19/01/2017 09:13 GMT+7

Thầy trò hưởng ứng “thực học, thực nghiệp”

VĨNH HÀ - HOÀNG HƯƠNG
VĨNH HÀ - HOÀNG HƯƠNG

TTO - Sau khi Bộ GD-ĐT công bố dự thảo chương trình tổng thể giáo dục phổ thông, đa số thầy cô và học sinh đều bày tỏ sự vui mừng vì những đổi mới mang tính tích cực của chương trình.

Một tiết học giáo dục công dân ở Trường THCS Đức Trí (Q.1, TP.HCM) - Ảnh: H.HG.
Một tiết học giáo dục công dân ở Trường THCS Đức Trí (Q.1, TP.HCM) - Ảnh: H.HG.

Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn những băn khoăn và kỳ vọng về định hướng “thực học - thực nghiệp, học đi đôi với hành, tăng phân luồng hướng nghiệp” của dự thảo nói trên...

* Cô Nguyễn Thị Đông (giáo viên Trường ĐH Sư phạm nghệ thuật trung ương):

Môn mỹ thuật đã có chỗ đứng

Đọc dự thảo, tôi thấy mừng vì môn mỹ thuật trước đây chỉ là môn phụ, không còn nữa ở bậc THPT thì giờ đã có vị trí trong chương trình tổng thể. Với định hướng “thực học, thực nghiệp”, ở bậc THPT sẽ có những học sinh chọn theo học những ngành cần tới kiến thức mỹ thuật.

Ngoài ra, chương trình cho phép học sinh chọn các môn theo sở thích, sở trường nhằm nâng cao trình độ thẩm mỹ qua các môn nghệ thuật, điều này rất hay. Tuy nhiên, khi môn mỹ thuật có chỗ đứng trong chương trình thì cần chuẩn bị các điều kiện cần thiết cho nó như giáo viên, chương trình, tài liệu giảng dạy.

Do trong chương trình hiện hành môn mỹ thuật không còn ở bậc THPT, nên đây sẽ là một khó khăn, thách thức khi phải làm sao vừa xây dựng được chương trình đảm bảo yêu cầu tự chọn của người học, vừa góp phần vào định hướng phân luồng ở cuối cấp phổ thông.

* GS Nguyễn Thị Vinh (ĐH Sư phạm Hà Nội):

Còn nhiều việc phải làm

So với dự thảo trước, việc hoàn thiện chương trình tổng thể giáo dục phổ thông đã tốt hơn. Tuy nhiên, con đường phía trước còn rất dài và tôi thấy việc xây dựng chương trình môn học, biên soạn sách giáo khoa (SGK) cho từng môn học như thế nào mới là chặng đường khó khăn hơn.

Vì chương trình tổng thể chỉ vạch ra mục tiêu, phẩm chất, năng lực cần đạt. Nhưng khi xây dựng chương trình môn học phải tính toán để hiện thực hóa được các phẩm chất, năng lực đó; tính toán để phù hợp với đối tượng, có tính hấp dẫn, gần gũi, thiết thực với người học; có sự liên thông, thống nhất trong hệ thống.

Với các môn khoa học tự nhiên, các tác giả biên soạn sẽ có lợi thế hơn vì có thể tiếp cận những chương trình - SGK của các nước tiên tiến. Nhưng với khoa học xã hội, nhất là môn lịch sử, thì đây sẽ là một thách thức lớn.

Chúng ta không thể lấy chương trình - SGK các nước sử dụng cho mình, mà phải xây dựng trên cơ sở đúc rút kinh nghiệm, lấy ý kiến của các chuyên gia trong và ngoài nước, qua các hội thảo chuyên sâu và thực tiễn dạy học.

* Thầy Trương Minh Đức (giáo viên môn văn Trường THPT Lê Quý Đôn, Q.3, TP.HCM):

Tăng tác phẩm văn học hiện đại

Tôi cho rằng dự thảo chương trình mới giảm số lượng môn học cho học sinh trung học là cách làm hay, vẫn đảm bảo các môn học cần thiết nhưng giảm áp lực học hành cho học sinh. Tuy nhiên, tôi vẫn băn khoăn: nội dung các môn học sẽ được thay đổi như thế nào, giáo viên cần chuẩn bị những gì để chuyển tải tốt chương trình mới? Việc cho học sinh chọn câu lạc bộ thể thao tự chọn là tốt, nhưng liệu nhà trường có đủ sân bãi, điều kiện cơ sở vật chất và giáo viên để dạy hay không?

Tôi cho rằng chương trình mới cần tăng cường nội dung mang tính hướng nghiệp cho học sinh vào các môn. Tức là nội dung các môn học cần có những bài gần gũi, thể hiện được phần nào những kỹ năng, kiến thức của một số ngành nghề mà học sinh dự định học sau bậc phổ thông.

Riêng đối với môn văn, nên tăng thêm những tác phẩm văn học hiện đại, giảm bớt một số tác phẩm thời kỳ văn học cổ - trung đại; tăng cường những bài nêu vấn đề để học sinh có thể tranh luận, nêu ý kiến cá nhân, giảm thiểu các tác phẩm giáo dục một chiều khiến học sinh chán, không tranh luận và cũng không muốn tư duy gì thêm.

* Nguyễn Anh Thái (học sinh lớp 10 Trường THPT Trần Hưng Đạo, Hà Nội):

Giảm các môn không thiết thực

Từ những gì đang áp dụng đối với học sinh THPT hiện nay, em thấy nếu Bộ GD-ĐT cải tiến, giảm bớt các môn học không thiết thực đối với học sinh, dành thời gian cho chúng em tập trung vào các môn học để dự thi đại học, phù hợp đăng ký vào một ngành nghề tương lai hoặc các môn học học sinh yêu thích thì quá tốt.

Hiện nay có một số môn học chúng em không biết học để làm gì. Nhiều học sinh không có hứng thú, phải học để đối phó cho đạt kết quả công nhận tốt nghiệp, trong khi đó chúng em lại thiếu thời gian cho các môn học chủ chốt dự kiến sẽ thi tuyển sinh. Các môn học này chúng em phải học thêm ngoài giờ, học buổi tối nên khá mệt.

Ngoài việc học các môn học cần cho nghề nghiệp tương lai, nếu chúng em có thời gian tham gia các hoạt động xã hội, giải trí, tham gia câu lạc bộ nghệ thuật, thể thao thì tốt. Nhưng hiện nay điều đó chỉ là mong ước thôi.

* Nguyễn Thị Hằng (học sinh lớp 10 Trường THPT Đống Đa, Hà Nội):

Thích được tự chọn

Em mong muốn, nếu có thể, được tham gia một số môn học hoặc sinh hoạt theo hình thức câu lạc bộ như thiết kế thời trang, dance sport, các hoạt động tập thể. Còn như hiện tại chúng em phải học nhiều môn quá, chả còn thời gian làm gì khác.

Nếu chương trình được điều chỉnh linh hoạt hơn, cho phép học sinh tự chọn một số môn học - môn thì cần học cơ bản, môn thì học chuyên sâu phục vụ nghề nghiệp tương lai - thì tốt.

Ngoài ra, nếu có các chuyên đề để học sinh tiếp cận tới các ngành nghề trong xã hội thì em nghĩ nhiều học sinh sẽ thích thú.

* Nguyễn Thoại Khánh Trang (học sinh lớp 12 Trường THPT Lê Quý Đôn, TP.HCM):

Cần những bài giáo dục đạo đức thuyết phục

Nghe tin chương trình giáo dục phổ thông mới chỉ còn 6-7 môn/học kỳ, em rất vui vì như vậy sẽ giảm tải cho học sinh nhiều lắm. Tuy nhiên, em còn mong muốn nội dung các môn học giảm đi những kiến thức hàn lâm, lý thuyết.

Thay vào đó là những bài học gần gũi với thời đại mà chúng em đang sống, là những kiến thức mà học sinh có thể áp dụng ngay vào thực tế, là những kỹ năng cần thiết như kỹ năng thuyết trình, kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng ứng xử...

Việc thay đổi này không chỉ áp dụng trong chương trình bậc trung học, mà em nghĩ rằng cần phải thay đổi từ gốc - từ bậc tiểu học. Nếu ngay từ bậc tiểu học học sinh được rèn luyện kỹ năng làm việc nhóm, được dạy về cách ứng xử thì khi lên trung học sẽ học tốt hơn rất nhiều.

Ngoài ra, em mong Bộ GD-ĐT hãy quan tâm hơn đến nội dung dạy đạo đức cho học sinh. Chúng em cần những bài học cụ thể, thuyết phục để có lối sống đúng đắn, chứ chúng em không cần những bài học khô khan. Bên cạnh đó, các môn học cũng nên thiết kế phần kiến thức mang tính định hướng nghề nghiệp cho chúng em sau này.

VĨNH HÀ - HOÀNG HƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên