TTCT - ... Và quan trọng hơn, tương lai học trò của tôi là hạnh phúc mà em được đón nhận, là niềm tin và sự yêu thương vào những người thầy khác... Minh họa: Ry Nguyễn Tôi tình cờ gặp lại T., học trò cũ, trong một hội thảo ngành. Em đang làm việc trong một cơ quan chuyên trách các vấn đề xã hội, bảo vệ phụ nữ và trẻ em của địa phương. Em là một trong những diễn giả được mời đến nói chuyện về đề tài phòng chống xâm hại tình dục trẻ em cho các thầy cô giáo. Bất ngờ vì em chọn công việc này, nhưng tôi biết em sẽ làm trọn vai trò của mình. Thời học ở trung học cơ sở, T. là nữ sinh rất ngoan và năng động. Em được bầu vào ban chỉ huy liên Đội của trường. Ngoài việc học, luôn tích cực trong các hoạt động văn nghệ, thể dục thể thao, lại xinh xắn nên T. được bạn bè và thầy cô dành nhiều thiện cảm. Nhà trường có phân công một số thầy cô cùng tham gia hướng dẫn các em hoạt động. Trong số đó có thầy V., giáo viên trẻ tuổi nghề lẫn tuổi đời. Thầy có nhiều tài lẻ như hát, múa, đá bóng lại khéo tay vẽ vời nên học sinh rất thích. Những ngày nghỉ, thầy thường tổ chức gặp gỡ, cùng các em đi đây đó. T. luôn có mặt cùng các bạn. Có những lúc T. thấy tự hào vì luôn được thầy V. ưu ái chân tình chỉ bảo mọi việc, nên công việc nào em cũng đều hoàn thành tốt. Ở lớp thầy luôn hỏi han, giải thích cho T. phần kiến thức nào em chưa rõ. Vì vậy T. xem thầy là thần tượng. Tuổi đang lớn, T. cũng có ý thức ít nhiều về giới tính, nhưng những cử chỉ trên mức thân mật của một người thầy không làm em e ngại gì cả. Đồng nghiệp cũng nhận ra sự thân mật trong mối quan hệ thầy - trò kia là “sao sao ấy”, nhưng cứ tặc lưỡi cho rằng thầy trò đều trẻ trung nên mối quan hệ không như khuôn mẫu của lớp giáo viên già cũng là bình thường. Chẳng ai nhắc nhở. Một hôm lớp học chỉ có bốn tiết, tôi là người dạy tiết cuối, T. rụt rè nói với tôi rằng em có một chuyện rất quan trọng muốn nghe ý kiến của tôi. Hồi đó trường không có phòng tư vấn gì cả, tôi cùng em đến thư viện giống như tôi thường tới đó giảng lại bài cho những em nào chưa hiểu vậy. Yên lặng hồi lâu, T. mới kể cho tôi biết sự việc khó khăn của mình. Chuyện xảy ra khi thầy V. đến thăm nhà em. Cha T. đã mất từ khi em còn nhỏ. Mẹ làm tạp vụ trong một cơ quan, hay nhận thêm việc dọn dẹp ở gia đình các cô chú trong cơ quan sau giờ hành chính để kiếm thêm tiền trang trải nuôi con. T. suốt ngày chỉ có đến trường lo việc học nên mẹ con ít có dịp trò chuyện cùng nhau. Lần nào đến thăm, thầy V. cũng tặng chút quà không có giá trị tiền bạc gì lớn nên em vui vẻ nhận. Nơi gia đình em ở phần lớn là người lao động nên ban ngày rất vắng, không ai để ý việc thầy V. hay tới thăm em. T. cũng không kể gì với mẹ về việc này. Cho đến một hôm, thầy V. đến thăm và bất ngờ ôm lấy T., còn dùng lời nói để trấn an T. và hứa đáp ứng bất cứ điều gì T. muốn... Đến lúc này T. mới biết sợ. Em quyết liệt xô tay thầy V. ra và lớn tiếng phản đối hành động của thầy: “Thầy! Dừng lại!”. Thầy V. buông em ra và nói rằng chỉ đùa rồi ra về. Những tiết học sau đó T. rất sợ khi nhìn thấy thầy V. trên lớp, chỉ muốn bỏ học nhưng sợ mẹ biết lại buồn. Tôi khuyên em bình tĩnh, không được bỏ học. Trước mắt là hạn chế tiếp xúc với thầy V., nhất là khi chỉ có một mình. Tuyệt đối không tiếp khi thầy V. đến nhà. Nếu thầy đến phải lập tức nhờ người lớn gần đó có mặt cùng em. Việc làm của thầy V. tôi sẽ tìm cách giải quyết sau. “Nếu còn điều gì băn khoăn, em cứ đến gặp tôi bất cứ lúc nào” - tôi tìm cách trấn an em. Tôi nhìn thấy sự tin tưởng em gửi gắm cho tôi trong đôi mắt ngấn nước. Tôi quyết phải giúp em thoát ra khỏi sự sợ hãi này để trở lại cuộc sống hồn nhiên của tuổi học trò và có được niềm tin vào những người thầy của mình. May mắn là T. chưa bị xâm hại nặng nề, nhưng vết thương trong tâm hồn em không dễ gì lành. Muốn làm mờ vết thương đó thật không dễ dàng. Tôi tìm cách gặp thầy V.. Ban đầu thầy không thừa nhận gì cả, kể cả việc thầy hay đến nhà học trò lúc vắng người. Tôi nói với thầy V. rằng việc học sinh nữ mới lớn có những việc làm thể hiện sự yêu thích thầy giáo của mình hoàn toàn không phải là tình cảm của người đã trưởng thành. Hành động của thầy mang lại hậu quả vô cùng nặng nề cho cá nhân thầy và làm tổn thương đến cuộc đời của T.. Nếu gia đình T. tố cáo với cơ quan pháp luật, thầy sẽ gánh chịu hình phạt thích đáng. Nghe tôi nói xong, thầy V. tỏ vẻ hối hận vì việc đã làm. Thầy nói chỉ vì trong một lúc thiếu kiềm chế, thầy đã hành xử sai trái. Việc thầy bỏ về khi bị T. phản ứng cũng có một phần thầy thấy xấu hổ nên không dám ở lại hay quyết tâm phạm tội đến cùng. Những ngày sau đó, khi lên lớp thầy cũng không dám nhìn mặt T.. Thầy cũng chấp nhận hậu quả nếu sự việc bị đưa ra trước pháp luật. Thầy nhờ tôi chuyển lời xin lỗi đến T. vì thầy đã không giữ trọn tư cách người thầy. Thầy V. còn trẻ, lại là người có năng lực, sai lầm của thầy còn có thể sửa chữa, tôi nghĩ nên cho thầy cơ hội khắc phục sai lầm. Nếu đưa vụ việc ra trước pháp luật, tất nhiên thầy V. sẽ bị nghiêm trị. Nhưng T. có thể sẽ bị khủng hoảng về tâm lý nặng nề hơn trước con mắt thế gian. Em và mẹ liệu có chịu nổi tổn thương này hay không? Tôi còn phải giúp em lấy lại niềm tin vào người thầy vì chặng đường học tập trong tương lai của em còn dài. Tôi yêu cầu thầy V. phải thật sự sửa chữa, không được tái phạm điều sai trái đã làm. Tôi sẽ công khai tội lỗi của thầy nếu thầy tiếp tục tái phạm. Thầy đồng ý. Những ngày sau đó, tôi luôn khuyến khích T. học tập và tham gia hoạt động ở nhà trường. T. dần dần có được niềm vui. Em cũng nhận ra là học sinh nữ thì cần phải giữ khoảng cách thầy trò. Suốt những năm học sau, tôi tự cho mình có bổn phận phải giám sát thầy V. và nhận thấy thầy thật sự hối lỗi. Mối quan hệ của thầy với học sinh rõ ràng, nghiêm túc hơn xưa. Thầy bày tỏ thật sự hối hận về chuyện đã làm, xem đó là bài học suốt đời cho mình. Có thể mọi người cho rằng tôi đã quá dễ dãi, bỏ qua một tội ác, không trừng phạt thủ phạm. Nhưng tôi tin chẳng có biện pháp trừng phạt nào hay hơn một giải pháp mang tính xây dựng. Linh cảm của tôi trong chuyện này có thể đúng, có thể sai khi đặt niềm tin vào người thầy giáo trẻ. Nhưng với những gì tôi chứng kiến, tôi nghĩ mình đã giúp được một con người vấp ngã vượt qua khó khăn. Và quan trọng hơn, tương lai học trò của tôi là hạnh phúc mà em được đón nhận, là niềm tin và sự yêu thương vào những người thầy khác.■ Tags: Xâm hại tình dụcTình dục trẻ emXâm hại trẻ emThầy ơi dừng lại
Học toán trong thời đại AI: Ta cần nghĩ tới những điều mình có thể giúp người khác KHỔNG LOAN 19/12/2024 2011 từ
Tinh gọn bộ máy: Phải có 'đường chạy' nhất quán CAO VŨ MINH (TRƯỜNG ĐH KINH TẾ - LUẬT) 18/12/2024 1788 từ
Chỉ còn 18% viên chức Đại học Quốc gia TP.HCM nhận lương từ ngân sách TRẦN HUỲNH 23/12/2024 Đại học Quốc gia TP.HCM tinh giản biên chế gần 10 năm qua với số viên chức nhận lương từ ngân sách hiện còn 1.154 người (khoảng 18%).
Tình báo Mossad tiết lộ toàn cảnh kế hoạch tinh vi kích nổ máy nhắn tin và bộ đàm của Hezbollah THANH HIỀN 23/12/2024 Hàng nghìn máy nhắn tin và bộ đàm của các thành viên lực lượng Hezbollah đã đồng loạt phát nổ tại Lebanon vào tháng 9 vừa qua. Vì sao?
Chi tiết các bảng lương viên chức năm 2025 THÀNH CHUNG 23/12/2024 Tuổi Trẻ Online giới thiệu với bạn đọc thông tin chi tiết toàn bộ bảng lương viên chức dự kiến được áp dụng từ năm 2025.
Công bố Chương trình tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp 2025 với nhiều nội dung mới TRỌNG NHÂN 23/12/2024 Ngoài tư vấn tuyển sinh hướng nghiệp, năm 2025, báo Tuổi Trẻ tổ chức thêm ba ngày hội Tự tin vào lớp 10 tại TP.HCM và Hà Nội.