Năm nay, nước chủ nhà đã bỏ nội dung cho nữ mà chỉ giữ lại các nội dung thi đấu của nam. Ngoài ra, ở mỗi nội dung cá nhân, mỗi nước chỉ được đăng ký một VĐV.
Chấn thương coi như... bỏ
Thật ra, việc bỏ các nội dung cho nữ năm nay có thể nói ít ảnh hưởng nhiều đến toàn đội. Điều này do kể từ sau năm 2015, đội tuyển thể dục dụng cụ (TDDC) nữ chưa đem về HCV nào cho đoàn thể thao Việt Nam tại SEA Games.
Ngay cả tại SEA Games 31 trên sân nhà, nỗ lực của các cô gái chỉ giúp họ có được 3 HCB. Trong khi đó, đội tuyển nam đã mang về 4 HCV.
Ngoài việc vẫn giữ được vị thế tốp đầu trong khu vực, đội tuyển TDDC nam còn đang sở hữu dàn VĐV được kết hợp giữa kinh nghiệm với sức trẻ. Cả sáu người lên đường dự SEA Games 32 đều là những người từng góp mặt trong thành phần giành HCV nội dung toàn năng đồng đội nam ở SEA Games 31.
Đáng chú ý nhất chính là hai cái tên dày dạn kinh nghiệm Đinh Phương Thành và Lê Thanh Tùng. Bốn VĐV còn lại là Đặng Ngọc Xuân Thiện, Văn Vĩ Lương, Trịnh Hải Khang và Nguyễn Văn Khánh Phong.
Mặc dù mang đến SEA Games sắp tới dàn VĐV chất lượng nhưng HLV Trương Minh Sang vẫn có những nỗi lo nhất định. Nỗi lo lớn nhất là việc ở các nội dung cá nhân, mỗi VĐV chỉ được đăng ký duy nhất một người thi đấu.
Ông Sang chia sẻ với Tuổi Trẻ: "Quy định này của nước chủ nhà đúng là khó khăn. Thông thường ở mỗi nội dung đều sẽ có hai VĐV cùng một quốc gia tham dự. Chẳng hạn như tại nội dung xà kép, vốn là thế mạnh của Việt Nam, luôn có hai người đăng ký.
Điều này có ích trong trường hợp có một người sơ suất, mất cơ hội cạnh tranh huy chương thì vẫn còn người khác để lấp vào vị trí đó.
Nói chung có hai người để cạnh tranh HCV vẫn tốt hơn là một. Ngoài ra với việc chỉ được đăng ký một VĐV tham dự cho mỗi nội dung, nếu người đó lỡ chấn thương thì coi như bỏ".
Khó khăn chung với các đoàn
Dù thừa nhận quy định này của chủ nhà gây bất lợi nhưng HLV Trương Minh Sang cùng toàn đội TDDC nam vẫn đang nỗ lực tập luyện. Theo ông Sang, đây là khó khăn chung chứ không riêng gì với đội Việt Nam.
"Theo tôi, các nước mạnh như Philippines, Thái Lan, Malaysia cũng thế. Lỡ trong khi khởi động mà VĐV của họ bị đau thì coi như xong. Do đó, quan trọng là có sự tính toán, chú ý cho VĐV trong quá trình tập luyện", ông Sang cho biết.
Đội TDDC nam đang tập luyện tại Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia Hà Nội từ đầu năm. Mục tiêu mà toàn đội đề ra ở SEA Games 32 là từ 2 đến 3 HCV.
Không chỉ lo cho SEA Games
Ngoài SEA Games, toàn đội cũng tích cực chuẩn bị cho nhiều giải đấu khác trong năm nay và năm sau. Mục tiêu sắp tới là giành vé tham dự Giải vô địch thể dục dụng cụ thế giới diễn ra vào cuối tháng 9 và đầu tháng 10.
Để làm điều đó, đội sẽ cử các VĐV tham dự các giải Cúp thế giới, vốn là vòng loại tranh suất đi đơn môn của Giải vô địch thế giới. Về vòng loại của các nội dung toàn năng và đồng đội, các VĐV sẽ phải tham dự Giải vô địch châu Á.
Chia sẻ về quá trình chuẩn bị, ông Sang cho biết: "Việc lên kế hoạch cho từng giải đã được chúng tôi thực hiện từ đầu năm. Chúng tôi cũng phải tính đến chuyện phân chia VĐV làm sao cho phù hợp nhất.
Ngoài những VĐV lâu năm, chúng tôi cũng sẽ tạo điều kiện cho các VĐV trẻ tham dự các giải này nhằm giúp các bạn có cơ hội cọ xát học hỏi kinh nghiệm".
Philippines là đối thủ mạnh nhất
Trong số sáu VĐV tuyển thể dục dụng cụ Việt Nam, Lê Thanh Tùng cùng Đinh Phương Thành là những người gắn bó lâu năm nhất. Ngoài những HCV SEA Games từng đạt được, họ cũng là hai VĐV của Việt Nam giành vé tham dự Olympic Tokyo diễn ra vào năm 2021.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, VĐV Lê Thanh Tùng cho biết: "Theo tôi, ở các nội dung đơn môn sắp tới tại SEA Games, Philippines là đối thủ mạnh nhất. Họ có Carlos Yulo, người từng hai lần giành HCV ở Giải vô địch thể dục dụng cụ thế giới".
Tại SEA Games 31, Carlos Yulo tỏ rõ sự vượt trội khi một mình giành đến 5 HCV.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận