Trần Thanh Bình (phải) thiết kế mạch cảm biến ánh sáng giúp chống cận thị - Ảnh: P.Nguyễn
“Dự án này rất ý nghĩa và nhân văn. Qua dự án, các con sẽ được học từ chính thực tế, từ bạn bè xung quanh và biết giữ gìn đôi mắt của mình hơn
Ông Nguyễn Thoại Tường (phụ huynh của một học sinh lớp 11)
Đây là 1 trong 46 dự án lọt vào vòng chung kết cuộc thi Giáo viên sáng tạo trên nền tảng tin học, do Bộ GD-ĐT kết hợp với Microsoft tổ chức.
Dự án được triển khai từ tháng 8-2017, nhằm cung cấp kiến thức, kỹ năng và tìm ra giải pháp phòng chống cận thị cho học sinh.
Với sự đồng hành của cô Trương Hồng Ngọc - giáo viên cùng Trường THPT Ernst Thälmann, TP.HCM, và gần 90 học sinh từ lớp 10 đến lớp 12, bộ sản phẩm phòng tránh cận thị đã ra đời, gồm thanh ngang gắn trên bàn học, dây đai gắn với ghế ngồi và mạch cảm biến ánh sáng.
Tạo thói quen bảo vệ mắt
"Các bé tiểu học thường có thói quen nằm dài trên bàn khi viết, hoặc cúi quá sát vào bàn. Dự án muốn giúp các em điều chỉnh tư thế ngồi học từ lớp 1 để hình thành thói quen tốt về sau" - cô Trương Hồng Ngọc chia sẻ về mục tiêu của bộ sản phẩm phòng chống cận thị.
Sau hơn hai tháng thực hiện, các sản phẩm đã dần hoàn thiện, với các học trò là người chế tạo, thiết kế và cải tiến, thầy cô chỉ hướng dẫn, đặt ra yêu cầu với sản phẩm.
Thanh ngang làm từ gỗ, nhựa, nhựa trong, cách mặt bàn 25cm, nhằm ngăn học sinh cúi đầu quá thấp khi viết bài, và có thể tháo lắp, điều chỉnh dễ dàng trên bàn học. Đi kèm với thanh ngang là mạch cảm biến ánh sáng.
"Cường độ ánh sáng khoảng 300 lux mới đảm bảo cho việc học. Nếu ánh sáng dưới 300 lux, thiết bị sẽ hiện màu đỏ, báo động người dùng nên thay đổi chỗ ngồi hay tăng cường ánh sáng. Vì thế dự án còn có tên gọi "Đèn đỏ, bỏ sách"" - cô Ngọc giải thích.
Nhóm thực hiện dự án đang nghiên cứu thiết kế thêm dây đai gắn vào ghế ngồi (như dây an toàn gắn trên ôtô), giúp học sinh ngồi thẳng lưng nhưng vẫn có thể vận động tay chân thoải mái.
Giúp học sinh bớt "sống ảo"
"Hiện nay, với nhiều học sinh, sáng ngủ dậy là chụp ngay điện thoại xem thông báo của Facebook; tối ngủ thì tắt đèn, trùm mền luyện phim, chat với bạn bè hoặc chơi game" - thầy Lãm nói.
Đồng tình với nhận xét của thầy Lãm, cô Ngọc cho biết: "Học sinh sống ảo quá, cứ mỗi khi rảnh là sử dụng điện thoại thông minh. Đi dã ngoại với thầy cô, bạn bè thì mải mê dùng điện thoại chụp ảnh, quay phim, chứ không quan sát, cảm nhận bằng mắt thật".
Đến với dự án, 90 học sinh không chỉ được thực hành những kiến thức đã học, mà còn học cách sử dụng mạng xã hội hợp lý hơn. Mỗi thứ năm, thầy Lãm sẽ đăng nội dung công việc từng tuần lên nhóm kín trên Facebook, và cùng học trò trao đổi những khó khăn, vướng mắc khi thực hiện dự án.
Bạn Hồ Thanh Yến Vy, lớp 11A1, chia sẻ: "Mỗi thứ bảy hay các giờ rảnh, em không còn ngủ nướng và lướt Facebook nữa; thay vào đó em đọc sách, lên mạng tìm hiểu thêm kiến thức. Em nghĩ mình đang hình thành được một thói quen tốt".
Vừa qua, dự án đã tổ chức một buổi sinh hoạt chuyên đề cho toàn Trường THPT Ernst Thälmann, với chủ đề "Your light, your life", về kiến thức quang học, cách bảo vệ mắt... qua phần dẫn dắt của thầy Lãm xen lẫn với âm nhạc, nhảy múa, đọc rap, khiến cả sân trường liên tục vang lên những tràng vỗ tay tán thưởng.
"Dự án này rất ý nghĩa và nhân văn. Tụi nhỏ không ý thức được việc bảo vệ mắt, ở nhà ba mẹ nói không nghe. Qua dự án này, các con sẽ được học từ chính thực tế, từ bạn bè xung quanh và biết giữ gìn đôi mắt của mình hơn" - ông Nguyễn Thoại Tường, phụ huynh của một học sinh lớp 11, chia sẻ.
Trò học thầy, thầy học trò
Các học sinh thực hiện dự án đã chia thành 4 nhóm chính và nhiều nhóm nhỏ, phụ trách, đảm nhiệm từng công việc khác nhau: nhóm khảo sát thực trạng và nguyên nhân tật cận thị học đường; tham khảo chế độ ăn uống, dinh dưỡng cùng các mẹo bảo vệ sức khỏe đôi mắt, hạn chế việc tăng độ.
Nhóm tìm hiểu những biện pháp đã được áp dụng nhằm khắc phục tật cận thị trong học đường. Nhóm nghiên cứu thiết kế kiểu dáng, kích thước, nguyên vật liệu, kinh phí của bộ sản phẩm phòng chống cận thị cho học sinh, và "gậy ánh sáng" hỗ trợ người khiếm thị. Nhóm thiết kế trang web, fanpage, poster và quay dựng clip, quảng bá hình ảnh cho dự án.
"Trong quá trình thực hiện dự án, trò học thầy, thầy học trò. Tôi rất nể các trò, mỗi trò có một khiếu riêng. Ví dụ: linh kiện, mạch điện tử, tôi và thầy Lãm chỉ được học lý thuyết là chính, rất ít thực hành, mà dự án này toàn bộ là thực tế.
Em Trần Thanh Bình, lớp 10A5, lại có đam mê điện tử từ nhỏ và thường xuyên thực hành cùng ba trong thiết kế mạch điện tử. Chính em đã hướng dẫn thầy cô và bạn bè trong nhóm làm sản phẩm" - cô Ngọc chia sẻ.
Cô Ngọc cũng không ít lần nhìn sản phẩm của học trò mình rồi à lên thích thú, và tự vấn "Sao mình không nghĩ ra, sao tư duy của mình cứng nhắc quá!".
"Gậy ánh sáng" cho người khiếm thị
Hiện tại, bên cạnh bộ sản phẩm phòng chống cận thị, nhóm dự án "U can see - Đèn đỏ, bỏ sách" còn đang chế tạo, thiết kế thêm "gậy ánh sáng" cho người khiếm thị.
Qua nhiều lần thử nghiệm, lấy ý kiến của người dùng, sản phẩm của nhóm dần thay đổi để đáp ứng tốt nhất nhu cầu của người khiếm thị. Phiên bản gậy mới nhất có thể gấp lại, có đèn tín hiệu và cảm biến rung khi có người hoặc vật cản phía trước.
"Trong những chuyến đi thiện nguyện, tôi thường trò chuyện với các bạn khiếm thị. Họ tâm sự ra đường rất muốn có một cây gậy dò đường có thể gấp và phát hiện ra người hoặc vật cản phía trước. Tôi đem điều này nói với học sinh thì các em liền lập tức tán thành và bắt tay vào thiết kế "gậy ánh sáng"" - thầy Lãm chia sẻ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận