Báo cáo của Viện Tài nguyên thế giới (WRI) công bố ngày 16-8 cho biết hiện có 1/4 dân số thế giới đang phải đối mặt với “tình trạng căng thẳng về nước cực kỳ cao”. Dự kiến sẽ thêm 1 tỉ người bị thiếu nước vào năm 2050.
Căng thẳng nước cực kỳ cao
Công bố 4 năm một lần, báo cáo nhận định "tình trạng căng thẳng về nước cực kỳ cao" - có nghĩa là các quốc gia đang sử dụng gần như toàn bộ lượng nước họ có, ít nhất là 80% nguồn cung cấp nước.
Cụ thể có 25 quốc gia, chiếm 25% dân số toàn cầu, chịu áp lực về nước cực kỳ cao mỗi năm, trong đó Bahrain, Cyprus, Kuwait, Lebanon và Oman là 5 quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Ngay cả một đợt hạn hán ngắn hạn cũng có thể khiến những nơi này có nguy cơ cạn kiệt nước.
Bà Samantha Kuzma, trưởng dữ liệu về nguồn nước từ Chương trình nước của WRI và là tác giả báo cáo, cho biết: “Nước được cho là nguồn tài nguyên quan trọng nhất của chúng ta trên hành tinh, nhưng chúng ta lại không quản lý nước theo đúng vị trí quan trọng của nó".
Bà Kuzma nói với Đài CNN: “Tôi đã làm việc trong lĩnh vực nước được gần 10 năm. Và câu chuyện thực trạng về nước trong suốt 10 năm qua luôn giống nhau như một".
Khủng hoảng nước, nguy cơ xung đột chính trị
Trên toàn cầu, nhu cầu về nước đã tăng hơn gấp đôi kể từ năm 1960 và báo cáo dự đoán nhu cầu này sẽ tăng thêm 20-25% vào năm 2050.
Nhu cầu nước gia tăng bắt nguồn từ nhiều yếu tố, bao gồm dân số ngày càng tăng và nhu cầu của các ngành công nghiệp cũng như nông nghiệp, cùng với các chính sách sử dụng nước không bền vững. Cuối cùng là câu chuyện thiếu đầu tư vào cơ sở hạ tầng.
Ở Trung Đông và Bắc Phi, những khu vực căng thẳng về nước nhất trên thế giới - toàn bộ dân số sẽ sống trong tình trạng căng thẳng về nước cực kỳ cao vào giữa thế kỷ này.
Thực trạng trên không chỉ ảnh hưởng đến nguồn cung cấp nước uống, gây thiệt hại cho các ngành công nghiệp và có khả năng gây ra xung đột chính trị trong khu vực, theo nhận định của báo cáo.
Tuy nhiên, sự thay đổi lớn nhất về nhu cầu nước sẽ xảy ra ở vùng cận Sahara châu Phi, dự báo nhu cầu nước sẽ tăng 163% vào năm 2050, theo bà Kuzma.
Ở Bắc Mỹ và châu Âu, nhu cầu nước đã ổn định nhờ đầu tư vào các biện pháp sử dụng nước hiệu quả. Nhưng điều đó không có nghĩa là một số vùng trong khu vực này không bị ảnh hưởng.
Theo báo cáo, tại Mỹ, 6 bang ở lưu vực sông Colorado đang trải qua tình trạng căng thẳng về nước cực kỳ cao.
Báo cáo của Liên Hiệp Quốc cũng cảnh báo khủng hoảng nước toàn cầu có thể "vượt khỏi tầm kiểm soát" do tiêu thụ quá mức và biến đổi khí hậu
Và trên tất cả, biến đổi khí hậu đang làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng.
Các giải pháp vẫn "giậm chân tại chỗ"
Căng thẳng về nước sẽ cướp đi sinh mạng, đe dọa an ninh lương thực và năng lượng.
Báo cáo đề xuất các biện pháp khác nhau để ngăn chặn tình trạng căng thẳng về nước dẫn đến khủng hoảng nước.
Chúng bao gồm các biện pháp dựa vào thiên nhiên, chẳng hạn như bảo tồn và khôi phục vùng đất ngập nước và rừng; nông dân áp dụng các kỹ thuật tưới nước hiệu quả hơn như tưới nhỏ giọt và các nhà hoạch định chính sách tập trung vào các nguồn năng lượng không phụ thuộc quá nhiều vào nước, chẳng hạn như năng lượng Mặt trời và gió.
Tuy nhiên, nhìn chung trên toàn cầu, việc thực hiện các giải pháp khôi phục nguồn nước đang bị chậm lại, theo báo cáo.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận