24/10/2024 11:19 GMT+7

Thế giới làm đường sắt tốc độ cao ra sao - Kỳ 2: 'Ông già sấm sét' Shinji Sogo đường sắt tốc độ cao

Cách đây đúng 60 năm vào ngày 1-10-1964 (chín ngày trước khi Thế vận hội Tokyo 1964 khai mạc), Nhật đã khánh thành tuyến đường sắt cao tốc Shinkansen Tokaido dài 552,6km.

Thế giới làm đường sắt tốc độ cao ra sao - Kỳ 2: 'Ông già sấm sét' Shinji Sogo - Ảnh 1.

“Ông già sấm sét” Shinji Sogo - chủ tịch Công ty Đường sắt quốc gia Nhật - trong buồng lái tàu Shinkansen thử nghiệm vào năm 1962 - Ảnh: Kyodo News

Đoàn tàu cao tốc đầu tiên của Nhật rời ga Tokyo chạy với vận tốc tối đa 210km/h đến ga Shin-Osaka trong bốn tiếng.

Tôi sẵn sàng chết trên đường ray.

SHINJI SOGO

Phương châm "Không gì là không thể"

Người đã đưa nước Nhật trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới phát triển tàu cao tốc là ông Shinji Sogo - nguyên chủ tịch Công ty Đường sắt quốc gia Nhật (JNR, hiện nay đã được tư nhân hóa). Ông có biệt danh là "ông già sấm sét" vì tánh ông nóng như Trương Phi.

Shinji Sogo sinh ngày 14-4-1884, lớn lên tại đất nước Nhật với chế độ phong kiến, Thiên hoàng được coi là vị thần và ý tưởng cách tân không phải lúc nào cũng được chào đón. Ông tốt nghiệp Trường Luật (Đại học Hoàng gia Tokyo) năm 1909 nhưng không theo ngành luật mà vào cơ quan đường sắt. 

Ông thăng tiến đến khi trở thành người đầu tiên được trao vị trí quản lý quan trọng mà không phải là kỹ sư. Ông đã từng làm việc ở châu Á với vai trò điều hành Công ty Đường sắt Nam Mãn Châu (đường sắt do Nga xây dựng ở Mãn Châu, sau đó được Nhật mua lại) vào năm 1930, rồi giữ chức thị trưởng thành phố Saijo (tỉnh Ehime) năm 1945.

Sau chiến tranh, ông giữ chức chủ tịch Hiệp hội Phúc lợi đường sắt cho đến khi được bổ nhiệm làm chủ tịch JNR vào năm 1955, năm ông đã 71 tuổi. Một năm trước đó, JNR đã lập kế hoạch cải tổ kéo dài 5 năm với vốn đầu tư 12 tỉ yen nhằm hiện đại hóa tuyến đường sắt Tokaido cũ kỹ và đông đúc nối liền Tokyo với Osaka. Lúc đó nhiều ý kiến cho rằng chỉ cần tập trung cải tiến an toàn hệ thống đường sắt là đủ vì đường sắt sẽ dần dần lạc hậu so với máy bay.

Quả thật, Chiến tranh thế giới thứ hai đã tàn phá mạng lưới đường sắt ở Nhật, vì vậy đường sắt không thể đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế Nhật thời hậu chiến. Bấy giờ cũng là thời kỳ đầu của kỷ nguyên động cơ phản lực, khi mà hầu hết mọi người đều nghĩ rằng máy bay và xe hơi sẽ thay thế mọi hình thức vận chuyển hành khách. Tàu hỏa được coi là phương tiện đi lại cũ kỹ, cồng kềnh và chậm chạp với nhiều tuyến đường sắt làm ăn bết bát.

Như nhà văn Bill Hosokawa - tác giả cuốn sách Ông già sấm sét, cha đẻ của tàu cao tốc xuất bản vào tháng 1-1997 tại Mỹ - nhận xét phương châm của Shinji Sogo là "Không gì là không thể". 

Ông là một trong số rất ít người tin rằng đường sắt sẽ tiếp tục là phương tiện giao thông chủ đạo của Nhật. Với niềm tin ấy, ông bắt đầu chuẩn bị kế hoạch xây dựng hệ thống đường sắt tốc độ cao theo khổ đường ray tiêu chuẩn 1.435mm. 

Ông tin rằng tàu cao tốc sẽ thúc đẩy kinh tế thời hậu chiến còn mong manh của Nhật lên hàng ngũ các cường quốc thế giới. Ông hiểu một trận chiến khốc liệt đang chờ đợi ông nếu thực hiện dự án tàu cao tốc nhưng ông tin tưởng đến mức đã từng tuyên bố: "Tôi sẵn sàng chết trên đường ray".

Thế giới làm đường sắt tốc độ cao ra sao - Kỳ 2: 'Ông già sấm sét' Shinji Sogo - Ảnh 2.

Lễ khánh thành tuyến đường sắt cao tốc Shinkansen Tokaido vào ngày 1-10-1964. Đây là tàu cao tốc đầu tiên trên thế giới chạy với vận tốc trên 200km/h - Ảnh: Kyodo

"Đỉnh cao của sự điên rồ" đã thành công

Dưới sự chỉ đạo của chủ tịch JNR Shinji Sogo, các kỹ sư bắt đầu nghiên cứu dự án đường sắt tốc độ cao. Dự án nhận được rất ít ủng hộ từ công chúng, Quốc hội và thậm chí trong nội bộ JNR. Nhiều quan chức mô tả dự án này là "đỉnh cao của sự điên rồ". Do đó, ông xác định nhiệm vụ đầu tiên là phải chiếm được lòng tin trong nội bộ JNR và trong công chúng, một nhiệm vụ mà ông coi là khó khăn nhất.

Do nhiều ý kiến trong công chúng và trong các giám đốc điều hành của JNR coi dự án này là vô nghĩa, ông đã yêu cầu nhóm kỹ sư bí mật soạn thảo báo cáo nghiên cứu khả thi tại nhà họ. Vài kỹ sư bàn ra rằng công việc nghiên cứu dự án do "một ông già bướng bỉnh theo đuổi giấc mơ viển vông" lãnh đạo. Ông thay thế những người không ủng hộ dự án trong JNR, sau đó đề bạt kỹ sư tài giỏi Hideo Shima - giám đốc công nghệ của JNR - thay thế giám đốc xây dựng.

Cuối cùng, thái độ kiên trì của ông và lời bảo đảm đủ khả năng quản lý dự án tàu cao tốc đã giúp ông vượt qua mọi trở ngại. Năm 1959, Chính phủ Nhật cam kết đầu tư 200 tỉ yen (1,3 tỉ USD) cho dự án tuyến đường sắt tốc độ cao Tokaido dài hơn 500km nối liền Tokyo với Osaka. Khi chi phí thực tế của dự án tăng lên, nhiều khoản đầu tư khác được bố trí, trong đó có vốn vay từ Ngân hàng Thế giới (vay 80 triệu USD, tương đương hơn 600 triệu USD hiện nay).

JNR khởi công dự án vào năm 1959. Sogo đã khéo léo sử dụng tánh nóng nảy của ông một cách có tính toán để thúc đẩy dự án. Tính khí nóng như lửa, thái độ bướng bỉnh và tinh thần tập trung cao độ của ông cũng góp phần vượt qua văn hóa kinh doanh phổ biến ở Nhật được gọi là nemawashi vốn chú trọng kiên nhẫn và thỏa hiệp (kiên nhẫn đàm phán đến khi các quan điểm khác nhau trong công ty đạt được thỏa hiệp).

Nhà văn Bill Hosokawa nhận xét: "Ông ấy táo bạo theo nghĩa khi theo đuổi những gì ông tin rằng tốt nhất cho đất nước. Ông ấy phớt lờ các lẽ thường tại một quốc gia và vào thời kỳ mà tuân phục là cách duy nhất được chấp nhận để được mọi người tôn trọng và thành công".

Chi phí xây dựng, giá đất và chi phí nhân công tăng cao đã ảnh hưởng nặng nề đến dự án đường sắt tốc độ cao. Ban đầu dự án dự kiến ở mức 170 tỉ yen, cuối cùng phải tiêu tốn 380 tỉ yen. Năm 1963, chủ tịch Sogo và kỹ sư trưởng Shima buộc phải từ chức để chịu trách nhiệm về chi phí vượt mức khổng lồ. Vào ngày khánh thành tuyến đường sắt cao tốc Shinkansen Tokaido hôm 1-10-1964, ông và các cộng sự còn không được mời đến. Phải một năm sau đó, ông mới được Nhật hoàng Hirohito trao tặng huân chương Thụy Bảo hạng cao nhất dành cho người có những đóng góp phi thường cho nước Nhật.

Ông qua đời vào ngày 3-10-1981, hưởng thọ 97 tuổi. Tầm nhìn của ông về đường sắt tốc độ cao cuối cùng đã được các nước làm theo.

Liên minh Đường sắt cao tốc (Mỹ) nhận định bài học của "ông già sấm sét" Shinji Sogo được nêu trong cuốn sách của nhà văn Bill Hosokawa là những khó khăn liên quan đến thực hiện dự án đường sắt tốc độ cao là điều phổ biến ở mọi quốc gia, tuy nhiên dự án vẫn có thể thành công nếu có tầm nhìn thuyết phục về dự án, nhóm quản lý đủ năng lực để giám sát dự án và một nhà lãnh đạo mạnh mẽ được bổ nhiệm.

Để thuyết phục các nghị sĩ có thế lực trong Quốc hội ủng hộ dự án tàu cao tốc, Shinji Sogo đã áp dụng chiêu thường xuyên gọi điện cho họ tại nhà vào sáng sớm hoặc tối muộn để có thể nói chuyện lâu hơn.

Chiêu này không phải lúc nào cũng hiệu quả. Lần nọ một nghị sĩ lãnh đạo Quốc hội đã từ chối nói chuyện với ông. Ông bèn đến chờ trước nhà nghị sĩ nọ vào sáng sớm với ý định sẽ nói chuyện trên đường đi làm. Vài lần đầu, nghị sĩ nọ đi ngang qua ông và nói thẳng: "Hôm nay tôi không có thời gian cho ông". Cuối cùng nhờ lòng kiên trì, ông đã đạt được mục đích.

******************

Nếu ông Shinji Sogo là "cha đẻ về chính trị" của dự án tàu cao tốc Shinkansen thì kỹ sư Hideo Shima đã giữ vai trò là "cha đẻ kỹ thuật". Ông và các kỹ sư cộng sự đã áp dụng nhiều cải tiến về công nghệ. Đặc biệt kỹ sư Eiji Nakatsu đã quan sát chim cú và chim bói cá để nghĩ ra cách giảm tiếng ồn của tàu cao tốc.

>> Kỳ tới: Uớc mơ tàu cao tốc của Hideo Shima

Thế giới làm đường sắt tốc độ cao ra sao - Kỳ 2: 'Ông già sấm sét' Shinji Sogo - Ảnh 3.Thế giới làm đường sắt tốc độ cao ra sao - Kỳ 1: Người mù chữ trở thành 'cha đẻ đường sắt'

Từ ngày đầu máy xe lửa đầu tiên chở khách ra đời ở Anh vào năm 1825, đường sắt đã thay đổi vượt bậc trong 200 năm qua.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên