Sinh viên Trường ĐH Y dược TP.HCM trong ngày nhận bằng tốt nghiệp đại học - Ảnh: TRẦN HUỲNH
Theo nhiều chuyên gia và các đơn vị tuyển dụng, điều quan trọng là năng lực làm việc thực sự, văn bằng chỉ là "giấy thông hành". Trong khi đó, phần lớn sinh viên cho rằng xếp loại thứ hạng bằng tốt nghiệp là động lực, mục tiêu phấn đấu trong quá trình học tập.
"Phân loại bằng là hình thức khen thưởng"
TS Hoàng Ngọc Vinh - nguyên vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp Bộ GD-ĐT, cho rằng bỏ xếp loại trên bằng tốt nghiệp đại học không làm tăng giá trị của sinh viên trong thị trường lao động mà còn giảm động lực phấn đấu của sinh viên khá giỏi... Giá trị trên văn bằng đóng cái dấu được kiểm định bởi cơ quan có thẩm quyền hay hơn.
"Động lực tự thân có khi đáp ứng nhu cầu bản thân và có sự so sánh đối chiếu với người khác... Tự ai học đại học rồi đều có thể cảm nhận điều đó... Ngày trước, ai tốt nghiệp có bằng đỏ là tự hào lắm...
Bằng cấp thể hiện kết quả phấn đấu (điểm số). Sinh viên tốt nghiệp với hạng ưu tú có thể chuyển tiếp làm nghiên cứu sinh. Ý của tôi nói việc này quan trọng với sinh viên trong quá trình học ấy, còn ra trường thì lại bị chi phối nhiều yếu tố khác ở thị trường lao động", ông Vinh nhấn mạnh.
Từng trải qua thời gian học đại học (ĐH), anh Lê Văn Nhân cũng đồng tình: "Phân loại bằng là hình thức khen thưởng giai đoạn học tập. Còn sau này làm tốt thì khen thưởng tiếp giấy khen, bằng khen, huân huy chương..., nếu làm việc không tốt thì bị đào thải. Vì vậy tốt giai đoạn nào thì khen thưởng giai đoạn đó để khuyến khích mọi người phấn đấu".
Anh Phan Thanh Duẫn, cán bộ đang công tác tại Nhà Thiếu nhi TP.HCM, cho biết lúc còn đi học, động lực để anh cố gắng học thật tốt cũng là để có được tấm bằng xếp loại đẹp.
"Tôi có tấm bằng xếp loại trung bình khá và một bằng loại khá giỏi. Thực sự hai lần nhận bằng tôi đều có cảm giác khác nhau. Với tấm bằng loại khá giỏi tôi cảm thấy tự hào hơn và cảm giác quá trình cố gắng, phấn đấu trng học tập của mình được ghi nhận", anh Duẫn bày tỏ.
Chị Đinh Anh Lan, cựu sinh viên Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, chia sẻ: "Cá nhân tôi không xem trọng điểm số cao hay xếp loại giỏi trên bằng cấp mà xem trọng việc thực học. Tuy nhiên tôi thấy việc không xếp loại bằng tốt nghiệp giống như hình thức đánh đồng ai cũng giống nhau nên sẽ mang lại tiêu cực nhiều hơn tích cực, đặc biệt trong bối cảnh thực tế Việt Nam".
Cấp bằng tốt nghiệp online
Trong khi đó, nhiều giảng viên lại ủng hộ việc bỏ ghi xếp loại trên bằng tốt nghiệp đại học vì đây là xu hướng chung được nhiều trường đại học hàng đầu thế giới thực hiện theo thông lệ quốc tế.
Như bằng cử nhân của Đại học New South Wales, chỉ ghi tên sinh viên đã được Hội đồng công nhận là cử nhân kèm theo ngành học. Nhiều trường đại học ở Mỹ thì hầu như không ghi xếp loại trên bằng tốt nghiệp của sinh viên vì họ cho rằng việc đó sẽ ảnh hưởng tới người có bằng sau này.
ThS Văn Chí Nam, giảng viên Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM), cho biết thêm hiện nhiều nước đã thực hiện cấp bằng tốt nghiệp online. Việc này hoàn toàn giải quyết được mọi lăn tăn về vấn đề bị mất động lực phấn đấu của người học vì tra cứu online thông tin rất chi tiết kết quả suốt quá trình học tập.
"Chuyện cấp bằng online đã được các trang đào tạo trực tuyến giải xong. Cái link được cấp kèm là cơ sở chứng thực. Theo tôi, các trường đại học ở Việt Nam cũng cần tính đến việc này. Việc cấp bằng theo cách này không cho tra cứu online vì đụng đến tính riêng tư, nhưng người được cấp bằng cứ gửi link là xong, không cách nào giả được. Mỗi người được cấp link của riêng mình và có thể gửi cái đó đi cho nhà tuyển dụng", ông Nam chia sẻ.
TS Nguyễn Xuân Huy, giảng viên Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM), cũng cho rằng hiện cơ sở dữ liệu của các trường đại học đã có sẵn nên có thể thực hiện số hóa công tác này.
Theo đó, có thể gắn máy rút tự động, nhét tiền vào, nhập mã sinh viên lập tức máy in bảng điểm hoặc chứng nhận tốt nghiệp, hoặc giấy tờ liên quan có đóng dấu. Cơ sở dữ liệu đều công bố trên mạng nên bằng giả hay thật tra sẽ biết ngay.
"Giáo dục 4.0 ở các nước Hàn Quốc, Nhật, Malaysia, Trung Quốc... họ đã làm việc này lâu rồi. Vấn đề các trường đại học có muốn làm hay không thôi.
Tôi ở Việt Nam nhưng chỉ cần đăng nhập vào tài khoản của trường tôi từng học bên Hàn Quốc, lập tức được gửi giấy tờ chứng nhận qua email, mình tự in ra thôi. Còn muốn lấy trực tiếp thì nhờ người đến máy rút hồ sơ tại trường, bỏ vào 1 USD, ngay lập tức nhận ngay", ông Huy chia sẻ.
Thăm dò ý kiến
Bộ GD-ĐT dự kiến bỏ xếp loại khá, giỏi trên bằng tốt nghiệp. Bạn:
Bạn có thể chọn 1 mục. Bình chọn của bạn sẽ được công khai.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận