Gia đình ông bà Haike Manning ở TP.HCM - Ảnh: C.Nhật |
Một trong những lý do chúng tôi quyết định sống ở Việt Nam là vì chúng tôi thấy rất rõ khát vọng vươn lên trong mỗi người con đất Việt, ai cũng luôn nỗ lực cải thiện cuộc sống của mình lẫn gia đình |
Ông Haike Manning |
Tình yêu Việt Nam trong hai người quá lớn nên ông đã cố gắng hát tròn vành rõ chữ bài nhạc Trịnh Hãy yêu nhau đi ngày chia tay đồng nghiệp, còn phu nhân Irene Ohler đã dày công nghiên cứu và viết Con gái Bà Triệu thế kỷ 21 - quyển sách khắc họa chân dung phụ nữ Việt. Ông bà đã dành cho Tuổi Trẻ một buổi trò chuyện thân tình giữa Sài Gòn - “mái nhà” mới của họ.
Muốn là một phần của bức tranh thú vị
* Câu hỏi đầu tiên xin dành cho bà. Irene, cuộc sống của bà hiện tại có phải là điều bà từng hình dung lúc còn nhỏ?
- Bà Irene Ohler: (Cười lớn) Câu hỏi thú vị quá. Tôi chưa từng hình dung mình sẽ có cuộc sống như hiện tại lúc nhỏ. Tôi chưa từng nghĩ có ngày mình sẽ đặt chân đến Việt Nam. Lúc nhỏ tôi thậm chí nghĩ rằng bản thân chưa từng nghe qua hai chữ Việt Nam.
* Đến sinh sống tại một nơi mà bản thân chưa từng nghĩ sẽ có ngày đặt chân tới, có lẽ điều đó rất đặc biệt.
- Bà Irene Ohler: Ồ, thật ra Haike và tôi đều từng đến Việt Nam du lịch trước khi chúng tôi quen nhau. Và sau này khi Haike với tôi ngồi lại, bàn về lựa chọn quốc gia mong muốn cho nhiệm kỳ kế tiếp của Haike thì Việt Nam ngay lập tức là quốc gia đầu tiên chúng tôi nghĩ đến. Có lẽ đó là do những trải nghiệm quá tuyệt vời mà chúng tôi có được trước đây tại Việt Nam.
* Và bây giờ ông bà quyết định sẽ sống lâu dài ở Việt Nam, điều này khá khó hiểu bởi thông thường người ta có khuynh hướng dời từ các quốc gia đang phát triển sang đã phát triển.
- Bà Irene Ohler: Thật ra chúng tôi không chắc sẽ ở TP.HCM quá lâu, chưa chắc 30 năm sau chúng tôi sẽ vẫn ở đây. Tôi đến từ thủ đô Vienna (Áo) và có cơ hội đặt chân đến nhiều vùng đất trên thế giới, nhưng ở Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng, tôi cảm nhận được sự năng động, náo nhiệt khiến tôi rất tin tưởng về tương lai nơi đây. Và chúng tôi mong muốn trở thành một phần của bức tranh thú vị đó, muốn góp phần để nó trở nên rực rỡ hơn, cũng như góp phần kết nối sâu đậm hơn nữa mối quan hệ giữa Việt Nam và New Zealand.
- Ông Haike Manning: Một trong những lý do chúng tôi quyết định sống ở Việt Nam là vì chúng tôi thấy rất rõ khát vọng vươn lên trong mỗi người con đất Việt, ai cũng luôn nỗ lực cải thiện cuộc sống của mình lẫn gia đình. Điều này tạo nên một nguồn năng lượng sống mạnh mẽ cũng như đem lại nhiều cơ hội cho đất nước và chính họ. Tôi đặc biệt ấn tượng với những người phụ nữ Việt, họ thật tháo vát và có khả năng chịu đựng, vượt khó hiếm thấy.
Nhiều tích cực hơn tiêu cực
* Nhưng tôi tin rằng việc thích nghi với cuộc sống ở Việt Nam của ông bà không hề dễ dàng, nhất là khoảng thời gian đầu chuyển đến.
- Bà Irene Ohler: Điều đó luôn xảy ra ở bất cứ nơi nào bạn đến, là phần tất yếu của sự dịch chuyển. Chúng tôi dĩ nhiên cũng gặp không ít vấn đề khi chuyển đến đây, như câu chuyện về thời tiết khác biệt hay văn hóa giao thông ở Việt Nam. Nhưng như tôi đã nói, nơi nào mà chẳng có vấn đề. Ở quốc gia đã phát triển sẽ có những vấn đề đặc thù của họ, hãy tin tôi. Và điều chúng tôi thấy là ở đây có nhiều điểm tích cực hơn tiêu cực.
Khi tôi đẩy xe đưa con đi dạo, tôi cảm nhận được một điều rất đặc biệt là tất cả, đúng vậy, tất cả người Việt mà chúng tôi gặp trên đường đều có khả năng khiến con trai tôi mỉm cười. Và đó dĩ nhiên là điều tốt đẹp nhất mà bạn có thể làm với một người mẹ. Tôi tin chắc mai này con trai tôi sẽ tin rằng thế giới là một nơi rất tươi đẹp bởi tất cả mọi người nó gặp từ nhỏ đã khiến nó hạnh phúc. Và tôi thậm chí tin rằng Việt Nam là một quốc gia tuyệt vời cho những đứa trẻ. Đây là điều tôi không cảm nhận được ở New Zealand hay Áo.
* Cuộc sống với quá nhiều sự di chuyển ắt hẳn không dễ dàng với bà và con trai?
- Bà Irene Ohler: Đúng vậy, với trẻ nhỏ thì điều đó không dễ dàng. Cá nhân tôi thì tập nghĩ theo hướng mỗi khi di chuyển là mình có cơ hội khám phá những điều mới mẻ, biết những con người và văn hóa mới... Mà tôi cũng muốn “khoe” xíu, thằng bé nhà tôi cứ y như là một cậu nhóc Hà Nội tóc vàng, nói tiếng Việt huyên thuyên. Điều đó mới đáng yêu làm sao. Trước đây mỗi khi thằng bé được đưa vào miền Nam thì nhiều người há hốc mồm khi thấy thằng bé nói tiếng Việt giọng Hà Nội chuẩn.
Cũng muốn trải lòng với bạn là do đặc thù công việc, Haike và tôi di chuyển rất nhiều theo nhiệm kỳ và nhiều người cho rằng chúng tôi đã quen với điều này. Nhưng điều này không thật sự đúng. Việc chuyển chỗ ở năm 20 tuổi đúng là đầy hào hứng, năm 30 tuổi thì vẫn tuyệt, nhưng khi bước vào tuổi 40 thì chúng ta chỉ muốn ổn định một nơi nào đó, chỉ muốn sự bình yên.
* Điều bà nhớ nhất về Hà Nội khi rời xa?
- Bà Irene Ohler: Là con người Hà Nội. Và bên cạnh đó Hà Nội là miền đất phảng phất sự sâu lắng, nét truyền thống và nhiều cảnh đẹp. Tôi đến từ một thành phố cổ của Áo nên có sự đồng cảm lớn với Hà Nội. Nhưng may là TP.HCM và Hà Nội không xa là bao.
Bà Irene Ohler - Ảnh: NVCC |
Không cần phi thường để trở nên đặc biệt
* Chúc mừng bà vì 4.000 “đứa con tinh thần” mà bà là đồng tác giả đã được độc giả đón nhận nồng nhiệt. Trong 20 gương mặt nữ giới Việt mà bà đã gặp và giới thiệu trong sách, bà ấn tượng với nhân vật nào nhất?
- Bà Irene Ohler: Xin cảm ơn bạn và phải thú nhận thật sự rất khó để tôi có thể trả lời câu hỏi này. Tôi đã dành rất nhiều thời gian để gặp gỡ, trò chuyện và lắng nghe khi viết cuốn sách này. Và khi chúng tôi ngồi xuống, trải lòng cùng nhau thì tôi nhận ra ai nấy đều rất tuyệt vời, rất riêng theo cách của họ... Ai cũng khiến tôi vô cùng ngưỡng mộ.
* Nhưng trong 20 gương mặt đó, có những người không hề nổi tiếng.
- Bà Irene Ohler: Bởi vì với tôi, có một điều rất quan trọng là bạn không cần phải nổi tiếng hay phi thường để có những câu chuyện thú vị, khó quên trong đời hay để tạo ra giá trị cho xã hội. Tôi luôn tin ở sâu thẳm trong chúng ta nói chung, trong phụ nữ nói riêng, tiềm ẩn những điều tuyệt diệu, như kỹ năng lãnh đạo và sự cống hiến. Và với tôi, sự giàu có chưa từng là thước đo của thành công.
Đây không phải là quyển sách với thông điệp đây là 20 người phụ nữ Việt mà bạn bắt buộc phải biết. Thông điệp của quyển sách là về sự đa dạng của cuộc sống, tiềm năng to lớn của con người, của phụ nữ Việt. Tôi muốn nhấn mạnh rằng bạn không phải nổi tiếng, giàu có để trở nên tuyệt vời.
* Bà viết nhiều về những điểm tốt của người phụ nữ Việt, nhưng có chăng một điểm gì đó mà bà muốn góp ý?
- Bà Irene Ohler: Tôi không có lời khuyên hay góp ý gì bởi chúng ta đến từ những nền văn hóa khác nhau, nhưng tôi thường nghĩ mãi về một điều ở họ. Tôi cảm nhận phụ nữ Việt thường phải cân đối giữa hai “nguồn lực” vô hình, một là lực đẩy họ ra ngoài xã hội để khẳng định năng lực không thua kém nam giới, nhưng đồng thời một lực kéo khác (do văn hóa, truyền thống... mà tôi cảm nhận khá rõ tại Việt Nam) buộc họ vào những áp lực của việc nhà như trách nhiệm làm vợ, làm mẹ... Những áp lực này quá lớn nên khiến nhiều người căng thẳng. Và điều này cũng sẽ làm mất đi nhiều nhân tài, lãnh đạo nữ giới.
Hiện tôi biết Việt Nam có nhiều lãnh đạo cấp cao là nữ giới trong các lĩnh vực từ chính trị đến kinh tế, đó rõ ràng là tín hiệu đáng mừng. Nhưng tôi tin đất nước các bạn sẽ có nhiều lãnh đạo nữ hơn nếu những “rào cản” vô hình trên không còn nữa. Có một nhân vật trong quyển sách của tôi có câu nói rất hay: “Bạn không nhất thiết phải là một người phụ nữ hoàn hảo nhất. Bạn chỉ cần nỗ lực tốt nhất trong mức có thể”.
Một câu chuyện khắc sâu trong tâm trí - Ông Haike Manning: Năm ngoái, khi còn là đại sứ, tôi có chuyến thăm một dự án phát triển được New Zealand tài trợ tại tỉnh Cao Bằng. Trong dự án đó có bao gồm việc xây dựng một trường tiểu học tại một khu vực xa xôi, hẻo lánh. Khi đến ngôi trường, chúng tôi được lũ trẻ ùa ra chào đón nồng nhiệt và trao tặng những bó hoa dại ôm không xuể. Phụ huynh của các em không giấu được sự rạng ngời trong đôi mắt khi cho chúng tôi biết rằng con của họ giờ đã được đi học, điều mà trước giờ các em không thể có bởi đường núi quá xa xôi, hiểm trở. Cũng trong chuyến đi đó, chúng tôi được gặp những người nông dân từng rất nghèo khổ. Thông qua những chương trình hỗ trợ, đào tạo ngắn hạn của chúng tôi mà họ đã phần nào cải thiện cuộc sống, đã có tiền mua thuốc khi con bệnh, mua sách cho chúng đi học. Những điều này nhắc tôi nhớ một điều rằng có những hỗ trợ tưởng chừng rất nhỏ nhưng có thể đem lại những sự thay đổi lớn cho người khác nếu chúng ta thật sự đồng lòng sát cánh. |
Ấp ủ nhiều dự án cho Việt Nam
Cựu đại sứ Haike Manning hiện đang thực hiện các dự án thúc đẩy giáo dục, kỹ thuật và đầu tư giữa Việt Nam và New Zealand, cụ thể là ở khu vực TP.HCM. Ông từng công tác tại nhiều quốc gia trước khi đến nhận nhiệm vụ tại Việt Nam. Bà Irene Ohler sinh ra tại Áo và có 20 năm công tác trong lĩnh vực phát triển kỹ năng lãnh đạo. Bà từng đặt chân đến nhiều quốc gia như Brazil, New Zealand và Trung Quốc trước khi cùng chồng đến sinh sống tại Việt Nam. Bà là sáng lập viên iglobal Coaching ltd., công ty cung cấp các chương trình đào tạo kỹ năng lãnh đạo tại New Zealand. Tại Việt Nam, bà là đồng sáng lập dự án “The Women’s Story Telling Salon”, nơi những người phụ nữ có thể chia sẻ cùng nhau câu chuyện của mình. Hiện gia đình ông bà đang sinh sống tại quận 2 (TP.HCM). |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận