Tham dự lễ ra mắt có trung tướng Lê Hồng Nam, giám đốc Công an TP.HCM; ông Nguyễn Hữu Hiệp, bí thư Thành ủy TP Thủ Đức; đại tá Hoàng Ngọc Huynh, phó cục trưởng Cục Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (C07) Bộ Công an, cùng đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành, UBND quận, huyện và TP Thủ Đức...
Tham dự lễ ra mắt còn có ông Park Hang Seo, cựu huấn luyện viên trưởng đội tuyển bóng đá Việt Nam, cố vấn của Hiệp hội Giáo dục an toàn Hàn Quốc.
Trung tướng Lê Hồng Nam cho biết Trung tâm giáo dục cộng đồng về phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ được thành lập nhằm hình thành một địa điểm để phổ biến, hướng dẫn kiến thức pháp luật về phòng cháy chữa cháy, cứu nạn cứu hộ, kỹ năng xử lý, thoát nạn khi có tình huống cháy, nổ, sự cố, tai nạn xảy ra.
Đây là nơi để người dân, học sinh, sinh viên có thể thường xuyên, liên tục được nghiên cứu, tìm hiểu, học tập nhằm nâng cao kiến thức, kỹ năng đảm bảo an toàn, phòng ngừa sự cố, tai nạn...
Trước đó, tại buổi làm việc về thí điểm thành lập trung tâm, đại diện các đơn vị Cục C07, Công an TP.HCM và Hiệp hội Giáo dục an toàn Hàn Quốc tại Việt Nam (đơn vị hỗ trợ trang thiết bị) đã thống nhất chọn đặt trung tâm tại số 254 Trần Hưng Đạo, quận 1 để lắp đặt, bố trí các trang thiết bị trải nghiệm.
Công an TP.HCM đã phân công rõ trách nhiệm cho từng công an các đơn vị trong việc triển khai thực hiện kế hoạch, xây dựng phương án đảm bảo an ninh trật tự, phân luồng giao thông. Xây dựng quy trình vận hành và tổ chức hoạt động của trung tâm.
Trung tâm sẽ đi vào hoạt động thí điểm trong thời gian 6 tháng vào các ngày thứ bảy, chủ nhật hằng tuần.
Theo trung tướng Lê Hồng Nam, thống kê của Công an TP.HCM trong 5 tháng đầu năm 2024, trên địa bàn TP xảy ra 234 vụ cháy, làm chết 10 người, bị thương 4 người. So sánh cùng kỳ năm 2023 không tăng/không giảm về số vụ cháy, tăng 8 người chết, giảm 1 người bị thương.
Một số địa bàn hành chính xảy ra cháy nhiều, gồm TP Thủ Đức (28 vụ), quận 12 (23 vụ), quận Gò Vấp (15 vụ), huyện Bình Chánh (14 vụ). Loại hình xảy ra cháy chủ yếu là nhà ở riêng lẻ và nhà ở kết hợp sản xuất kinh doanh (chiếm 131/234) và công ty doanh nghiệp (chiếm 38/234 vụ).
Theo phân cấp quản lý về phòng cháy chữa cháy, trong tổng số 234 vụ cháy xảy ra, có trên 65% các vụ cháy xảy ra tại các loại hình đối tượng thuộc UBND cấp xã quản lý (155/234 vụ).
Trên cơ sở đánh giá về tình hình cháy nêu trên cho thấy trong thời gian qua, tình hình cháy đang diễn biến theo chiều hướng phức tạp qua các tiêu chí cơ bản, đó là: số vụ cháy lớn, cháy gây thiệt hại nghiêm trọng tăng so với cùng kỳ năm 2023 (tăng 5 vụ); thiệt hại về người tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2023 (tăng 8 người chết).
Trong số 8 vụ cháy lớn, vụ cháy gây thiệt hại nghiêm trọng nêu trên thì có đến 7/8 vụ cháy gây thiệt hại nghiêm trọng về người tại nhà ở riêng lẻ (là đối tượng do UBND cấp xã thực hiện công tác quản lý về phòng cháy chữa cháy).
"Qua phân tích nguyên nhân dẫn đến các vụ cháy gây thiệt hại nghiêm trọng về người, chúng tôi thấy nổi lên có nguyên nhân do người dân chưa được trang bị kỹ năng phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ, đặc biệt là các kỹ năng đảm bảo an toàn, phòng ngừa sự cố cháy, nổ, tai nạn; kỹ năng chữa cháy và thoát nạn khi có cháy nổ xảy ra", trung tướng Lê Hồng Nam phát biểu.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận