Phóng to |
Vùng núi Nam Giang mùa này mưa trắng trời, gian bếp nấu nướng của thầy trò Trường tiểu học liên xã Đăcpring - Đăcpree thấp lè tè sau phòng công vụ. Đống củi ẩm ướt không chịu bén lửa nhả khói mù mịt. Lột đống vỏ hành, mì (sắn), vừa tranh thủ canh lửa cho nồi nước luộc rau to đùng... đó là việc thường ngày mà 18 năm qua hiệu trưởng trường tiểu học liên xã Hồ Ngọc Danh vẫn làm.
Thầy cô cũng là "anh chị nuôi"
"Công việc hành chính văn thư thì đến tối thắp đèn làm cũng được. Quan trọng của việc dạy học ở đây là lo sao cho học trò đủ ăn mới yên tâm học chữ" - thầy Danh bảo. Với 100% học sinh đều là người dân tộc Ve, Tà Riềng, nhà nằm giữa rừng sâu, có em nhà ở tận biên giới Việt-Lào, nên đi đến trường phải mất cả mấy ngày đường. "Nếu cứ để học sinh đi về thì chỉ dăm bữa thôi, cả trường "bói" cũng không có một trò mà dạy chữ" - thầy Danh pha trò kể chuyện.
Vậy là lớp bán trú được hình thành bằng cách vận động mỗi trò góp 10 lon gạo/tháng, nhà trường chịu khoản phí thức ăn bằng cách đi xin đủ nguồn trợ cấp và cuối cùng việc nấu nướng cho gần 70 học sinh bán trú sẽ do các thầy đảm trách từ nhặt rau, vo gạo nấu cơm đến xới cơm ra chén... "Có như vậy mới giữ chân học trò được" - thầy Danh cười... thở dài. Bữa cơm trưa với món chủ yếu là rau rừng và những lát cá kho mặn chát được chính tay thầy hiệu trưởng dọn lên trên những bộ bàn ghế xù xì của khu nhà ăn tập thể... Sương đêm xuống lạnh, khu tập thể của các thầy giáo từ miền xuôi lên cắm bản hiện ra loáng thoáng dưới ánh đèn dầu leo lét. "Mưa cả tuần nên nước dâng cao, không qua sông để mua dầu chạy máy phát điện được" - thầy Danh chậm rãi nói.
Phóng to |
"Thầy giáo"... tóc dài
Từ những dấu chân mở đường đầu tiên của thầy Danh, thầy Bảy, thầy Điểu, thầy Hòa đến với vùng cao Nam Giang này...giờ đây, những cô giáo trẻ như Phương, Tuyến, Đinh cũng đã bắt đầu tham gia cuộc "tiếp sức" cho sự nghiệp ươm chữ vùng cao. "Hôm chào cờ, nhà trường có giới thiệu các cô giáo mới về trường để học sinh làm quen. Ngay hôm sau đi đâu lũ nhỏ cũng cúi chào các cô bằng câu "Em chào thầy ạ”. Có hôm cậu học trò lớp 9 tên Karing Hai hỏi tôi: "Cái thầy tóc dài đi với thầy Hòa tên gì vậy thầy?". "Có lẽ suốt bao nhiêu năm nay các em chỉ biết có mỗi thầy giáo chứ cô thì chưa" - thầy Điểu nhớ lại...
Đầu tháng 7-2007, Phương tốt nghiệp cao đẳng sư phạm ngành ngữ văn. Tháng 8-2007, Phương xung phong, khoác balô đi bộ gần 20km từ quốc lộ 14D lên cửa khẩu Đắc Ốc (Nam Giang) để vào với xã Đăcpring. Mức lương hợp đồng không quá 1,2 triệu đồng/tháng cũng không làm nản chí cô giáo trẻ Trần Thị Phương. Bên chồng giáo án, Phương tâm sự: "Hành trang tụi mình mang lên với núi rừng có cây đèn pin để đi xuống bản ban đêm, đống đèn sáp dùng để thắp sáng soạn bài và một tấm lòng say mê nghề nghiệp"; rồi bảo thêm: "Những cái đó có được là nhờ có mấy thầy động viên, tiếp sức đấy".
Ở trên này muốn báo tin về nhà chỉ còn cách viết thư rồi nhờ người chuyên chở cá, rau từ dưới xuôi lên bán cho dân trong bản chuyển giúp ra bưu điện huyện. Đó là con đường nhanh và tiện lợi nhất dù vài ba ngày người ấy mới lên một lần. Tuyết 22 tuổi, cô giáo Anh văn cấp II, bảo có những ngày mưa to, nước sông dâng cao, vậy là "tuyến" thông tin gián đoạn, có khi cả tuần. Theo thầy Danh, toàn xã có hai điện thoại, một cái đặt ở đồn biên phòng 661 và một cái đặt tại bưu điện trung tâm xã. Nhưng vì sử dụng hệ thống vệ tinh nên vào mùa mưa lũ việc liên lạc rất khó. "Có hôm cần điện thoại về xuôi, nhưng gọi mãi đầu dây bên này "á”, đầu dây bên kia "á”. Một hồi sau thì tút... tút... tút rồi tắt ngấm".
Chia tay chúng tôi ở cuối con dốc Âm Phủ, hai cô giáo trẻ Phương và Tuyết nói nửa đùa nửa thật: "Nhớ gửi cho chúng em vài tờ báo nhé. Có khi nhờ báo mà bạn bè dưới phố biết được thầy trò ở góc núi này".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận