Nghiên cứu sản xuất vắcxin chống COVID-19 tại Công ty cổ phần công nghệ sinh học dược Nanogen - Ảnh: DUYÊN PHAN
Dịch bệnh đến nay đã lây nhiễm hơn 76 triệu người trên thế giới, khiến gần 1,7 triệu người chết, đồng thời tàn phá nền kinh tế toàn cầu và thay đổi thế giới đến kinh ngạc.
Nhưng năm 2020 cũng đánh dấu điểm sáng Việt Nam trên bản đồ thế giới. Truyền thông quốc tế liên tục có bài viết về Việt Nam - hình mẫu chống dịch, bài học kinh nghiệm cho nhiều nước.
Bên cạnh chống dịch, truyền thông thế giới cũng theo sát những chuyển động và bước đi tiếp theo của Việt Nam, mới nhất là nghiên cứu, phát triển vắcxin phòng COVID-19. Dù con đường sắp tới còn dài nhưng việc phát triển vắcxin cũng được bạn bè quốc tế ghi nhận.
Cuối tuần trước, báo Nikkei Asia của Nhật đã có bài viết về Nanocovax, trong đó nêu hai nhận định chính: Việt Nam muốn tự chủ vắcxin tiêm chủng toàn dân trước và hướng đến xuất khẩu sau.
Theo Nikkei, Việt Nam nằm trong số 42 quốc gia có thể sản xuất vắcxin và trong 38 quốc gia có cơ quan quản lý vắcxin đáp ứng các tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế thế giới.
Khi nghe tin Việt Nam tự phát triển vắcxin, ông Richard Heydarian - giáo sư chính trị tại Đại học hàng đầu Philippines De La Salle - đã chia sẻ đầy ngưỡng mộ trên trang Facebook cá nhân: "Việt Nam là ví dụ hoàn hảo cho thấy một quốc gia nhỏ và đang phát triển có thể tự cường vắcxin và cạnh tranh trong thị trường vắcxin toàn cầu".
Ông Heydarian đưa ra nhận định này trong bối cảnh quê nhà Philippines của ông đang phụ thuộc vào nguồn cung vắcxin Sinovac của Trung Quốc và vắcxin Sputnik của Nga.
Nhưng thành công trong chống dịch COVID-19 không chỉ giúp Việt Nam bảo đảm sức khỏe cho người dân trong nước, nó còn quảng bá hữu hiệu hình ảnh quốc gia ra bên ngoài, qua đó thu lại nhiều lợi ích đo đếm được về kinh tế và sức mạnh mềm.
Đánh giá cao thành công của Việt Nam trong phòng và chống dịch, Liên Hiệp Quốc mới đây đã đề nghị Việt Nam triển khai 1 trung tâm xét nghiệm COVID-19 để hỗ trợ ở Phái bộ gìn giữ hòa bình Liên Hiệp Quốc tại Nam Sudan.
Hồi tháng 10, Viện Lowy - viện nghiên cứu chính sách đối ngoại hàng đầu của Úc - công bố Việt Nam xếp thứ 12 trong tổng số 26 quốc gia và vùng lãnh thổ về "Chỉ số quyền lực tại châu Á năm 2020", tăng 1 bậc so với năm 2019.
Theo Đài ABC của Úc, Việt Nam, Úc và Đài Loan đã thăng hạng nhờ ứng phó tốt với COVID-19.
Cũng nhờ chống dịch tốt, Việt Nam là quốc gia duy nhất có tăng trưởng kinh tế ở Đông Nam Á năm nay, trong khi Singapore, Indonesia, Philippines, Malaysia và Thái Lan đều rơi vào vùng suy thoái.
Ngân hàng Thế giới và Quỹ Tiền tệ quốc tế lần lượt dự đoán tăng trưởng GDP Việt Nam đạt 2,8% và 2,4%.
Thế giới đang dõi nhìn và quan sát "câu chuyện Việt Nam" và ngày càng nhiều nhà đầu tư nước ngoài đang hướng đến Việt Nam, nơi dịch bệnh được kiểm soát tốt..
Đó là động lực tích cực để Việt Nam quyết tâm tiếp tục kiểm soát tốt dịch bệnh trong thời gian sắp tới và là hành trang để đất nước khôi phục mạnh mẽ kinh tế trong năm 2021.
Vì thế, mỗi người chúng ta đều có trách nhiệm cẩn trọng trong "đi, đứng, hành động"... để bảo vệ "thương hiệu quốc gia" này.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận