01/10/2012 05:23 GMT+7

Thầy trò và tình yêu Tổ quốc

NGỌC NGA
NGỌC NGA

TT - Ngày 28-9, phòng tiếp bạn đọc báo Tuổi Trẻ nhắn: vị giáo sư “học trò của giáo sư Lê Văn Thới” lần trước lại đến.

Cũng như lần trước, người thầy giáo ấy vẫn một bộ đồ giản dị nhưng tinh tươm, vẫn nụ cười dễ mến và vẫn một mực: “Thôi đừng đưa tên tôi lên báo làm gì, cứ lấy tên thầy tôi đi nhé”.

qiptXbmI.jpgPhóng to
Xuồng CQ (Chủ Quyền) ở khu vực đảo Đá Lớn, Trường Sa - Ảnh: T.T.D.

Số tiền 73 triệu đồng lần này ông đem đến đóng góp cho chương trình “Xuồng cứu hộ CQ cho Trường Sa” đúng hẹn như đã hứa. Tổng số tiền cả hai lần đóng góp là 161 triệu đồng. Đó là số tiền ông dành dụm trong vòng 10 năm mới có được, vậy mà giọng giáo sư thật nhẹ: “Đất nước vững mạnh là việc quan trọng, còn sự đóng góp của tôi là việc bình thường. Tôi học thầy tôi thôi”.

Giáo sư Lê Văn Thới, người thầy mà ông luôn lấy tên để đăng ký cho bất kỳ hoạt động đóng góp nào của mình, là người đã để lại cho ông nhiều ấn tượng và tình cảm nhất.

“Tôi là học trò cuối cùng mà thầy hướng dẫn làm luận văn tiến sĩ trước khi ra đi. Ngày thầy bệnh trong bệnh viện, thầy còn mang theo tập luận văn của tôi để sửa. Thầy tôi cũng là vị giáo sư có lòng yêu nước tuyệt vời, sẵn sàng từ bỏ cuộc sống nhung lụa nơi đất Pháp để về phục vụ đất nước trong thời kỳ khó khăn. Sang năm là 30 năm ngày giỗ của thầy Thới, tôi muốn làm một việc gì đó thật ý nghĩa để nhớ ơn thầy. Học thầy tấm lòng yêu nước theo tôi là việc làm có ý nghĩa nhất” - ông tâm sự.

Căn phòng làm việc của vị giáo sư ấy ở Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG TP.HCM) giản dị như chính con người ông. Một chiếc bàn đã cũ kỹ có từ trước năm 1969, một chiếc quạt đã nhuốm màu cổ vật và rất nhiều chai lọ, hóa chất để sinh viên thực hành môn hóa học.

Căn phòng có khung cửa sổ rộng mở ra sân trường, từ đây trong những giờ phút thảnh thơi ông có thể ngồi ngắm những học trò của mình tan lớp. Trên cánh cửa căn phòng là những bức ảnh liên quan đến người thầy đã quá cố: khu mộ, những vần thơ và cả ngôi trường mang tên Lê Văn Thới ở Tây Ninh. Bên cạnh đó là hình ảnh của những đứa học trò nhỏ cười tinh nghịch. Ông giới thiệu tất cả những bức hình đó với một giọng trìu mến, cảm động: “Thầy tôi yêu nước lắm”.

Dường như với ông, tấm lòng yêu nước của người thầy quá cố của mình là một thứ tài sản vô giá. Nó ăn sâu trong tâm thức ông bao nhiêu năm qua. Để rồi giờ đây, sau mười năm luôn nghĩ khi nào có việc quan trọng mới dám dùng đến tiền tiết kiệm, ông đã đem số tiền này đóng góp mua xuồng CQ cho Trường Sa, bởi với ông đó là việc cực kỳ quan trọng.

Tấm gương của thầy thật có sức mạnh. Đó cũng chính là lý do hôm nay vị giáo sư muốn mình làm gương cho học trò về tấm lòng yêu nước. Bởi vì ông thấu hiểu chẳng bài giảng nào có sức mạnh bằng chính tấm gương của người thầy.

NGỌC NGA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên