Phóng to |
Học sinh Trường THPT An Lạc Thôn thu gom rác chợ về làm phân bón - Ảnh: T.Xuân |
Họ là những thầy trò đầy tâm huyết với môi trường, đang sinh hoạt tại CLB “Em yêu môi trường” ở Trường THPT An Lạc Thôn, huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng.
Thầy trò cùng đi xin... rác
“Làng không rác” Theo tiêu chí của thầy trò CLB “Em yêu môi trường”, “Làng không rác” là khu vực không có rác xả bừa bãi ra môi trường, người dân có ý thức phân loại rác và biết tái chế rác thải hữu cơ thành phân bón, giảm thiểu tối đa việc sử dụng phân bón hóa học... Rác sau khi được thu gom về một điểm sẽ được xử lý bằng chế phẩm biomix, sau đó ủ lại. Chế phẩm này sẽ giúp làm phân hủy nhanh các phế thải hữu cơ, khử mùi hôi và không gây độc hại cho môi trường. Sau một thời gian ngắn rác sẽ bị phân hủy, được sử dụng làm phân bón cho cây trồng. |
Khi đã thống nhất về ý tưởng, cách làm, đầu tháng 7-2012 thầy trò xúm nhau xách cần xé tỏa xuống mọi ngõ ngách chợ Cái Côn, vận động bà con tiểu thương cho... rác thay vì quăng hết xuống sông. Lúc đầu nhiều tiểu thương lẫn người dân khá tò mò khi chứng kiến cảnh “xưa nay hiếm”: giữa trưa nắng chang chang, thầy trò Trường An Lạc Thôn lại kéo nhau đi gom rác. Gom xong thầy trò lại mang rác về đổ đống trước khu tập thể giáo viên vốn chật hẹp lại nằm cạnh trường mẫu giáo. “Có người không hiểu tưởng thầy trò “có vấn đề”, nhưng khi biết mình đang làm thí nghiệm biến rác thành phân bón thì ai cũng ủng hộ”, thầy Hải vui vẻ cho biết.
Khi đã thí điểm thành công, đều đặn hằng ngày thầy trò chia nhóm thay phiên đi thu gom rác chợ. Với rau, củ, quả, bã mía, vỏ dừa... sẽ được “tận thu” về ủ làm phân bón. Với bọc nilông, chai nhựa... nhóm sẽ thu riêng để tái chế thành các sản phẩm thân thiện với môi trường hoặc dụng cụ dạy học. Nhiều học sinh cho biết để được tham gia dự án, các bạn phải làm đơn xin gia nhập CLB, được gia đình chấp nhận, giáo viên chủ nhiệm duyệt, nhưng khâu khó nhất là phải lọt qua được “ải” phỏng vấn khắt khe của thầy Hải. Bởi CLB hoạt động trên tinh thần tự nguyện và đặt lợi ích cộng đồng lên hàng đầu nên bạn nào cũng thấy tự hào khi là thành viên CLB. “Tôi luôn dạy học trò hễ thấy rác các em cứ nhặt, không ai cười mình đâu. Bản thân người xả rác thấy người khác đi nhặt rác của mình sẽ tự mắc cỡ và ngày càng ý thức hơn”, thầy Hải hóm hỉnh bảo.
Rác không là đồ phế thải
Bạn Huỳnh Dương Băng Băng (lớp 10A1), thành viên CLB, chia sẻ: “Ngày đầu tụi em đi gom rác nhưng chợ không còn rác do người dân đã vứt hết xuống sông trước đó. Tuy nhiên, những ngày sau người dân đã chủ động gom rác lại và chờ học sinh của trường đến thu gom. Họ bắt đầu tiếp xúc với tụi em bằng những nụ cười và cử chỉ thân thiện, thay vì những cái nhìn xa lạ và hờ hững như trước đây”. Chị Nguyễn Thị Thu Ba, tiểu thương chợ Cái Côn, thổ lộ: “Khi thấy học sinh hằng ngày đi gom rác, nhiều người dân địa phương ngày càng có ý thức hơn trong việc bảo vệ môi trường, không vứt rác bừa bãi như trước đây”. Còn chị Nguyễn Thị Tươi, nhà cạnh Trường THPT An Lạc Thôn, vì đồng tình cách làm thiết thực của thầy trò CLB “Em yêu môi trường” đã không ngần ngại cho mượn phần đất vườn nhà mình làm nơi chứa rác và xử lý rác thải của dự án.
Ông Lê Văn Được, phó chủ tịch UBND xã An Lạc Thôn, cho biết dự án của thầy trò Trường An Lạc Thôn tận dụng rác thải, giữ gìn vệ sinh môi trường mang lại hiệu quả kinh tế, được chính quyền địa phương ủng hộ rất cao. Võ Tuấn Anh (lớp 10A2), một thành viên trong CLB, chia sẻ: “Ngoài góp phần bảo vệ môi trường, dự án còn muốn chuyển tải đến mọi người thông điệp: rác hữu cơ không phải là đồ phế thải mà sẽ mang lại hiệu quả kinh tế cho mọi người nếu biết tận dụng”.
Thầy Nguyễn Ngọc Hải cho biết ngoài việc xử lý rác thải hữu cơ, dự án còn đang xử lý rác thải trong nông nghiệp tạo thành phân hữu cơ, giúp bà con nông dân giảm tối đa chi phí mua phân bón. Tuy nhiên khó khăn lớn nhất của dự án hiện nay là thiếu kinh phí để mua trên chục thùng đựng rác đặt những nơi công cộng. Dự án cũng cần một xe đẩy rác giúp học sinh đỡ vất vả khi thu gom và vận chuyển về bằng tay như hiện nay. Phía giáo sư - viện sĩ Nguyễn Văn Hiệu cũng hứa sẽ vận động hỗ trợ thầy trò một phòng vi sinh để tự nghiên cứu, nuôi cấy những vi sinh vật đưa vào rác, thay thế chế phẩm biomix, sau đó cung cấp cho người dân địa phương với giá rẻ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận