Giới đầu tư chứng khoán vừa trải qua nhiều cung bậc cảm xúc trong phiên đầu tháng 11. Chỉ số VN-Index khởi động với sắc xanh, sau đó phe bán và mua giằng co mạnh khiến thị trường chìm trong sắc đỏ. Tình hình bắt đầu khởi sắc trở lại vào cuối phiên nhờ dòng tiền vào vợt cổ phiếu rớt giá.
Thị trường chung bật tăng, cổ phiếu Thế Giới Di Động giảm sàn
Trong phiên, nhà đầu tư đổ xô mua nhiều cổ phiếu có vốn hóa lớn như HPG (Hòa Phát), VNM (Vinamilk), FPT, VJC (Vietjet), SSI (Chứng khoán SSI), MSN (Masan), GVR (Công nghiệp cao su Việt Nam)…, kéo thị trường chung đi lên.
Các cổ phiếu thuộc ngành ngân hàng có sự phân hóa rõ rệt. Giữa lúc VCB (Vietcombank), TCB (Techcombank)… tăng khá tốt, thì các mã VPB (VPBank), CTG (Vietinbank), BID (BIDV)… lại bị rớt giá.
Ở chiều đối lập, nhiều mã chứng khoán bị nhà đầu tư bán ra mạnh, điển hình là VHM (Vinhomes), VIC (Vingroup), BCM (Becamex), REE (Cơ Điện Lạnh), TDP (Thuận Đức)…
Đáng chú ý, cổ phiếu MWG (Thế Giới Di Động) là gương mặt dẫn đầu top 10 cổ phiếu gây ảnh hưởng tiêu cực lên chỉ số của sàn chứng khoán TP.HCM, khi bị lao xuống giá sàn 35.100 đồng. Đây cũng là mã duy nhất trong rổ VN30 (top 30 doanh nghiệp có vốn hóa lớn hàng đầu thị trường) bị giảm sàn.
Mới phiên hôm qua cổ phiếu MWG cũng bị giảm sàn. Như vậy chỉ trong vòng hai ngày nay, vốn hóa của "ông lớn" ngành bán lẻ điện máy đã bị "bốc hơi" gần 7.900 tỉ đồng.
Tình trạng trên xảy ra khi Thế Giới Di Động mới hé lộ bức tranh kinh doanh đầy màu xám. Cụ thể, trong quý vừa qua doanh nghiệp đạt doanh thu gần 30.290 tỉ đồng và lãi ròng sau thuế gần 39 tỉ đồng, lần lượt giảm hơn 5% và gần 96% so với cùng kỳ năm trước.
Tính chung ba quý đầu năm nay, doanh nghiệp mang về doanh thu gần 86.860 tỉ đồng (-16%) và lãi sau thuế xấp xỉ 78 tỉ đồng (-98%).
Giải trình với cơ quan quản lý thị trường chứng khoán, đại diện Thế Giới Di Động cho biết sức mua điện thoại và điện máy còn yếu, chưa có dấu hiệu hồi phục đáng kể. Khách hàng vẫn có nhu cầu mua sắm và thay thế sản phẩm hư hỏng, nhưng dè dặt và cẩn trọng hơn trong các quyết định chi tiêu khi tình hình kinh tế còn nhiều biến động.
Giữ tâm lý thận trọng
Xét theo lĩnh vực kinh doanh, chỉ số cổ phiếu của các ngành như ngân hàng, bất động sản, hàng hóa và dịch vụ công nghiệp, bảo hiểm, y tế… mặc dù vẫn bám trụ với sắc xanh nhưng tăng không đáng kể.
Các ngành tăng từ 2% trở lên gồm: dầu khí, công nghệ, du lịch - giải trí.
Riêng lĩnh vực dịch vụ tiện ích, viễn thông, dịch vụ bán lẻ, ô tô - linh kiện phụ tùng, đồ dùng cá nhân và đồ gia dụng ghi nhận tăng trưởng âm.
Khép lại phiên giao dịch, chỉ số VN-Index hồi phục với mức tăng gần 11,5 điểm (+1,1%) lên vùng 1.039,6 điểm. Cả sàn HNX và UPCoM cũng đón sắc xanh, tăng gần 3,5 điểm (+1,7%) lên 209,6 điểm và 0,77 điểm (+0,95%) vươn lên mốc 81,7 điểm.
Tổng giá trị giao dịch mua bán cổ phiếu trên toàn thị trường đạt gần 15.110 tỉ đồng, vẫn còn khá yếu. Nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục mua ròng gần 107 tỉ đồng, nâng tổng giá trị mua ròng trong suốt ba ngày lên hơn 490 tỉ đồng.
Sau khi khép phiên, đội ngũ phân tích của Chứng khoán Vietcombank (VCBS) nhận định thị trường chung vẫn trong xu hướng giảm, do đó nhà đầu tư vẫn cần giữ tâm lý thận trọng. Việc VN-Index xuất hiện những nhịp bật nảy ngắn trong phiên là chưa đủ để xác nhận thị trường đã tìm lại được điểm cân bằng trong ngắn hạn.
"Xu hướng ngắn hạn của thị trường chung vẫn duy trì ở mức giảm. Nhà đầu tư hạn chế bán tháo danh mục ngắn hạn nếu không có áp lực vay ký quỹ và chưa nên mua vào trong giai đoạn này", phía Chứng khoán Yuanta cho hay.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận