Với sự mới mẻ này, ca sĩ Tân Nhàn - phó trưởng khoa phụ trách khoa thanh nhạc, Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam, tổng chỉ đạo sản xuất của chương trình - nói đây là lần đầu tiên khoa thanh nhạc tổ chức một đêm nhạc hát các ca khúc trữ tình không được đưa vào giáo trình giảng dạy trong trường nhạc như vậy.
Lần đầu tiên các thầy cô của khoa thanh nhạc với giọng hát đẹp và kỹ thuật tốt thường ngày chỉ dạy học trò trong trường các ca khúc thính phòng, cổ điển, các ca khúc cách mạng hào hùng để rèn chuẩn mực kỹ thuật thanh nhạc, đã "lấn sân" biểu diễn các ca khúc nhạc tiền chiến, Trịnh Công Sơn, Phú Quang… ngay trong nhà hát của trường.
Khi các thầy cô muốn gần hơn với khán giả
Tân Nhàn vốn nổi tiếng với các ca khúc cách mạng, các ca khúc trữ tình về quê hương đất nước thì lần này tam ca cùng hai giảng viên Lan Anh, Hương Ly bài Mùa thu vàng của Cung Tiến.
Với Lan Anh, việc này không gây bất ngờ cho khán giả bởi nữ giảng viên thanh nhạc này đã ra mắt công chúng nhiều album nhạc trữ tình, cả bolero. Tuy nhiên đây cũng là lần đầu tiên cô hát dòng nhạc này trong trường.
Cô tiếp tục phiêu lưu với các ca khúc trữ tình của Lam Phương, Hoài An, những ca khúc phù hợp với giọng hát tình cảm của cô.
Nhưng với Tân Nhàn thì lần xuất hiện trước công chúng với ca khúc tiền chiến gây bất ngờ cho khán giả.
NSND Quốc Hưng - ca sĩ opera giọng bass hiếm hoi hiện nay, phó giám đốc Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam - cũng gây bất ngờ khi hát Khúc mùa thu của Phú Quang, bên cạnh những ca khúc thính phòng, trích đoạn arian Đám cưới Figaro của Mozart.
Quốc Hưng mới đây đã ra mắt một album nhạc xưa, hát Ngô Thụy Miên, Vũ Thành An, Anh Bằng, Từ Công Phụng, Phạm Đình Chương, nhưng chưa hát Phú Quang nên cũng là một bất ngờ cho khán giả.
Tất nhiên khi các giảng viên trường đào tạo thanh nhạc hàng đầu cả nước hiện nay hát các ca khúc trữ tình lẫn nhạc trẻ, họ đã phải chọn cách thả lỏng, không trưng trổ kỹ thuật như thường ngày họ dạy sinh viên.
Cách mà những giọng hát đạt chuẩn mực kỹ thuật thanh nhạc này hát nhạc trữ tình, nhạc trẻ cũng rất khác với các ca sĩ chuyên hát dòng nhạc này. Còn thích hay không là do "gu" của mỗi người.
Trước đó, trong buổi họp báo về sự kiện, Tân Nhàn cho biết sự đổi mới trong đêm nhạc là để khoa thanh nhạc tiến gần hơn với thị trường, với khán giả hiện nay, nhưng họ vẫn giữ chất riêng của mình bằng các màn trình diễn tác phẩm thính phòng, cổ điển, các tác phẩm kinh điển của Việt Nam.
Thanh Lam hát bản hit Gọi anh cùng con rể
Một điều thú vị, dù đêm nhạc chứng kiến các thầy cô thanh nhạc nhiều thế hệ ở Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam hát nhạc trữ tình, nhạc tiền chiến, nhưng NSND Quang Thọ vẫn tuyệt đối trung thành với "màu" của mình.
Ông chỉ hát các bản thính phòng, cổ điển quốc tế và các ca khúc kinh điển của Việt Nam, đơn ca (bài Tình em của Huy Du) hoặc hát cùng các học trò cũng là giảng viên trong trường như Quốc Hưng, Phúc Tiệp, Mạnh Hoạch.
Giọng hát "huyền thoại" của ông, dù đã có những quãng cho thấy tuổi tác, vẫn khiến khán giả cảm động.
Điểm nhấn của chương trình rơi vào phần kết. Hai học trò thành danh của trường được mời về hát cùng các thầy cô là Thanh Lam và Quang Hà.
Thanh Lam hát Ngôi sao cô đơn (Thanh Tùng) và song ca cùng con rể bài tủ của cô: Gọi anh (Dương Thụ). Cô tất nhiên tranh thủ giới thiệu con rể của mình - ca sĩ Thăng Long.
Quang Hà bên cạnh bản hit đã giúp tên tuổi của anh được yêu thích trong cả chục năm qua Ngỡ (Khắc Việt) còn hát Dấu chân địa đàng của Trịnh Công Sơn theo phong cách trẻ trung, giàu năng lượng của mình.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận