Tiết mục hòa tấu Duyên kỳ ngộ của dàn nhạc khoa âm nhạc truyền thống - Ảnh: T.T.D.
Trước ngày công diễn, chương trình đột nhiên "cháy vé". Đây là nguồn động lực rất lớn với những người thực hiện chương trình.
"Sắc màu" dài khoảng 90 phút với 12 tiết mục. Có cả những bài bản cổ lẫn những sáng tác mới hoặc những làn điệu truyền thống được phối rất mới, lạ khiến 90 phút trôi qua thật thú vị, đã tai người nghe.
Khán giả được đắm chìm trong những giai điệu nhẹ nhàng của âm nhạc tài tử đến chèo, âm nhạc dân gian Ghana, rồi lại đầy hứng khởi với những sáng tác mới lấy cốt lõi là chất liệu âm nhạc dân tộc hòa quyện cùng nhạc giao hưởng, những âm sắc hiện đại như độc tấu đàn bầu Khát vọng, song tấu đàn nhị Dạ khúc, hòa tấu dàn nhạc Sắc màu...
Mướt mồ hôi chạy lo chương trình, tiến sĩ Nguyễn Thị Hải Phượng - trưởng khoa âm nhạc truyền thống - chia sẻ ý tưởng tổ chức buổi hòa nhạc dân tộc có đầu tư là để tạo cơ hội cho tất cả sinh viên trong khoa tham gia, cũng là mở ra cơ hội cho sinh viên được giới thiệu mình và có thêm cơ hội làm nghề.
Từ lúc tập dượt đến ngày công diễn, không ít khán giả đã thăm dò xem chương trình có thực hiện định kỳ để họ đón xem và giới thiệu cho bạn bè cùng xem.
"Sau chương trình này, chúng tôi sẽ tính toán xem có thể diễn định kỳ được không. Nếu làm thì có lẽ cần một đơn vị tổ chức hỗ trợ, để thầy trò chúng tôi chỉ lo về chuyên môn. Vì vừa lo chuyên môn mà vừa chạy đủ thứ việc thật sự chúng tôi rất đuối. Lúc nào cũng phải tính toán, cân nhắc vì kinh phí quá ít.
Những sinh viên học âm nhạc dân tộc thực sự phải có khả năng và đam mê mới theo được vì chương trình học rất khó và nặng. Trong khi đó ra trường các em lại khó kiếm việc làm, khó kiếm tiền. Khi tổ chức chương trình, chúng tôi cũng muốn cho các em cảm giác mình được mọi người quan tâm, được sự khích lệ và động viên để các em tiếp tục với nghệ thuật truyền thống" - nghệ sĩ Hải Phượng bày tỏ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận