Một giàn khoan dầu ngoài khơi tại mỏ dầu Salman thuộc vịnh Ba Tư, gần đảo Lavan (Iran) - Ảnh: Bloomberg
Bình luận trên được Bloomberg đưa ra trong tuần này khi Bộ Ngoại giao Mỹ xác nhận Washington đã gửi phản hồi tới Liên minh châu Âu (EU) về đề xuất mà khối này đưa ra nhằm khôi phục Kế hoạch hành động toàn diện chung (JCPOA), hay còn gọi là Thỏa thuận hạt nhân Iran - được ký giữa Iran và nhóm P5+1 (gồm Anh, Pháp, Nga, Mỹ, Trung Quốc và Đức) vào năm 2015.
Dầu sẽ xuống 80 USD/thùng?
Chưa rõ Mỹ hào hứng ra sao với đề xuất của EU, nhưng EU cho biết phản hồi của Iran với đề xuất của họ là "hợp lý". Việc Mỹ và Iran gửi phản hồi riêng với EU mà không có quá nhiều cuộc khẩu chiến công khai cũng là diễn biến tích cực sau nhiều tháng căng thẳng giữa hai bên.
Theo cây bút Sylvia Westall trên Bloomberg, việc hồi sinh được Thỏa thuận hạt nhân Iran sẽ giúp đưa thêm từ 500.000 - 1 triệu thùng dầu mỗi ngày từ Iran vào thị trường quốc tế, góp phần giảm nhiệt đáng kể cuộc khủng hoảng năng lượng hiện nay.
Còn nhà phân tích Viktor Katona tại Công ty tư vấn năng lượng Kpler nhận định với Đài CGTN rằng sau khi các lệnh trừng phạt của phương Tây với Iran được dỡ bỏ, trong vòng 3 tháng, Iran có thể xuất khẩu "thêm khoảng 700.000 - 800.000 thùng dầu mỗi ngày".
Các nhà phân tích cho rằng khi Thỏa thuận hạt nhân Iran được ký kết, dầu mỏ Iran có thể thay thế dầu Nga và giúp hạ giá dầu thế giới từ mức hiện tại khoảng 100 USD/thùng xuống còn 80 USD/thùng.
Những nguồn tin hiểu rõ chiến lược của Iran cho biết nước này đang nhắm tới việc lấp đầy khoảng trống mà Nga bỏ lại trên thị trường dầu mỏ châu Âu, nếu họ có thể đạt thỏa thuận hạt nhân với các cường quốc và được nới lỏng lệnh trừng phạt.
Hiện nay, cuộc khủng hoảng năng lượng đang có nguy cơ trầm trọng thêm do nhiều yếu tố, trong đó có lệnh cấm của châu Âu đối với dầu mỏ nhập từ Nga bằng đường biển sắp có hiệu lực từ đầu tháng 12 tới.
Bao giờ đạt thỏa thuận?
Câu hỏi đặt ra là khi nào Iran và các cường quốc sẽ đạt được thỏa thuận về chương trình hạt nhân của Tehran? Trang tin Al-Monitor cho rằng thỏa thuận này có thể được ký kết quá trễ, đến mức không giúp ích kịp cho cuộc khủng hoảng năng lượng.
Mỹ không nêu chi tiết về phản hồi của họ đã gửi EU, nhưng có thể Mỹ không chấp nhận ngay lập tức những yêu cầu của Iran và sẽ đàm phán thêm để điều chỉnh.
Theo Đài CNN, dù các quan chức Mỹ bày tỏ lạc quan về những nỗ lực mới nhất nhằm hồi sinh thỏa thuận sau khi Washington rút khỏi JCPOA vào năm 2018, nhưng họ cũng nhấn mạnh giữa Tehran và Washington vẫn còn những khác biệt.
Người phát ngôn EU Nabila Massrali xác nhận họ đã nhận được phản hồi của Mỹ và đã chuyển cho phía Iran. Bộ Ngoại giao Iran cho biết cũng đã nắm được phản hồi của Mỹ thông qua EU và "quá trình nghiên cứu kỹ lưỡng về quan điểm của phía Mỹ đã bắt đầu".
Các nguồn tin cho biết dưới áp lực kinh tế đang gia tăng, các nhà lãnh đạo theo đường lối cứng rắn của Iran đã bỏ đi một số yêu cầu quan trọng, trong đó có việc không còn yêu cầu Mỹ đưa lực lượng Vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) ra khỏi danh sách tổ chức khủng bố.
Ngày 28-8, truyền thông Iran cho biết ít nhất đến ngày 2-9 Iran mới trao đổi với Mỹ về đề xuất của EU nhằm khôi phục JCPOA.
Về phía Mỹ, các quan chức trong chính quyền Tổng thống Joe Biden cho rằng việc khôi phục thỏa thuận là cách tốt nhất để ngăn Iran sở hữu vũ khí hạt nhân. Một quan chức Mỹ cho biết trong trường hợp hai bên cùng thực hiện thỏa thuận trở lại, nhiều biện pháp ràng buộc sẽ được áp dụng.
"Các giới hạn nghiêm ngặt đối với việc làm giàu uranium của Iran có nghĩa là ngay cả khi Iran rời bỏ thỏa thuận để theo đuổi vũ khí hạt nhân thì cũng phải mất ít nhất 6 tháng để làm điều đó" - Đài CNN dẫn lời quan chức này.
Ngoài những biện pháp ràng buộc với chương trình hạt nhân mà Iran sẽ phải thực hiện, Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) một lần nữa có thể sẽ thực hiện công tác thanh tra toàn diện tại Iran.
Điện hạt nhân quay lại châu Âu?
Trang The Local (Pháp) ngày 27-8 có bài "Cuộc khủng hoảng năng lượng đang thúc đẩy sự trở lại của điện hạt nhân ở châu Âu". Trong lúc giá năng lượng nhập khẩu tăng cao ở châu Âu và ảnh hưởng của thời tiết cực đoan, mối quan tâm đến điện hạt nhân đang gia tăng khi các nước nỗ lực tìm nguồn năng lượng thay thế.
Tại Bỉ, nước này đã quyết định trì hoãn kế hoạch bỏ năng lượng hạt nhân thêm 10 năm. Tháng trước, Đức cho biết họ sẽ chờ kết quả "cuộc kiểm tra sức chịu đựng" của lưới điện quốc gia trước khi quyết định có tiếp tục kế hoạch đóng ba nhà máy điện hạt nhân cuối cùng vào cuối năm nay hay không.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận