Sự hấp dẫn của các cô gái trẻ đẹp trong vai trò tiếp tân làm thú vị thêm cho các sự kiện - Ãnh: AFP
Song thời thế đã thay đổi, họ và cả dư luận đã lên tiếng.
Một "mùa vụ" cuối cùng, không thể chịu được nữa. Sau đợt triển lãm xe hơi tại Pháp (Paris Motor Show) vừa rồi vào tháng 10-2018, Iris*, 25 tuổi, dứt khoát "dừng".
Từ năm 19 tuổi, cô đã được Công ty Florence Doré tuyển dụng vào làm tiếp tân. Cô tin tưởng vào lời quảng cáo có cánh của họ trên mạng: một doanh nghiệp "rất chuyên nghiệp" và "yêu cầu cao".
Nhưng thực tế trải nghiệm của Iris bao năm qua đã chứng minh ngược lại: không được tăng lương sau 6 năm và một tâm trạng "mệt mỏi" tột độ.
Cuối tháng 7 vừa qua, những người đấu tranh cho nữ quyền tại Đức đã đưa ra một kiến nghị trên mạng kêu gọi chấm dứt "truyền thống phân biệt giới tính" đối với những tiếp tân được cử ra đón chào các tay đua thắng chặng và thắng giải trong Giải đua xe đạp Vòng quanh nước Pháp (Tour de France).
Bản kiến nghị này đã nhận được hơn 30.000 chữ ký ủng hộ. Nhưng phản ứng này chỉ là phần nổi của tảng băng.
90-95% là nữ giới
Theo Iris, trong triển lãm xe hơi Paris Motor Show, các cô gái PG (Promotion Girl) phải làm việc 14 tiếng mỗi ngày với thu nhập tính ra chỉ 11,50 euro/ giờ.
Tiếp viên hiếm khi được nghỉ ngơi trong suốt thời gian làm việc, và tối về khi đi ngủ, Iris cảm thấy "mình mẩy ê ẩm kinh khủng" và "hai chân tê cứng do phải đứng chỉ một tư thế suốt cả ngày".
Cô kể: "Chúng tôi chỉ được đứng một tư thế mà thôi, khi mỏi cũng không được chịu chân này nhón chân kia, mà cũng không được cử động. Đứng như vậy chẳng khác nào bị tra tấn".
Và đối với những nữ tiếp tân, sau đợt triển lãm xe hơi là các cô chỉ biết khóc ròng!
Đứng cạnh những chiếc xe đẹp ở triển lãm trong nhiều giờ thực ra là một màn tra tấn sức chịu đựng đối với các người đẹp - Ảnh: VOGUE
Trong những đợt tổ chức sự kiện hay trong những sảnh đón tiếp của các doanh nghiệp, tình cảnh tiếp viên cũng không khác gì Iris trong triển lãm xe hơi: đa số họ là nữ, chiếm tỉ lệ 90-95% cho công việc tiếp đón quan khách; họ thường là sinh viên, người lao động trẻ hoặc những người làm nghệ thuật, người mẫu, diễn viên,…
Nếu như trong thập niên 1950, những tiếp tân đầu tiên tại Pháp được các doanh nghiệp tuyển dụng trực tiếp, thì đến thập niên 2000, các công ty dịch vụ ra đời. Họ đứng ra tuyển dụng, trả lương và cung cấp tiếp viên cho khách hàng là các doanh nghiệp.
Có thể kể một vài đơn vị cung cấp dịch vụ này như City One, Pénélope, Phone Régie… với doanh số tổng cộng trong vào năm 2015 lên đến 500 triệu euro.
Theo chuyên gia xã hội học Gabrielle Schütz, chính sự bùng nổ như trên đã khiến nghề tiếp tân ngày nay trở nên rẻ mạt và mất giá trị.
Hào nhoáng mà không khác gì... một ô-sin
Trong công ty, nghề như của Iris luôn là làm việc bán thời gian, mà theo cô là "để họ không tốn tiền trả suất ăn trưa cho chúng tôi". Cụ thể là "họ nhận một tiếp viên vào buổi sáng, làm từ 8h đến 14h, không được rời vị trí trừ khi đi vệ sinh. Đến 14h là thay ca và nhóm sau làm đến 19h hoặc 20h".
Theo anh Cédric Girard, 41 tuổi, một tiếp viên từ năm 2002, công ty dịch vụ giải thích việc phải cung cấp tiếp viên làm việc theo ca như thế là do yêu cầu của doanh nghiệp khách hàng.
Song trên thực tế, làm bán thời gian thì lợi hơn rất nhiều về chế độ lương bổng mà họ phải trả, nhất là sau khi chính phủ Pháp đưa ra chính sách miễn giảm thuế cho người có thu nhập thấp.
Một tiếp viên đứng đợi quan khách trong một hội thảo - Ảnh: REA
Nhưng công việc của các tiếp tân không chỉ gói gọn trong khâu "tiếp đón" mà thôi. Họ thường được lệnh phải làm tất tần tật mọi "công việc không tên" khác, như đặt phòng họp, đặt chỗ những chuyến công tác, đặt xe, kêu thợ sửa máy photocopy, giao nhận công văn, thậm chí hỗ trợ cho kế toán hoặc giúp khâu tuyển nhân sự. Nói chung là không khác gì một tạp vụ!
Thế nhưng, trong môi trường cạnh tranh cao như thế, họ làm nhiều nhưng hưởng chẳng bao nhiêu: cơ hội thăng tiến hầu như là con số 0, lương thì luôn dẫm chân ở mức căn bản.
Một ám ảnh về ngoại hình
Thường thì để tranh thủ thời gian, khâu tuyển dụng tiếp viên luôn được tiến hành một cách chóng vánh, nhanh gọn, dưới hình thức phỏng vấn tập thể.
Cô Agathe, 24 tuổi, từng có một tháng làm tiếp viên vào tháng 8-2015, cho biết: "Nói trắng ra là họ chỉ chấm ngoại hình mà thôi".
Trong khi nghề này được đánh giá là không cần chuyên môn cao, nhưng những ứng viên có bằng cấp này nọ, giao tiếp Anh văn tốt và có ngoại hình đẹp luôn được ưu tiên tuyển chọn. Nhất là trong những dịp tổ chức sự kiện thì tiêu chuẩn hàng đầu phải là các cô gái "đậm chất nữ tính".
Tại giải quần vợt Pháp mở rộng Roland-Garros hay triển lãm xe hơi Paris Motor Show, các doanh nghiệp khách hàng yêu cầu các cô gái đến ứng tuyển phải "ăn mặc đẹp, mặc váy, đi giày cao gót, và biết cách trang điểm".
Yêu cầu về ngoại hình ảnh hưởng đến sức khỏe của các tiếp viên. Cô Laura, 26 tuổi, nhớ lại một lần cô phải làm việc vào mùa đông cho công ty cung cấp nước sạch Veolia Eau: "Tôi đứng tại sảnh đón rộng lớn, cửa ra vào thì phải mở để đón khách mà bên ngoài trời rét căm căm. Tôi xin sếp cho mặc thêm một chiếc áo ấm bên trong nhưng không được đồng ý".
Mùa hè thì ngược lại. Tại giải Roland-Garros, các tiếp viên luôn rất mệt khi phải đứng suốt ngày dưới trời nắng mà chỉ được mặc quần vớ mỏng.
Do đó, có nhiều tiếp viên phải xin nghỉ ốm do thời tiết, họ bị khó thở, nhức đầu, viêm phế quản, nhưng lại không được tính là "bệnh nghề nghiệp".
Các cô gái được tuyển chọn theo các yêu cầu về vóc dáng, sắc đẹp, kỹ năng giao tiếp nhưng lương bổng lại cực kỳ thấp - Ảnh: AFP
Bị quấy rối, bị sàm sỡ, bị "vỗ mông"
Tại các dịp tổ chức sự kiện, các cô gái tiếp viên không ít lần gặp trường hợp oái oăm từ cánh đàn ông. Tại sân Công viên Các hoàng tử (Parc des Princes), cô Violette*, 30 tuổi, được giao nhiệm vụ hướng dẫn khán giả cách "đưa vé vào khe".
Cô kể lại: "Khi tôi nói cụm từ đưa vào khe mà gặp phải những gã có đầu óc đen tối thì không ổn chút nào cả. Thật kinh khủng. Tôi bị hai lần rồi nên không dám giải thích kiểu như vậy nữa".
Còn cô Iris thì khẳng định là tại triển lãm xe hơi Paris Motor Show, các cô gái PG thường xuyên bị sàm sỡ. Phía công ty có nói nếu gặp như vậy thì hãy gọi bảo vệ giúp đỡ, song "họ yêu cầu chúng tôi phải đứng yên như tượng, không được động đậy, thì khi có một gã nào đó đi ngang qua mà quơ tay vỗ mông tôi thì tôi làm được gì đây? Thật là đạo đức giả. Cho nên họ thích tuyển những cô gái trẻ non nớt không phải là không có lý do".
Nhưng đa phần các tiếp viên gặp tình cảnh trên đều chấp nhận im lặng, họ không muốn kiện tụng gì cả vì sợ bị đuổi việc khi "con kiến mà đi kiện củ khoai". Nếu không chịu nổi nữa thì thường là họ xin chuyển sang việc khác hoặc nghỉ việc.
Tuy nhiên, trên các mạng xã hội hiện nay, càng ngày càng có nhiều nhân chứng lên tiếng trước tình cảnh éo le của nghề tiếp viên.
Như cô Alice*, một tiếp viên có thâm niên 6 năm, đã lên Twitter và hashtag #PasTaPotiche để kêu gọi sự ủng hộ từ những nhân chứng ẩn danh.
Bản kiến nghị online của cô đã nhận được hơn 20.000 chữ ký, kêu gọi bà Bộ trưởng Lao động Pháp Muriel Pénicaud đưa ra một "kế hoạch cụ thể chống lại nạn phân biệt giới tính, trọng nam khinh nữ" trong lãnh vực công việc này.
* Tên nhân vật đã được thay đổi.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận