sẻ. Các giá trị đó vượt lên mọi hành vi khủng bố và thù hận” - ông Obama nhấn mạnh.
Tổng thống Mỹ cũng cam kết sẽ hợp tác với Pháp để đưa những kẻ thảm sát ra đối diện với công lý. “Chúng tôi sẽ làm tất cả để hợp tác với Pháp và các nước” - ông Obama hứa. Bộ An ninh nội địa Mỹ thông báo chưa có mối đe dọa nào nhắm vào nước Mỹ.
Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-Moon cũng mô tả các vụ tấn công khủng bố ở Paris là “đáng khinh bỉ”. “Tổng thư ký chia buồn với gia đình các nạn nhân thiệt mạng và mong những người bị thương chóng bình phục” - người phát ngôn của ông Ban nói. Hội đồng Bảo an LHQ cũng chỉ trích vụ tấn công “hèn hạ và man rợ”.
Thủ tướng Đức Angela Merkel cho biết bà “sốc nặng” khi nghe tin Paris bị tấn công khủng bố. “Tôi cầu nguyện cho các nạn nhân vụ tấn công khủng bố, gia đình của họ và các cư dân thủ đô Paris” - bà Merkel nói. Bà Merkel cũng cho biết sẽ họp với các bộ trưởng về vụ tấn công và cam kết sẽ làm mọi thứ để giúp Pháp chống khủng bố.
Trong khi đó, cảnh sát ở thủ đô Berlin (Đức) đã tăng cường an ninh với hàng rào được dựng lên xung quanh các địa điểm liên quan đến Pháp, trong đó có cả đại sứ quán Pháp. Ý cũng đã cho tăng cường an ninh.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker cũng cho biết ông bị sốc và khẳng định châu Âu “bày tỏ tình đoàn kết với Pháp”.
Tổng thống Nga Putin nói trong điện tín gửi người đồng cấp Pháp Francois Hollande: “Thảm kịch này đã trở thành một bằng chứng nữa về sự dã man của chủ nghĩa khủng bố, đặt ra một thách thức cho văn minh nhân loại. Rõ ràng nỗ lực đoàn kết thật sự của cộng đồng quốc tế là cần thiết để đấu tranh hiệu quả với tội ác” . Theo AFP, ông nói thêm rằng Nga sẵn sàng hợp tác chặt chẽ với Pháp trong việc điều tra các vụ tấn công.
Trong khi đó, như AFP cho biết, Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius phát biểu hôm 14-11 rằng các vụ tấn công ở Paris cho thấy sự cần thiết hơn bao giờ hết phải phối hợp cùng quốc tế để chống chủ nghĩa khủng bố.
Thủ tướng Canada Justin Trudeau, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đều khẳng định sẽ “kề vai sát cánh” với nước Pháp trong cuộc chiến chống khủng bố. Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ cũng cho biết đang tăng cường các biện pháp chống khủng bố.
Thủ tướng Anh David Cameron cho biết: "Tôi thật sự sốc bởi các sự kiện tại Paris tối qua. Xin chia sẻ suy nghĩ và những lời cầu nguyện đến người dân Pháp". Thủ tướng Anh cũng nói sẽ triệu tập một cuộc họp khẩn cấp với chính phủ về vụ khủng bố ở Paris.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong cuộc điện đàm sáng 14-11 với Tổng thống Pháp Francois Hollande đã tuyên bố sẵn sàng tham gia cùng Pháp và cộng đồng quốc tế trong việc đẩy mạnh hợp tác an ninh và chống khủng bố.
Ngoài ra, trang mạng Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng thông báo rằng ông Tập cũng lên án cuộc tấn công khủng bố nhằm vào người dân Paris tối qua và gửi lời chia buồn đến các nạn nhân và gia đình của họ.
Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg tuyên bố NATO luôn kề vai sát cánh với Pháp. "Tôi thật sự sốc bởi các cuộc tấn công khủng bố khắp Paris tối qua. Xin chia buồn với gia đình các nạn nhân, với những người bị ảnh hưởng và với người dân nước Pháp" - Ông Stoltenberg cho biết.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận