Tác giả Khương Hà tại buổi ra mắt tập thơ Những rời và rạc - Ảnh: L.ĐIỀN
Không chỉ khẩu khí, chính khả năng kiểm soát ngôn từ đã khiến cho Khương Hà tạo dựng một không gian kín bưng và rồi trong đó tất thảy mọi suy tư tung tẩy cũng như chiêm nghiệm tưởng tượng kèm với thả lỏng tâm hồn xem thử có điên không... bỗng dưng làm thành thế giới thơ của Khương Hà.
Qua ngần ấy câu chữ trải trên gần 200 trang sách, người ta đều thấy cảm xúc trong từng cấu tứ, nhịp điệu ngôn từ; thấy tình người ấm lạnh qua nhãn quan ráo hoảnh sau khi nước mắt chảy ngược hết vào trong; thấy rờn rợn nỗi hoang vu chẳng hiểu sao lại đi cặp với quê nhà; thấy tác giả tỉnh táo đem cái tôi của mình ra thử nghiệm cho nhiều pha va đập với đời để rồi không ít lần đau ngất đi chỉ vì thương cái tôi ấy quá...
Và rõ nhất là thấy tâm sự của tác giả với Sài Gòn, ở đó có bạn bè, có những người từng không chỉ là một phần của cảm xúc trên hành trình "lọc từ thế giới xung quanh để thấy rõ mình hơn".
Ấy vậy mà cả một thế giới thơ Khương Hà vẫn kín như bưng. Cảm giác như tác giả đã từ chỗ kiểm soát ngôn từ tinh diệu chuyển thành mã hóa tâm sự bằng câu chữ. Điều này khiến người đọc thú vị pha chút căng thẳng: Đây, tất cả là chữ, nhưng thông điệp là gì tùy thuộc vào công việc giải mã của anh. Tác giả lui ra, không đưa cho chìa khóa mà chỉ mỉm cười hiền hiền, như trong buổi ra mắt thơ vừa qua Khương Hà cũng mỉm cười hiền hiền như vậy.
Nhưng đừng nghĩ cách thế ấy kém phần thi vị, bởi với thơ, nhiều khi chỉ cần giao nhau bằng cảm xúc là đủ.
Chẳng hạn như trong tập thơ này, có đoạn ngọt ngào trau chuốt như Đường thi: "Đâu đó trên đỉnh đồi kia/ con chim nhạn cùng đường/ lao vào mưa/ không biết mình đã chết" (Em điên nhức nhối); hay như nấc nghẹn: "đây là Sài Gòn, Sài Gòn/ nơi tất cả cơn mộng tan đi/ chỉ còn lại linh hồn em/ khốn khổ và lưu vong..." (Sài Gòn! Sài Gòn!), những "bản mã" như vậy chỉ cần cảm nhận là đủ phần tâm đắc.
Dịch giả Trần Tiễn Cao Đăng chia sẻ một nhận định sau khi đọc Những rời và rạc, rằng thơ Khương Hà "như cuộc tìm tòi về quê nhà sâu xa của mình, đó là một hành trình cô đơn, và quê nhà tối hậu ấy không phải ở đây, không phải thế giới này, mà như một cõi giới nào để từ đó nhà thơ đi lạc đến đây".
Cũng có thể, biết đâu hành trình ấy lại mang tiếp đến cho chúng ta vài tập thơ nữa.
Em điên nhức nhối
Ở đâu, anh
giấc mơ chết trôi trên sông đêm tỉnh thức?
vắng im cuối cùng
sâu như rừng tàn
cuộn như lửa đỏ
ai thả muội tro xuôi về đông
tiếng thác dội về tây
những hòa thanh bần thần
tung bay chói lọi
Ở đâu, anh
nơi biển lấp đi hàng ngàn ngôi sao?
những vầng trăng không màu mọc lên
từ bụi nước
em trầm đôi chân mình xuống cát
nghe ba chìm
bảy nổi
cơn bão đâu đâu ập về như quá khứ
đâu đó trên đỉnh đồi kia
con chim nhạn cùng đường
lao vào mưa
không biết mình đã chết
thôi thì cứ bay đi
đầu thai thành cơn gió
thay ta về nam
thay ta về núi
thay ta lên dốc hoa vàng
chui vào căn gác nhỏ
nắm một bàn tay cũ
ngủ một trận quên sầu
Ở đâu, anh
những dây trường xuân mọc lên từ ngực
dòng máu biếc đổ về không
cạn tàu
ráo máng
em khóc ai hay
em ngửa mặt cười
em trèo lên cây
em lao ra biển
em lặn ngụp đầm phá
em bay qua truông ngàn
em nhảy múa hiên ngang
em điên nhức nhối
Phải không anh
em là bóng tối
phủ lên đêm một giấc phi thường!
KHƯƠNG HÀ
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận