Giáo viên giảng dạy trong tiếng ve rền vang - Video: NGỌC TÀI
Thầy Phạm Văn Pha - hiệu phó Trường THPT Phú Điền, huyện Tháp Mười, Đồng Tháp, cho biết năm nay tiếng ve đặc biệt lớn hơn các năm. Giáo viên phàn nàn khá nhiều khi lũ ve bắt đầu rền vang.
"Đặc biệt nắng gắt chừng nào chúng rên nhiều chừng đó. Giờ chỉ có thể đóng cửa phòng học để giảm tiếng ồn chứ những giải pháp như rung cây cũng chỉ giảm được một lát", thầy Pha chia sẻ.
Ngoài ra, một số biện pháp như vệ sinh sân trường, gốc cây, diệt ve cũng được truờng thực hiện.
Cô Bùi Thị Kiều Trang - giáo viên dạy văn - chia sẻ tiếng ve quá lớn ảnh hưởng đến việc dạy và tiếp thu của học sinh. Giáo viên phải cố gắng giảng bài với âm thanh lớn hơn, át tiếng ve. Thầy cô thường xuyên bị khàn tiếng, thậm chí đau họng.
Không chỉ ồn ào ở trường học, lũ ve còn ảnh hưởng đến việc nghỉ ngơi của người dân. Ông Lê Phước Tánh, xã Tân Thuận Tây, thành phố Cao Lãnh, nói: "Tụi ve từ đất chui lên rồi lột xác dày đặc trên những gốc cây. Thấy xác ve sầu là bắt đầu rầu vì biết chắc chừng nửa tháng tới là không ngủ nghê gì được với tụi nó đâu. Bữa nào làm mệt còn nghe tụi nó kêu là nhức đầu luôn".
Nói về thời điểm chúng "hát hò", ông Tánh nói: "Cũng vô chừng lắm, khi có một con kêu là cả đàn kêu theo, chừng 20 phút sau mới ngưng được một chút".
Ve sầu lột xác để vỏ bám trên cây - Ảnh: NGỌC TÀI
Theo tài liệu khoa học, ve sầu thuộc họ côn trùng, với khoảng 2.500 loài ve trên thế giới. Một số loài ve có khả năng tạo âm thanh lớn đến 120 dB - tiếng kêu to nhất nhì trong loài côn trùng. Trong khi với con người, cường độ âm thanh nguy hiểm cho tai là 85 decibel (dB), 120 dB là ngưỡng đau đớn.
Các chuyên gia về côn trùng học cho biết để hạn chế số lượng ve, biện pháp đơn giản là tráng ximăng mặt sân, quét vôi quanh gốc cây để ấu trùng không còn môi trường sống. Bên cạnh đó, có thể dùng các chế phẩm sinh học phun lên cây tốt nhất là vào mùa sinh sản của ve.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận