Rau củ quả Đà Lạt được bày bán tại một siêu thị trên phố Thụy Khuê (Hà Nội) - Ảnh: Nguyễn Khánh |
Thị trường Hà Nội và các tỉnh lân cận tiêu thụ khoảng 700 tấn nông sản mỗi ngày, trong đó có đến 200 tấn nông sản không đảm bảo chất lượng của Trung Quốc, nhưng chỉ có 50 tấn nông sản Đà Lạt đạt chuẩn an toàn chen chân ở thị trường này.
Chúng tôi đang có 17.000ha đất trồng rau với sản lượng 2,3 triệu tấn/năm. Ngoài ra, chúng tôi đang sở hữu công nghệ mở rộng diện tích canh tác theo chiều cao, trồng nông sản trên giàn trong giá thể... nên không sợ thiếu rau cung cấp, chỉ lo thị trường tiêu thụ |
Ông Nguyễn Văn Yên |
Đây là thông tin được đưa ra tại hội nghị kết nối giao thương Lâm Đồng - Hà Nội diễn ra ở Hà Nội ngày 30-10. Nhiều ý kiến tại hội nghị cho rằng hoàn toàn có thể dùng nông sản sạch của Đà Lạt đánh bật nông sản kém chất lượng của Trung Quốc nếu các doanh nghiệp lớn và tiểu thương cùng vào cuộc.
Nhiều khoảng trống nhưng khó chen chân
Phát biểu tại hội nghị, ông Vũ Tiến Lộc, chủ tịch Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI), chia sẻ chuyện mua rau với người Hà Nội không dễ như chuyện... đi chợ bởi không dễ tìm mua được rau sạch.
Để tự bảo vệ sức khỏe, nhiều người dân Hà Nội hiện phải trồng rau khắp nơi trong nhà, trên sân thượng để dùng trong gia đình như thời... bao cấp. Trong khi đó dù xuất khẩu đi 10 nước trên thế giới, nhưng vựa rau sạch tại Lâm Đồng lại để trống thị trường Hà Nội.
Theo ông Lộc, xuất khẩu là một chuyện, nhưng mở cửa được thị trường Hà Nội mới là lối thoát cho khủng hoảng thừa nông sản ở Lâm Đồng bởi thị trường trong nước dễ chinh phục hơn và người dân Hà Nội cũng được lợi.
“Phải có nông sản tươi ngon ra Hà Nội mới tính tiếp chuyện đánh bật nông sản Trung Quốc - vốn là nỗi lo ngại của nhiều người. Nhưng muốn tìm rau Đà Lạt tại Hà Nội khó quá, nhiều người quen của tôi phải nhờ bạn bè tại Đà Lạt mua rồi chuyển ra Hà Nội” - ông Lộc nói.
Giải thích lý do bỏ trống thị trường Hà Nội, ông Nguyễn Công Thừa, tổng giám đốc Hợp tác xã Anh Đào, cho biết các cơ quan thương mại tại Hà Nội chưa liên kết với nhà sản xuất ở Lâm Đồng nên nông sản từ địa phương này chuyển ra Hà Nội manh mún, lẻ tẻ, chủ yếu là đặc sản. “Đường vận chuyển quá dài, cước phí cao nên rất khó cạnh tranh với nông sản Trung Quốc, chưa kể công nghệ bảo quản tại Hà Nội chưa phát triển nên các doanh nghiệp sợ rủi ro khi ra thị trường này” - ông Thừa nói.
Ngoài ra, theo ông Lộc, đa số doanh nghiệp có tiềm lực lớn tại Hà Nội vẫn đang mải mê đầu tư ở những lĩnh vực lợi nhuận tức thời cao như nhà đất, chứng khoán... mà bỏ quên ngành sản xuất nông sản.
“Muốn thắng được nông sản Trung Quốc ngay tại Hà Nội cần phải có doanh nghiệp thương mại lớn tham gia hình thành các chuỗi liên kết. Chẳng hạn doanh nghiệp tại Hà Nội lo thị trường, trong khi nhà cung ứng ở Đà Lạt lo nguồn nông sản sạch. Khi đó người tiêu dùng Hà Nội và người sản xuất Đà Lạt đều hưởng lợi” - ông Lộc đề xuất.
Mời tiểu thương kinh doanh rau sạch
Theo ông Nguyễn Văn Yên - phó chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, địa phương này đang nỗ lực thúc đẩy doanh nghiệp liên kết bởi sản lượng sản phẩm ngày càng tăng trong khi đang thiếu thị trường tiêu thụ.
“Chúng tôi đang có 17.000ha đất trồng rau với sản lượng 2,3 triệu tấn/năm, nhưng một nửa diện tích này chưa liên kết sản xuất lớn do thị trường phía Bắc còn chưa mở. Ngoài ra, chúng tôi đang sở hữu công nghệ mở rộng diện tích canh tác theo chiều cao, trồng nông sản trên giàn trong giá thể... nên không sợ thiếu rau cung cấp, chỉ lo thị trường tiêu thụ” - ông Yên nói.
Ông Nguyễn Tiến Vượng, phó tổng giám đốc Công ty CP Thương mại Hà Nội, khẳng định hệ thống vài chục cửa hàng của doanh nghiệp này sẵn sàng liên kết với doanh nghiệp cung ứng tại Đà Lạt để phân phối nông sản an toàn Đà Lạt.
Tuy nhiên, muốn nông sản sạch tiếp cận được người tiêu dùng cần phải có sự tham gia của kênh chợ truyền thống và đầu mối bởi phần lớn nông sản Trung Quốc được nhập về chợ đầu mối.
“Phải kéo được tiểu thương chợ đầu mối tham gia mới mong phổ biến được nông sản sạch nói chung và nông sản sạch xuất xứ Đà Lạt nói riêng” - ông Vượng khẳng định. Chia sẻ quan điểm này, bà Nguyễn Thị Thu Thủy, phó chủ tịch Hiệp hội Phát triển hàng tiêu dùng VN, cho rằng cơ quan chức năng Hà Nội cần nắm chợ đầu mối, cụ thể là chợ Long Biên, áp dụng biện pháp truy nguyên xuất xứ nông sản.
“Nếu thương lái chợ đầu mối nhập nông sản không đúng với hóa đơn, hợp đồng sẽ bị xem là làm hàng giả” - bà Thủy đề xuất.
Theo bà Thủy, việc không cho nông sản Trung Quốc vào chợ nông sản Đà Lạt như Lâm Đồng đang thực hiện là một giải pháp, nhưng vẫn còn kẽ hở bởi người kinh doanh có thể làm giả nông sản Đà Lạt bên ngoài chợ nông sản Đà Lạt rồi chuyển đi khắp nơi, gây ảnh hưởng đến uy tín của thương hiệu này.
“Nếu áp dụng các biện pháp mạnh, truy xuất nguồn gốc để loại nông sản kém chất lượng của Trung Quốc tại các chợ đầu mối chắc chắn ban đầu tiểu thương sẽ phản ứng, nhưng đây là việc làm cần thiết để bảo vệ người tiêu dùng và có lợi cho tiểu thương, người sản xuất về lâu dài” - ông Lộc nói.
Ông Nguyễn Văn Yên (phó chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng): Sẽ có dấu hiệu nhận diện hàng Đà Lạt Chúng tôi đang xây dựng nhãn mác, bao bì chung cho nông sản Đà Lạt và chỉ nông sản sản xuất tại Đà Lạt mới được dùng nhãn mác, bao bì này. Ngoài ra, Lâm Đồng cũng sẽ phối hợp với cơ quan chức năng các tỉnh đang là đầu mối phân phối nông sản Đà Lạt triển khai chương trình nhận diện thương hiệu nông sản Đà Lạt, để người tiêu dùng chỉ cần nhìn bao bì, nhãn hàng là biết sản phẩm của Đà Lạt. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận