21/06/2020 17:55 GMT+7

'Thầy ơi, sân bóng chuyền này đánh quá đã!'

DUY THANH
DUY THANH

TTO - "Tôi làm sân bóng này chỉ mong mỏi giới trẻ, nhất là những học sinh lớp 9, cấp III và bạn trẻ ở địa phương tham gia tập luyện thể thao, nâng cao thể trạng thể chất".

Thầy ơi, sân bóng chuyền này đánh quá đã! - Ảnh 1.

Sân bóng chuyền miễn phí “Thầy Vũ” luôn rợp mát bóng cây, nhiều tiếng chim, đông cầu thủ - Ảnh: DUY THANH

Thầy Phạm Ngọc Vũ, 36 tuổi, giáo viên thể dục ở Trường THPT Lê Lợi (huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên), tâm sự bên sân bóng sôi nổi.

Đi hỏi mượn đất có địa thế đẹp rồi tự mình làm sân bóng chuyền cho học sinh, thanh niên địa phương chơi. Sáng chế dụng cụ hỗ trợ tập luyện bóng chuyền áp dụng vào giảng dạy. 

Thầy Vũ "trần tình": "Nếu huy động các em cùng làm thì sân bóng chuyền này nhanh hơn, nhưng tôi thích tự tay mình làm như một thử thách cho chính bản thân, đó mới là niềm vui". Ngoài chuyện sức khỏe, thể chất cho đám trẻ thì thầy Vũ còn hi vọng từ đây bóng chuyền học đường, bóng chuyền trẻ của huyện Đồng Xuân có thành tích tốt hơn.

Sân chơi bổ ích

"Thằng Nhân chuyền hai tốt quá, "mơn" bóng trái nào thì thằng Long, thằng Huy đều đập trúng phóc". "Sân này mát quá, đánh từ xế chiều đến tối không có chút nắng, lại gần sông nên không khí dễ chịu mà la hét thoải mái cũng không ảnh hưởng tới ai"... Đó là những câu "bình phẩm" của khán giả bên ngoài sân, trong khi các cầu thủ trong sân của trận giao hữu giữa hai đội THPT Lê Lợi (huyện Đồng Xuân) và THPT Trần Phú (huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên) diễn ra đầy hào hứng, hấp dẫn. 

Sau trận bóng, Nam - một học sinh ở Trường THPT Trần Phú - chạy lại nói với thầy Vũ: "Sân bóng chuyền này đánh quá "đã", tuần sau xin phép thầy Vũ cho tụi em lên đánh giao lưu với các bạn Trường THPT Lê Lợi nữa nghen thầy". "OK thôi. Có tụi em lên thi đấu giao lưu thì càng vui và hấp dẫn hơn chứ, thầy rất mừng" - thầy Vũ trả lời.

Ít ai ở khu phố Long Thăng (thị trấn La Hai, huyện Đồng Xuân) nghĩ rằng cồn đất rộng 500m2, cây cối, cỏ dại mọc um tùm ở khu Bàu Sen giữa đồng, gần con sông Cái chảy qua lại có ngày trở thành một sân bóng chuyền thu hút đông học sinh, bạn trẻ địa phương như vậy. Người ta còn ngạc nhiên hơn khi biết "công trình" này chỉ một tay thầy giáo trẻ 36 tuổi Phạm Ngọc Vũ làm.

Từng là cầu thủ đội bóng chuyền huyện Đồng Xuân, hiện là giáo viên dạy thể dục của Trường THPT Lê Lợi, thầy Vũ muốn chuyển niềm đam mê bóng chuyền của mình cho học sinh cuối cấp II, cấp III ở huyện Đồng Xuân và các bạn trẻ mê thể thao ở địa phương. Nhưng sân bóng chuyền thường được xây dựng ở các trường học, cơ quan... nên việc chơi bóng của học sinh và thanh niên gặp khó vì bó buộc trong khoảng thời gian nhất định. 

"Làm một sân bóng chuyền cho các em luyện và chơi vào bất kỳ lúc nào rảnh rỗi, không ảnh hưởng tới mọi người xung quanh là niềm ấp ủ từ lâu và thôi thúc tôi phải thực hiện cho được" - thầy Vũ kể.

Nghĩ là làm. Đi nhiều nơi ở thị trấn La Hai tìm đất, cuối cùng thầy Vũ chọn được cồn đất cây cối um tùm bỏ hoang ở Bàu Sen, cách biệt với các khu dân cư khoảng 1km. Nghe Vũ mở lời mượn đất làm sân bóng chuyền cho "lũ trẻ", chủ đất là người chú họ của thầy Vũ đồng ý ngay và cho mượn... vô thời hạn. Hằng tuần, vào thứ bảy và chủ nhật, thầy Vũ dành hết thời gian để mang rựa, cuốc, trang... đến cồn đất dọn sạch cây cỏ tạp, ban đất cho bằng phẳng. 

Thầy Vũ thuê xe ben chở cát sông lên, rồi dùng xe cút kít một mình đẩy - đổ làm nền sân bóng cho "êm". Rồi tự tay thầy Vũ mua ống tuýp sắt, mượn cơ sở gò hàn của người anh để làm trụ giăng lưới, bỏ tiền túi mua lưới giăng xung quanh sân để bóng khỏi bay ra ngoài. Một tháng trời một mình hì hục, "từng bước từng bước thầm", sân bóng chuyền "Thầy Vũ" hoàn thành.

Yêu lao động, mê sáng tạo

3 năm trước, thầy Vũ sáng chế ra dụng cụ hỗ trợ tập luyện bóng chuyền và áp dụng vào giảng dạy tại Trường THPT Lê Lợi. Dụng cụ này hỗ trợ đưa bóng lên phễu thả rơi xuống thay cho vị trí chuyền hai, từ đó cầu thủ bên dưới đập bóng đúng tầm, chính xác. Thầy Vũ cũng chế tạo dụng cụ vẽ sân bóng đá, bóng chuyền, cầu lông, đá cầu, sân thi bằng lái xe... nhanh chóng, đơn giản. 

Thầy Hoàng Xuân Lượng - hiệu trưởng Trường THPT Lê Lợi - nói về đồng nghiệp: "Thầy Vũ là một bí thư Đoàn trường năng nổ, một giáo viên năng động và nhiều sáng tạo áp dụng vào công tác giảng dạy cũng như thực tiễn cuộc sống".

Năm 2018, thầy Vũ đoạt giải thưởng "Khởi nghiệp" của Hội Doanh nhân trẻ Phú Yên cho sản phẩm "Chiếc nôi di động" tự tay thầy làm, ban đầu phục vụ cho cô con gái cưng, sau đó nhiều nơi đặt hàng. "Nhưng làm tới khoảng 100 cái thì tôi đuối sức, không làm được nữa vì không có thời gian, mà làm toàn bằng thủ công nên rất mệt" - thầy Vũ phân trần. 

Người thầy giáo trẻ này cũng sáng chế tàu lượn siêu tốc, bể bơi màu sắc, giường hai tầng kèm cầu trượt... để phục vụ hai cô con gái nhỏ của anh và những bé thơ hàng xóm...

Năm 2019, thầy Vũ dành ra thời gian rảnh rỗi trong 2 tháng để miệt mài "chế tạo" chiếc xe có hình dáng như "xe đua F1" để chở hai cô con gái chạy trong đường làng dạo mát mỗi chiều. Thầy Vũ mua ống sắt về tự cắt, hàn, gò; mua máy của xe Wave cũ người ta bỏ phế liệu đem về sửa chữa, lắp đặt thêm hệ thống lùi; hai bánh sau của "xe đua" là bánh càng trực thăng cũ do cha thầy Vũ mua về "bỏ xó" mấy chục năm... Sau thời gian dài hì hục với bao nhiêu thất bại, cuối cùng chiếc xe cũng chạy được.

Niềm tự hào của địa phương

20200620 xe dua (read-only)

“Xe đua F1” do thầy Phạm Ngọc Vũ chế tạo - Ảnh: DUY THANH

Ông Nguyễn Hữu Từ - chủ tịch UBND huyện Đồng Xuân - không giấu niềm vui khi nói về cậu học trò từng học THPT của mình: "Vũ là một trong những người nhiệt huyết, thúc đẩy phong trào thể dục thể thao của huyện Đồng Xuân, khơi gợi niềm đam mê thể thao trong học sinh và giới trẻ. Những dịp đại hội thể dục thể thao và Hội khỏe Phù Đổng cấp huyện, Vũ là người đạo diễn các màn xếp hình người và chương trình đồng diễn rất ấn tượng. Hiếm có một thầy giáo trẻ nào đa năng như vậy và Vũ chính là niềm tự hào của địa phương chúng tôi".

Quay trở lại sân bóng chuyền của thầy Vũ, Cao Huy, một học sinh Trường THPT Lê Lợi, nhận xét: "Khó có cái sân bóng chuyền nào hay như vậy. Sân được bao bọc chung quanh bởi những cây dầu, cây thầu đâu hàng chục năm tuổi cao lớn, che bóng mát rợp, đầy tiếng chim kêu. Sân gần sông nên gió mang hơi nước lên mát lạnh. Nơi này cũng xa dân cư nên tụi em la hét thoải mái, phấn khích, nhưng không gây ảnh hưởng tới ai. Thầy Vũ làm sân cho tụi em chơi miễn phí, lại còn làm huấn luyện viên nhiệt thành, thầy thật tuyệt!".

Cô gái sáng tạo ra dòng tranh dây đồng, chỉ truyền nghề cho người khuyết tật Cô gái sáng tạo ra dòng tranh dây đồng, chỉ truyền nghề cho người khuyết tật

TTO - Nguyễn Nhật Minh Phương (33 tuổi) được tổ chức Guinness Việt Nam xác lập kỷ lục người làm tranh dây đồng đầu tiên của Việt Nam. Từ niềm đam mê với dây đồng, cô đã sáng tạo ra một dòng tranh mới và chỉ truyền nghề cho người khuyết tật.

DUY THANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên