Phóng to |
Giao diện phản đối SOPA của trang web Electronic Frontier Foundation, một tổ chức đấu tranh vì quyền tự do tiếp cận thông tin trên Internet – Ảnh minh họa: Internet |
Có tên đầy đủ là Stop Online Piracy Act (SOPA), dự luật đang gây ra nhiều tranh cãi tại đồi Capital được tạo ra với mục đích chống lại nạn xâm phạm bản quyền nội dung âm nhạc, phim ảnh, thông qua việc trao cho bên nắm giữ bản quyền được phép cô lập và đóng cửa các trang web, hoặc các dịch vụ trực tuyến có chứa đựng, dung túng hoặc có liên quan đến những nội dung bị xâm phạm đó.
Những buổi điều trần tại Quốc hội đã được bắt đầu từ hôm 16-11, mà theo tạp chí TIME, khả năng được thông qua của bản dự luật gây tranh cãi là rất lớn, bởi nó đã được vận động hành lang bởi nhiều tập đoàn thương mại lớn, cũng như nhận được sự ủng hộ từ nhiều đại diện thuộc cả hai đảng (Cộng hòa và Dân chủ). Và nếu được thông qua, chỉ duy nhất Tổng thống đương nhiệm Barack Obama có khả năng đình chỉ đạo luật bằng quyền phủ quyết của mình.
Phóng to |
Thông báo sẽ hiển thị trên một trang web bị chặn đường truyền theo đạo luật SOPA – Ảnh minh họa: Internet |
Như vậy, nếu được thông qua, SOPA sẽ cho phép chính quyền Mỹ được “mạnh tay” với bất cứ trang web nào bị phát hiện dung chứa nội dung vi phạm bản quyền, nghĩa là được phép sử dụng các biện pháp kỹ thuật (như bộ lọc DNS) để chặn mọi đường truy cập đến những trang web đó.
Thế nào là "nội dung vi phạm bản quyền"?
Theo những gì được trình bày trong SOPA, mọi nội dung được chứng minh là sao chép và phát tán bất hợp pháp, kể cả những đường link chia sẻ file (lậu) trên các diễn đàn, hoặc mạng xã hội của một vài cá nhân. Chưa hết, chủ sở hữu của những trang web nói trên cũng sẽ bị truy tố hình sự, và phía chính quyền còn được quyền tịch thu mọi lợi nhuận có được trên trang web đó, cũng như ra lệnh cho các công cụ tìm kiếm (Google, Yahoo, Bing…) chặn đường dẫn đến các trang web này.
Giới công nghệ lên tiếng
Mục đích của SOPA là tích cực, ít nhất là với những doanh nghiệp sở hữu bản quyền những loại nội dung dễ bị sao chép và phát tán bất hợp pháp như phim ảnh, âm nhạc, trò chơi vi tính, phần mềm… Song không phải ai cũng tỏ ra vui mừng trước nội dung của bản dự luật, đặc biệt là ngay trong ngành công nghệ.
Phóng to |
David Ulevitch, người đứng đầu OpenDNS - Ảnh minh họa: Internet |
“SOPA sẽ trở thành vật cản cực lớn của thế giới Internet” - David Ulevitch, chủ sở hữu OpenDNS, đã thẳng thừng cho biết cảm nghĩ của cá nhân về bản dự luật gây tranh cãi. Là một dự án đạo luật được thúc đẩy bởi Hiệp hội Sản xuất phim ảnh Hoa Kỳ cùng nhiều nhà sản xuất nội dung có bản quyền, SOPA – nếu được thông qua – sẽ cho phép Bộ tư pháp nước này được quyền ra lệnh cho những nhà cung cấp DNS, tức bao gồm cả OpenDNS, phải chặn hướng truy cập đến những trang web nằm trong “danh sách đen”.
Phóng to |
Mạng xã hội Tumblr đã thực hiện đến… 87.834 cuộc gọi điện thoại đến Quốc hội Hoa Kỳ, nhằm phản đối SOPA - Ảnh minh họa: Internet |
Đối với OpenDNS, công ty này tự nhận sở hữu đến 30 triệu người dùng. Trong đó hơn 40.000 trường học và 3.000 khách hàng doanh nghiệp đã chuyển hẳn sang dùng hệ thống DNS của công ty này để cải thiện hiệu suất cũng như hưởng lợi từ công nghệ chống nạn phishing (lừa đảo trực tuyến) mà OpenDNS cung cấp.
Theo David Ulevitch, không phải ông ủng hộ nạn vi phạm bản quyền, song không phải vì thế mà “chà đạp lên quyền tự do Internet”.
Một nhân vật cộm cán khác của làng công nghệ là Eric Schmidt, chủ tịch điều hành Google, cũng lên tiếng phản đối dự luật trong chuyến ghé thăm Học viện MIT vào hôm 16-11.
“Giải pháp của Quốc hội thật tiêu cực. Họ muốn có quyền yêu cầu các nhà cung cấp dịch vụ Internet phải gỡ bỏ các đường dẫn URL trỏ đến những trang bị-cho-là vi phạm bản quyền. Đây không phải nỗ lực kiểm soát thông tin thì còn là gì?”.
Phóng to |
Lá thư kiến nghị được gửi chung bởi nhiều tên tuổi lớn trong làng công nghệ thế giới nhằm phản đối dự luật SOPA, bao gồm Google, Mozilla, Yahoo… - Ảnh minh họa: Internet |
Ngoài Google, cả Facebook, Yahoo, eBay và Twitter cũng đồng loạt gửi thư chung đến Quốc hội Mỹ, trong đó bày tỏ mối quan ngại sâu sắc về bản dự thảo luật này: “Chúng tôi rất e ngại rằng những biện pháp đang được tiến hành sẽ gây rủi ro lớn cho lộ trình phát triển của thế giới công nghệ, cũng như các việc làm kèm theo và cho cả nền an ninh mạng của nước Mỹ”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận