10/05/2018 15:13 GMT+7

Thầy trò cùng học ở công trường metro

PHƯƠNG NGUYỄN
PHƯƠNG NGUYỄN

TTO - Được tận mắt thấy kết cấu đường hầm, được các kỹ sư giải thích cặn kẽ, học sinh hiểu thêm rất nhiều nguyên tắc hoạt động của robot đào hầm, kiến thức về mặt phẳng nghiêng, áp suất.

Thầy trò cùng học ở công trường metro - Ảnh 1.

Học sinh tham quan thi công dự án đường sắt đô thị sáng 9-5 - Ảnh: PHƯƠNG NGUYỄN

Em hiểu thêm nguyên tắc hoạt động của robot đào hầm, kiến thức về mặt phẳng nghiêng, áp suất... Quan trọng hơn, em hiểu được tại sao lại làm tuyến metro này"

Nguyễn Hữu Gia Hưng - học sinh lớp 8A1

Sáng 9-5, Trường THCS Trần Văn Ơn, Q.1, TP.HCM tổ chức cho học sinh tham quan xây dựng đường sắt đô thị TP.HCM.

Đây là một phần dự án dạy học theo định hướng (khoa học, công nghệ, kỹ thuật, toán học) của trường với chủ đề "Giải pháp giao thông tương lai cho thành phố".

Dự án nhằm giúp học sinh tìm hiểu kiến thức về áp suất, máy nén thủy lực, mặt phẳng nghiêng của môn vật lý; kiến thức địa chất trong địa lý; kiến thức về công nghệ robot...

Xem robot khoan hầm

Sáng sớm, 40 học sinh có mặt tại công trường xây dựng metro trên đường Ngô Văn Năm (Q.1). Các em mặc đồng phục thể dục của trường, đứng thành từng nhóm nhỏ, háo hức trao đổi với nhau những nội dung kiến thức cần tìm hiểu đã được thầy cô hướng dẫn trước đó.

"Wow, ngầu quá!" - Đinh Lê Minh Trí, học sinh lớp 8A1, tròn mắt thốt lên khi bước xuống đường hầm metro phía tây từ ga Ba Son đến Nhà hát TP.HCM. Đầu đội nón bảo hộ lao động, mặc trên mình áo phản quang, Minh Trí cùng các bạn phấn khích khi được tham quan đường hầm, tận mắt chứng kiến robot khoan hầm.

Dưới sự hướng dẫn của đại diện ban quản lý đường sắt đô thị, học sinh xếp thành hai hàng ngay ngắn, di chuyển vào khu vực công trường đang thi công. Cái nắng gay gắt tháng 5 chiếu xuống những gương mặt nhễ nhại mồ hôi, ánh lên những tia nhìn tò mò ham khám phá.

Bước xuống hầm là một thế giới hoàn toàn khác. Âm thanh ù ù liên tục của máy móc, hơi nóng hầm hập khiến một số em nhíu mày, vội vàng đeo khẩu trang. Học sinh được ban quản lý dự án cho phép tham quan 500m đường hầm, đi dọc theo phần công trình đã được lắp hệ thống chiếu sáng đến điểm robot đang khoan.

Một lúc sau, như quên đi cảm giác khó chịu dưới hầm, nhóm học sinh vây quanh các kỹ sư đang làm việc và liên tục đặt câu hỏi: "Các khối bêtông đó được di chuyển xuống hầm bằng cách nào vậy chú?".

"Lúc vô, tụi em nghe thấy những tiếng giật ầm ầm, đó là tiếng gì vậy?", "Đường hầm dài như vậy thì khi gặp sự cố với công nhân, các chú xử lý như thế nào?"...

Các em cũng không bỏ qua cơ hội xem xét và tìm hiểu cách vận hành của robot, máy trộn và máy khuấy phụ gia, bồn chứa thủy lực... được đặt hai bên đường hầm.

"Các chú kỹ sư trả lời nhiệt tình lắm. Vừa được xem kết cấu đường hầm, vừa được các chú chỉ vào từng thứ và giải thích cấu tạo cùng nguyên lý hoạt động giúp em hiểu thêm rất nhiều nguyên tắc hoạt động của robot đào hầm, kiến thức về mặt phẳng nghiêng, áp suất.

Quan trọng hơn, em hiểu được tại sao người ta lại chọn tuyến metro này" - Nguyễn Hữu Gia Hưng, học sinh lớp 8A1, chia sẻ.

Học từ thực tế

Thầy trò cùng học ở công trường metro - Ảnh 3.

Học sinh được chia nhóm tìm hiểu về dự án đường sắt đô thị - Ảnh: PHƯƠNG NGUYỄN

Học sinh tham gia dự án được chia thành ba nhóm. Mục tiêu cho từng nhóm rất rõ ràng. Nhóm thứ nhất trang bị kiến thức về robot khoan hầm dưới lòng đất TBM. Nhóm thứ hai tìm hiểu về định hướng phát triển và quy hoạch của hệ thống metro thành phố. Nhóm còn lại nghiên cứu về kết cấu xây dựng của hầm metro.

Trước khi tham quan, các em tự tìm hiểu về dự án metro, đúc rút ra những kiến thức phù hợp với cấp học. Sau đó, các em liệt kê ra những vấn đề thắc mắc và cùng nhau giải quyết. Còn những vấn đề không giải quyết được sẽ mang ra thảo luận trong buổi trao đổi với đại diện ban quản lý đường sắt đô thị sáng 9-5.

"Việc đào hầm như vậy có ảnh hưởng đến các công trình kiến trúc bên trên không?", em Phạm Ngân Nhi, lớp 8A6, thắc mắc. Trong khi đó, em Trương Nguyễn Khánh Đan lại băn khoăn về vấn đề tu sửa đường hầm sẽ diễn ra như thế nào.

Chỉ vào bản đồ đường hầm metro rộng bằng một bức tường lớn, đại diện ban quản lý đường sắt đô thị giới thiệu, giải thích về tiêu chuẩn độ lún của các công trình bên trên cho học sinh. Một số em lấy điện thoại quay phim lại, trong khi một số em khác lại chăm chú ghi chép các điểm đáng lưu ý...

"Điều mà chúng tôi hướng tới là sự trải nghiệm của học sinh. Học sinh hiểu những kiến thức học được trong lớp áp dụng vào đời sống xã hội như thế nào.

Sau buổi tham quan hôm nay, các em sẽ về nhà làm bài thuyết trình cho những bạn chưa đi biết và hiểu được những hoạt động của hệ thống metro xây dựng như thế nào", thầy Trương Quý Lâm - tổ trưởng chuyên môn môn vật lý, một trong số giáo viên hướng dẫn dự án, cho biết.

Thầy trò cùng học

Thầy Lâm cũng chia sẻ trước khi triển khai dự án cho các em, thầy cô đã phải tìm hiểu thật kỹ về dự án metro, lựa chọn những chủ đề phù hợp rồi thảo luận, lên kế hoạch thực hiện, giao việc, hướng dẫn cho các em. "Trò học, thầy cũng học. Dự án kết hợp nhiều môn, không phải cái gì mình cũng biết nên mình phải tự cập nhật kiến thức, trao đổi học hỏi lẫn nhau để có thể dẫn dắt học trò" - thầy Lâm nói.

Chơi mà học ở lễ hội đón học sinh đầu cấp

TTO - Các học sinh Trường THPT Lương Thế Vinh, TP.HCM đã có buổi đón học sinh lớp 6 và lớp 10 "hoành tráng" với nhiều tiết mục diễn kịch, ảo thuật, các trò chơi...

PHƯƠNG NGUYỄN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên