Trong những trường hợp này, cách giáo dục của cha mẹ góp phần rất quan trọng trong việc giúp trẻ điều chỉnh hành vi.
Theo Hiệp hội Tâm lý Hoa Kỳ (APA), trẻ em có thể học hỏi các hành vi từ cha mẹ ngay từ khi còn nhỏ. Khi bị quát mắng mỗi lần nghịch ngợm, trẻ có thể phát sinh xu hướng la hét và quát mắng ngược lại cha mẹ.
Không gian cấm trẻ em: Nên hay không?
Cuối năm 2023, một bài đăng trên tài khoản TikTok của cô gái người Úc tên Kitch Catterall đã thu về hơn 600.000 lượt xem và phản hồi. Catterall chia sẻ lại trải nghiệm "khủng khiếp" khi gặp trẻ em ở hồ bơi, nơi cô đang rất muốn tận hưởng sự yên bình và thư giãn.
Vài trẻ em bắt đầu nhảy xuống hồ, la hét và phá phách, khiến cô gái không thể chịu đựng nổi. Những bức xúc này khiến Catterall đăng đàn yêu cầu các hồ bơi nên cấm trẻ em, điều mà cô nói rằng "nhiều người ngại phải bày tỏ".
"Tôi muốn biết khi nào có người dự định mở một khu ngoại ô chỉ dành cho người lớn, nơi mọi thứ ở đó chỉ dành cho người lớn. Bởi vì tôi đã quá chán việc đi đến nhiều nơi có trẻ con la hét, còn tôi thì phải chịu đựng", cô nói.
Catterall đã đến bể bơi công cộng. Dù có khu vực riêng dành cho trẻ em, một số trẻ vẫn sang hồ bơi của người lớn để phá phách và chạy nhảy khiến nước bắn tung tóe.
Tương tự, hồi tháng 7-2023, một tài khoản trên mạng xã hội Reddit cũng đăng tải ý kiến gây nhiều tranh cãi, đề nghị cha mẹ cần đưa trẻ em quấy phá ra khỏi khu vực công cộng, tránh gây phiền đến những người xung quanh.
"Việc yêu cầu cha mẹ làm cho trẻ đang khóc hoặc ồn ào im lặng, hoặc ít nhất là đưa chúng đi nơi khác nên được xã hội chấp nhận. Tại sân bay, trong quán cà phê, trên phương tiện giao thông công cộng. Những trải nghiệm này còn tệ hơn nếu như trẻ la hét ở rạp chiếu phim hay đám cưới", tài khoản này nói.
Trong khi đó, tờ Washington Post từng đặt vấn đề "nhà hàng cấm trẻ em có phải là phân biệt đối xử không?". Trong bài báo kể lại câu chuyện của Yong Hye In, 33 tuổi, tờ này cho biết Yong đã trải qua giai đoạn trầm cảm sau sinh kéo dài kể từ năm 2021.
Dù phải vật lộn với trầm cảm, Yong cố gắng cùng chồng con vào một quán cà phê để thư giãn. Tuy nhiên, họ đã bị từ chối vì đây là "khu vực cấm trẻ em". Cô gái người Hàn Quốc đã rơi nước mắt, nói rằng mình rất đau lòng khi không thể vào quán chỉ vì dẫn theo con nhỏ.
Theo ước tính từ Viện nghiên cứu Jeju - một tổ chức tư vấn, Hàn Quốc có khoảng 500 khu vực cấm trẻ em, không bao gồm những không gian thường cấm trẻ em như quán bar và hộp đêm.
Những hạn chế đối với giới trẻ không chỉ giới hạn ở Hàn Quốc. Chính sách tại các nhà hàng và quán cà phê đã gây ra tranh luận ở Hoa Kỳ, Vương quốc Anh, Canada, Đức và các nơi khác. Một số hãng hàng không, bao gồm Japan Airlines, Malaysia Airlines và IndiGo ở Ấn Độ, đã tạo ra các lựa chọn cho hành khách chọn chỗ ngồi cách xa trẻ nhỏ hoặc trẻ sơ sinh. Một số thư viện và viện bảo tàng cũng đặt ra giới hạn độ tuổi tối thiểu đối với du khách.
Những chính sách này vấp phải sự giận dữ xen lẫn khen ngợi. Những người ủng hộ nói rằng chủ doanh nghiệp có quyền kiểm soát bầu không khí của họ, nhất là khi trẻ em quấy phá hoặc la hét sẽ khiến các khách khác khó chịu.
Ngược lại, nhiều người nói rằng quy định này bêu xấu trẻ em và phủ nhận quyền cơ bản của trẻ được xuất hiện ở không gian công cộng. Cuộc tranh luận đặt ra những câu hỏi rộng hơn về việc ai chịu trách nhiệm chăm sóc, và đôi khi, bao dung, với thế hệ tiếp theo.
Old Barracks Roastery, một quán cà phê ở Ireland cấm trẻ em, cho biết trên trang web của mình rằng họ hy vọng mang lại cho người lớn thời gian cho riêng mình.
Tuy nhiên, nhiều người cảm thấy có nhiều cách tốt hơn để quản lý môi trường công cộng. John Wall, giáo sư nghiên cứu thời thơ ấu tại Đại học Rutgers, nói rằng các nhà hàng, quán ăn và không gian công cộng có thể cấm hành vi ồn ào và gây rối, từ đó quản lý dễ hơn là thẳng thừng cấm trẻ em.
Đối với Amy Conley Wright, giám đốc Trung tâm nghiên cứu Trẻ em và Gia đình tại Đại học Sydney, các khu vực cấm trẻ em phá vỡ một hiệp ước cơ bản giữa các thế hệ về việc chúng ta cần quan tâm đến những người đến trước và sau.
Cô gọi các quy định cấm trẻ em là rất thiển cận. "Mọi người quên rằng họ cũng từng là trẻ em. Bạn có nghĩ rằng mình đã không bao giờ la hét khi còn bé không?", Wright cho biết.
Tố chất cần rèn luyện cho trẻ em từ bé
Trên thế giới, Nhật Bản là một trong những quốc gia thường xuyên đối mặt với thiên tai như động đất và sóng thần, gây ra nhiều thiệt hại to lớn và các tình huống dễ dẫn đến hỗn loạn ở nơi công cộng.
Tuy nhiên, sau mỗi trận thiên tai, tất cả những gì mà cộng đồng quốc tế chứng kiến là sự kiên cường, dũng cảm của người dân, khả năng phục hồi sau thiên tai và trên hết là sự trật tự, bình tĩnh mà người Nhật thể hiện.
Sự bình tĩnh này, ngay cả trong các tình huống khủng hoảng, thường được trui rèn từ thời thơ ấu. Trẻ em Nhật Bản được cha mẹ dạy phải quan tâm đến cảm xúc của người khác và giữ bình tĩnh, trật tự trong những lúc khó khăn.
Đặc tính này được mở rộng ở mọi lĩnh vực trong cuộc sống, gồm không gian công cộng như bảo tàng, thư viện hay trên xe buýt. Trẻ em Nhật Bản nổi tiếng với cách cư xử kỷ luật và lịch sự. Đây cũng là nền tảng tạo nên sự chu đáo, bình tĩnh và độc lập trong mọi hoàn cảnh của người Nhật.
Trong khi đó, nghiên cứu từ Hiệp hội Tâm lý Hoa Kỳ (APA) chỉ ra tầm quan trọng của việc cha mẹ giao tiếp lành mạnh với con cái. Một trong những yếu tố tiên quyết là tránh la hét, quát mắng con cái khi chúng không vâng lời, bởi điều này dễ dẫn đến các hành vi tương tự ở trẻ.
Bạn có phiền khi trẻ con quá ồn ào, chạy nhảy thả ga ở nơi công cộng? Bạn sẽ để mặc con cái tự do thể hiện? Có nên dạy trẻ thật nhiều kỹ năng ứng xử? Mời bạn chia sẻ ý kiến về email [email protected]. Tuổi Trẻ Online cảm ơn bạn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận