TTCT - “Thế giới đang cần một nền kinh tế tuần hoàn. Hãy giúp chúng tôi biến điều đó thành hiện thực”. Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) phát đi lời kêu gọi trên trang web của mình hôm 22-1, nhấn mạnh tầm quan trọng của một mô hình kinh tế có thể mang đến cơ hội làm ăn trị giá hàng ngàn tỉ USD và là một trong những giải pháp chống biến đổi khí hậu quan trọng. WEF cho rằng xây dựng kinh tế tuần hoàn đóng vai trò then chốt trong việc giúp đạt mục tiêu UN Sustainable Development Goal trước hạn chót năm 2030, và lạc quan rằng ngày càng có nhiều doanh nghiêp đã nhận ra tầm quan trọng của việc chuyển dịch sang mô hình tuần hoàn. Accenture, hãng cung cấp dịch vụ đa ngành của Ireland, dự đoán kinh tế tuần hoàn sẽ giúp sản lượng kinh tế toàn cầu tăng thêm 4,5 nghìn tỉ USD trong năm 2030. Nghiên cứu của Accenture cũng chỉ ra rằng mô hình kinh doanh tuần hoàn sẽ tách rời tăng trưởng kinh tế khỏi việc sử dụng tài nguyên thiên nhiên, điều giúp các doanh nghiệp tăng sức cạnh tranh của mình. Nhưng kinh tế tuần hoàn là gì? Không còn “tạo ra, sử dụng, vứt bỏ” Kinh tế tuần hoàn ra đời trong làn sóng kinh tế và công nghiệp của những năm 1970. Song rất khó để truy tận gốc đâu là khởi điểm cho khái niệm về mô hình kinh tế tuần hoàn. Cách dễ nhất để hiểu mô hình mới này là đặt cạnh nó với mô hình kinh tế tuyến tính (linear economy) truyền thống. Nếu mô hình cũ có thể tóm gọn trong ba bước “tạo ra - sử dụng - vứt bỏ” (make - use - dispose), thì kinh tế tuần hoàn hướng đến việc giữ và khai thác giá trị của tài nguyên hết mức có thể, sau đó tái chế và tạo ra các sản phẩm và nguyên liệu mới khi chỗ tài nguyên đó được khai thác hết. Năm 2012, bên lề Diễn đàn kinh tế Davos, Ellen MacArthur, nhà sáng lập quỹ Ellen MacArthur Foundation, đã cổ xúy cho ý tưởng về một hệ thống kinh tế mà vòng đời sản phẩm được kéo dài, và các thành phần được tái sử dụng liên tục. Các nhà sản xuất trước đây vẫn theo triết lý “design for manufacturability” (thiết kế cho sản xuất) - sản xuất ra sản phẩm mới với chi phí thấp nhất càng nhanh càng tốt, và không cần quan tâm chuyện gì sẽ xảy ra khi sản phẩm dùng xong, tức hết vòng đời của nó. Với kinh tế tuần hoàn, triết lý này cần phải thay đổi thành “design for circularity” (thiết kế để xoay vòng): xem xét toàn bộ vòng đời của sản phẩm, từ khâu thiết kế, sản xuất đến tái chế, tái sử dụng. Trên tinh thần đó, WEF định nghĩa nền kinh tế tuần hoàn là một hệ thống công nghiệp chú trọng việc phục hồi và tái tạo có chủ đích, thông qua các thiết kế mới. Mô hình này sẽ thay thế khái niệm “kết thúc quy trình sản xuất” bằng khái niệm “xoay vòng”, sử dụng năng lượng tái tạo, loại bỏ chất hóa học độc hại và giảm thiểu rác thải. Phần Lan được xem là quốc gia đi đầu trong việc phát triển kinh tế tuần hoàn. Helsinki xem mô hình này là giải pháp xây dựng xã hội bền vững trên cơ sở hợp tác công - tư. Thực tế, quốc gia này đã đặt mục tiêu hàng đầu về kinh tế tuần hoàn cho đến năm 2025, theo trang Daily FT. Với Phần Lan - cũng là nơi đầu tiên cho ra đời lộ trình phát triển nền kinh tế tuần hoàn quốc gia - hệ sinh thái kinh tế tuần hoàn còn là công cụ đối phó với biến đổi khí hậu, tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên và cải thiện môi trường. Theo một số ước tính, kinh tế tuần hoàn sẽ giúp nền kinh tế Phần Lan kiếm thêm ít nhất 3,35 tỉ USD cho tới năm 2030. Theo Bangkok Post hồi tháng 10-2019, Phần Lan đang nỗ lực động viên Thái Lan ứng dụng mô hình kinh tế tuần hoàn. Trò chuyện với Bangkok Post ngay tại nhà đại sứ Phần Lan ở thủ đô Thái Lan, giám đốc dự án của quỹ sáng tạo Phần Lan Sitra, Kari Herlevi, cho biết đã trao đổi cùng các chuyên gia Thái Lan về mô hình kinh tế tuần hoàn. Ông nhấn mạnh Thái Lan đang rất cần cải thiện nguồn tài nguyên, quản lý chất thải, giao thông vận tải cũng như nâng cấp hệ thống xử lý rác nhựa của mình. Theo Herlevi, mô hình kinh tế tuần hoàn chính là lời giải. “Đây là một mô hình kinh tế mới, nơi nguyên vật liệu không biến mất mà được dùng đi dùng lại để tạo ra sản phẩm mới. Hơn thế, tiêu dùng cũng dựa trên nền tảng chia sẻ mà không còn là sở hữu” - ông nói. Những tín hiệu tích cực Vào tháng 3-2019, Ủy ban châu Âu (EC) thông qua báo cáo toàn diện về việc thực thi kế hoạch hành động kinh tế tuần hoàn. Bản báo cáo này cập nhật tình hình thực thi 54 hành động xây dựng kinh tế tuần hoàn do EC đưa ra. Trong đó, các loại hình kinh doanh phát sinh từ mô hình này như tái chế, tái sử dụng và sửa chữa đã đem lại hơn 164 tỉ USD cho nền kinh tế châu Âu trong năm 2016. Đầu tư dành cho các lĩnh vực công nghiệp mới trên cũng đạt hơn 19,5 tỉ USD cùng năm. Theo công bố của bộ trưởng Môi trường và biến đổi khí hậu Canada ngày 2-12-2019, Canada sẽ phối hợp cùng Sitra tổ chức Diễn đàn Kinh tế tuần hoàn thế giới 2020 (WCEF). WCEF dự tính diễn ra tại Toronto từ ngày 29-9 đến 1-10-2020. Đây cũng là lần đầu tiên diễn đàn này được tổ chức tại khu vực Bắc Mỹ. Ra đời từ năm 2017, WCEF được coi là đứa con chung của Phần Lan và Sitra. Diễn đàn này đánh dấu sự tiên phong của Phần Lan trong việc đưa kinh tế tuần hoàn vào thực tiễn của hệ thống kinh tế. Nền kinh tế tuần hoàn, bao gồm luật mới về tái chế và chất thải, sẽ đại diện cho “một nửa” nỗ lực của Liên minh châu Âu (EU) nhằm đạt được lượng khí thải carbon bằng không vào năm 2050. EU cũng coi đây là ưu tiên số 1 của Hiệp định xanh châu Âu sắp tới, theo Euractiv. Kestutis Sadauskas - giám đốc phụ trách kinh tế tuần hoàn và tăng trưởng xanh tại Ban giám đốc môi trường thuộc Ủy ban châu Âu - cho biết kế hoạch hành động kinh tế tuần hoàn EU năm 2015 bao gồm lệnh cấm đối với nhựa sử dụng một lần và nhằm vào các mục tiêu mới cho lĩnh vực tái chế. Cụ thể mục tiêu đặt ra là ít nhất 70% bao bì phải được tái chế năm 2030, gồm 55% bao bì nhựa. Theo ông Sadauskas, kinh tế tuần hoàn là ưu tiên số 1 của Thỏa thuận xanh châu Âu trong chương trình làm việc của Chủ tịch EC Ursula von der Leyen.■ Trở lại Bạn đang đọc trong chuyên đề "Kinh tế tuần hoàn Tiếp theo Tags: Phần LanKinh tế tuần hoànMô hình tuần hoànHệ sinh thái kinh tế tuần hoàn
Học toán trong thời đại AI: Ta cần nghĩ tới những điều mình có thể giúp người khác KHỔNG LOAN 19/12/2024 2011 từ
Tinh gọn bộ máy: Phải có 'đường chạy' nhất quán CAO VŨ MINH (TRƯỜNG ĐH KINH TẾ - LUẬT) 18/12/2024 1788 từ
Thuế nào chống đầu cơ bất động sản hiệu quả? TS Phan Phương Nam (Trường đại học Luật TP.HCM) 18/12/2024 1720 từ
Tin tức thế giới 23-12: Ông Trump đòi giữ lại TikTok; Nga tiếp tục lấy đất ở Ukraine NGỌC ĐỨC 23/12/2024 Ông Trump đòi "lấy lại" kênh đào Panama vì sợ Trung Quốc tiến chiếm; Thủ tướng Israel cam kết tiếp tục đánh Houthi.
Đạo diễn Việt Tú: Có 3 việc cần làm ngay để vươn đến nền công nghiệp giải trí ĐẬU DUNG 23/12/2024 Chỉ một, hai concert đơn lẻ như Anh trai say hi và Anh trai vượt ngàn chông gai thành công thì chưa thể gọi là công nghiệp biểu diễn.
Tin tức sáng 23-12: Thưởng Tết ở đâu cao nhất?; Mức sinh ở TP.HCM tăng nhẹ lên 1,4 con/phụ nữ TUỔI TRẺ ONLINE 23/12/2024 Tin tức đáng chú ý: Thưởng Tết ở đâu cao nhất?; Mức sinh ở TP.HCM dự báo tăng nhẹ lên 1,4 con/phụ nữ nhưng vẫn ở mức rất thấp...
Áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông khả năng mạnh lên thành bão số 10 CHÍ TUỆ 23/12/2024 Dự báo trong ngày hôm nay (23-12), áp thấp nhiệt đới ở phía nam Biển Đông mạnh lên thành bão, cơn bão số 10 trong năm 2024.