Ngày 26-4, Hội nghị đánh giá tình hình xuất khẩu gạo quý 1-2023 và phương hướng điều hành xuất khẩu gạo trong thời gian tới được Bộ Công Thương tổ chức tại TP.HCM.
"Nhiều thời điểm giá gạo xuất khẩu 5% tấm đứng đầu thế giới"
Ông Trần Quốc Toản, phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), báo cáo tình hình gạo Việt Nam xuất khẩu quý 1 với nhiều con số tươi sáng.
Kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 1,8 triệu tấn với trị giá 981 triệu USD, tăng 23,4% về lượng và tăng 34,3% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2022. Giá gạo xuất khẩu bình quân đạt 529 USD/tấn, tăng 8,8% so với mức bình quân cùng kỳ năm trước.
Châu Á vẫn là thị trường "anh cả", tiếp đến là châu Phi, châu Âu và các thị trường truyền thống vẫn tăng trưởng tốt như Trung Quốc, Indonesia, Philippines.
Gạo trắng dẫn đầu với 53,7% tổng lượng xuất khẩu, rồi đến gạo thơm, gạo nếp, gạo tấm…
Ông Toản cho rằng mặc dù tình hình kinh tế thế giới biến động, phức tạp nhưng gạo Việt Nam xuất khẩu quý 1 năm nay thắng lợi lớn.
"Giá gạo xuất khẩu của ta tiếp tục giữ đà tăng trưởng, nhiều thời điểm giá gạo xuất khẩu 5% tấm đứng đầu thế giới, cao hơn giá gạo cùng chủng loại của Thái Lan, Ấn Độ. Điều đó cho thấy tiềm năng mở rộng thị trường, gia tăng thị phần gạo chất lượng cao của Việt Nam", ông Toản nhấn mạnh.
Cần quy hoạch lại vùng trồng
Để tận dụng cơ hội và duy trì tốc độ tăng trưởng gạo Việt Nam xuất khẩu trong thời gian tới, các doanh nghiệp, địa phương bày tỏ những ý kiến, kiến nghị khác nhau.
Ông Huỳnh Văn Khỏe, giám đốc Công ty Đại Dương Xanh, đơn vị có 15 năm làm gạo, chia sẻ câu chuyện xuất khẩu gạo trong thời gian qua: "Chúng tôi không đủ gạo chất lượng để bán cho nhu cầu khách hàng. Mỗi năm công ty xuất khẩu mấy chục ngàn tấn gạo. Muốn bán gạo sang châu Âu, châu Mỹ, nhưng tất cả doanh nghiệp đều đang thiếu gạo.
Khó lớn nhất không phải thị trường xuất khẩu, mà là vùng trồng cần quy hoạch lại, phải đi từ giống, phát triển vùng nguyên liệu sản xuất căn cơ để có thương hiệu, để đáp ứng nguồn cung chất lượng. Nhu cầu thế giới phải cần gạo Việt Nam xuất khẩu, và ta bán ra với giá mong đợi".
Còn lãnh đạo Sở Công Thương tỉnh Long An đề cập việc xuất khẩu gạo qua Lào Cai rất khó, phía bộ cần làm việc lại với Trung Quốc. Nghị định 103 về gạo xuất khẩu đi châu Âu cũng khó trong việc xác nhận vùng trồng.
"Có thể phân cấp về địa phương để tạo thuận lợi việc xác nhận vùng trồng, đồng thời danh mục gạo thơm theo nghị định 103 cần rà soát lại để xuất khẩu thị trường châu Âu vì chỉ có 9 loại thôi, chưa phù hợp tình hình hiện nay", đại diện Sở Công Thương tỉnh Long An nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận