Ông Nguyễn Thanh Phong - nông dân ấp Lợi Tường, xã Mỹ Lợi - vừa lên liếp trồng trên vùng đất lúa - Ảnh: THANH TÚ
Khan hiếm cây giống
Nếu như năm 2015 giá mỗi cây sầu riêng giống chỉ ở mức 15.000-20.000 đồng/cây, nhưng nay do nhu cầu trồng mới tăng cao cộng với tình trạng xâm nhập mặn kỷ lục năm 2016 đã khiến cây giống khan hiếm. Hiện mỗi cây giống sầu riêng như Mongthong, Ri 6 được bán với giá 100.000 - 120.000 đồng, tức cao gấp sáu lần trước đây.
Theo thống kê của ngành nông nghiệp Tiền Giang, trồng sầu riêng cho thu nhập cao gấp 13,29 lần trồng lúa, nên chuyện phá lúa trồng sầu riêng hiện rất khó cản.
Đua trồng sầu riêng, phá vỡ quy hoạch
Những ngày đầu tháng 8-2018, đi dọc kinh Cây Vừng ở xã Mỹ Lợi, huyện Cái Bè (Tiền Giang), xen giữa cánh đồng lúa là những liếp sầu riêng vừa được người dân chuyển đổi trồng.
Ông Nguyễn Thanh Phong - nông dân ấp Lợi Tường, xã Mỹ Lợi - dẫn chúng tôi ra vườn sầu riêng vừa trồng khoảng sáu tháng và cho hay: "Người ta ở xa dám đến đây thuê đất, mua đất trồng cây này thì mình dân sở tại mà không dám làm thì rất dở". Khi được hỏi nơi đây là xã đầu nguồn vùng lũ của tỉnh, lỡ có lũ lớn thì sao, ông Phong tự tin vì từ năm 2000 đến nay vùng này chưa có lũ lớn.
Bà Trương Thị Ngọc Luyến ở cùng ấp đã trồng sầu riêng được gần hai năm và cho biết cây phát triển tốt, chưa thấy cây bị bệnh gì và bà hi vọng sau hai năm nữa sẽ có trái.
Trong khi đó, xã Mỹ Lợi, ở phía bắc quốc lộ 1, là nơi tiếp giáp các xã đầu nguồn vùng lũ của tỉnh Tiền Giang. Hệ thống cống đập ngăn triều cường, ngăn lũ chưa được đồng bộ. Nguy cơ ngập sâu khi có lũ lớn, theo các chuyên gia, là hoàn toàn có thể. Tuy nhiên, dường như người dân đã bỏ qua mối nguy này.
Ông Nguyễn Tấn Đạt, phó chủ tịch UBND xã Mỹ Lợi, cho biết đã nhiều lần khuyến cáo bà con cẩn trọng. Nguyên nhân là vùng này dễ bị lũ lụt tác động, khi trồng sầu riêng từ ruộng lúa rất dễ xảy ra xung đột giữa người trồng lúa với trồng sầu riêng trong việc dẫn nước tưới tiêu, thu hoạch. Đặc biệt là rất khó kiểm soát dịch bệnh do hai mô hình không tương đồng nhau.
"Ở góc độ địa phương, chúng tôi chỉ khuyến cáo người dân không nên phá vỡ quy hoạch để chạy đua trồng mới sầu riêng. Làm như vậy sẽ ảnh hưởng đến an ninh lương thực, ảnh hưởng kinh tế của chính bản thân, gia đình mình. Tuy nhiên, khi người dân không chấp hành, xã cũng không thể chế tài hay xử phạt vì không có quy định" - ông Đạt cho biết.
Chính quyền lo nhưng khó cấm
Thực trạng đang xảy ra ở xã Mỹ Lợi không phải cá biệt. Theo thống kê sơ bộ của Sở NN&PTNT Tiền Giang, đến nay đã có gần 300ha sầu riêng được trồng ngoài vùng quy hoạch tại các xã phía bắc quốc lộ 1 thuộc các huyện Cái Bè, Cai Lậy và thị xã Cai Lậy.
Con số này tiếp tục tăng khi nhiều người dân đang có ý định chuyển đổi đất lúa lên liếp để trồng sầu riêng, như trường hợp ông Huỳnh Văn Mười Hai, xã Mỹ Lợi, sắp chuyển 12 công lúa đang canh tác qua trồng sầu riêng.
Ông Trần Thanh Mẫn, giám đốc Sở NN&PTNT Tiền Giang, cho biết ngành nông nghiệp đang phải đối mặt với thực trạng quy hoạch chung của tỉnh bị phá vỡ do người dân ồ ạt chuyển đổi đất lúa sang trồng sầu riêng. Nhiều xã phía bắc quốc lộ 1 lâu nay vốn là vùng chuyên canh cây lúa, giờ người dân lên liếp trồng cây ăn trái, nhiều nhất là sầu riêng. Nhiều cử tri trong tỉnh đã phản ảnh thực trạng này lên HĐND tỉnh.
Ông Phạm Anh Tuấn, phó chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang, thừa nhận việc người dân đổ xô trồng sầu riêng là một thực trạng khiến địa phương bối rối. Ông Tuấn đề nghị ngành nông nghiệp tỉnh cần xem lại quy hoạch, đánh giá sự xung đột giữa người trồng lúa với trồng mới sầu riêng.
Ông Tuấn cũng không giấu lo ngại khi sầu riêng được chế biến xuất khẩu quá ít. Thương hiệu chưa phát huy được năng lực khi toàn tỉnh chỉ có 58ha diện tích sầu riêng đạt tiêu chuẩn GAP, nên sản phẩm khó cạnh tranh với các nước trong khu vực như Thái Lan, Malaysia, liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ còn rời rạc...
Việc người dân đổ xô trồng sầu riêng đã dẫn đến nhiều hệ lụy cười ra... nước mắt. Một cán bộ trong ngành nông nghiệp khi nhắc đến vấn đề này đã thốt lên rằng chưa bao giờ có chuyện hạt sầu riêng giờ mắc hơn cả múi.
Tại huyện Chợ Lách, Bến Tre - nơi có nghề nhân giống nổi tiếng, thời gian gần đây mọc lên nhiều điểm bán "sầu riêng giá rẻ ăn tại chỗ trả hạt" để chủ vựa lấy lại hạt sầu riêng ươm giống. Có nơi giá sầu riêng trái 15.000 đồng/kg nhưng giá hạt lên tới 80.000 - 90.000 đồng/kg.
Bà Nguyễn Thị Kim Ngân - chủ vựa cây Lộc Ngân, xã Long Thới, huyện Chợ Lách - cho biết hơn một tháng nay, bà nhập sầu riêng rừng từ Đắk Lắk về lấy hạt ươm cây giống. Ban đầu bà chỉ có ý định bán một phần ít trong số sầu riêng nhập về, nhưng không ngờ khách tới đông như vậy. Có những ngày bà phải đóng cửa do không đủ sầu riêng để phục vụ, nhưng khách vẫn ùn ùn kéo tới...
Tiền Giang: hơn 11.500ha sầu riêng
Số liệu thống kê mới nhất của tỉnh Tiền Giang cho thấy nếu như năm 2005 tỉnh mới có 4.873ha sầu riêng, tới năm 2012 cũng chỉ đạt 7.185ha nhưng đến năm 2017 đã vọt tới 11.564ha. Trong khi đó, ở đề án phát triển cây sầu riêng đến năm 2025 do Phân viện Quy hoạch và thiết kế nông nghiệp tư vấn, đến năm 2025 toàn tỉnh được tính toán chỉ có 12.700-16.000ha sầu riêng với sản lượng dự kiến 310.000 - 350.000 tấn.
Tại Hội thảo phát triển bền vững cây sầu riêng trên địa bàn Tiền Giang mới đây, nhiều chuyên gia đã cảnh báo việc tăng nóng diện tích sầu riêng sẽ có nguy cơ khủng hoảng thừa do nguồn cung lớn. Thống kê cho thấy 70% sản lượng sầu riêng xuất tiểu ngạch sang Trung Quốc, phần lớn là xuất dưới dạng trái tươi.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận