30/05/2011 06:17 GMT+7

Thay nguồn nước sạch hơn cho TP.HCM

QUANG KHẢI
QUANG KHẢI

TT - Tình trạng ô nhiễm nặng nề vẫn chưa được giải quyết thì thời gian gần đây, sông Sài Gòn còn bị mặn “tấn công” dữ dội đe dọa đến hoạt động cấp nước. Có nhà khoa học cảnh báo nguồn nước sông Sài Gòn không còn an toàn cho cấp nước.

Read this on Tuoitrenews.vn

5jd3Tjbc.jpgPhóng to
Nước máy nhà ông Hoàng Quốc Vọng (Q.Bình Tân, TP.HCM) thường bị vàng như nước trà - Ảnh: Q.Khải

Theo kế hoạch phát triển nguồn cấp nước tại TP.HCM, trong giai đoạn 2013-2015 nguồn nước sông Sài Gòn tiếp tục được sử dụng bằng việc nâng công suất Nhà máy nước Tân Hiệp từ 300.000 lên 600.000m3/ngày rồi 900.000m3/ngày.

Chưa giải quyết được bài toán nước đục

Tình trạng nước đục thời gian gần đây vẫn âm ỉ và có lúc bùng lên tại nhiều khu vực. Bài toán nước đục rộ lên năm 2005-2006 nhưng đến nay Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn vẫn chưa giải quyết triệt để. Liên tục trong khoảng hai tuần giữa tháng 4-2011, nhiều bạn đọc trên địa bàn quận Bình Tân, Q.6, Q.8 phản ảnh nước máy bị đục ngầu, đỏ quạch không thể xài được.

Mới đây nhất là các ngày 24 và 25-5, nhiều khách hàng trên đường Lê Đình Cẩn (P.Tân Tạo), khu phố 1 (P.Bình Trị Đông) đều thuộc Q.Bình Tân lại khổ sở vì nước máy đục.

Giải thích hiện tượng này, Công ty cổ phần Cấp nước Chợ Lớn cho biết do quá trình sửa chữa tuyến ống cấp nước phi 1.500 trên đường Nguyễn Văn Luông gây xáo trộn thủy lực làm đục nước cục bộ tại một số khu vực.

Tuy nhiên thực tế có một số khu vực nước bị đục thường xuyên, người dân không dám xài. Đơn cử như trường hợp ông Hoàng Quốc Vọng, địa chỉ 6/5 đường liên khu 2-5, P.Bình Trị Đông, Q.Bình Tân. Có mặt tại nhà ông Vọng sáng 24-5, chúng tôi thấy nước máy nhà ông giống như nước trà dù đã xả bỏ nhiều lần màu nước vẫn không giảm.

Ông Vọng cho biết tình trạng trên xảy ra thường xuyên, đến nỗi người nhà ông không dám tắm. Bí quá, ông Vọng phải sử dụng lại nguồn nước giếng, còn nước máy chỉ để giội nhà vệ sinh.

Không chỉ vậy, tình trạng nước đục lâu lâu lại xảy ra ở nhiều quận khác như Tân Bình, Tân Phú, Gò Vấp. Đa số khu vực có nước máy bị đục đều sử dụng nguồn nước từ Nhà máy nước Tân Hiệp.

Tìm nguồn nước khác

Ngoài chứa nhiều mangan, nước sông Sài Gòn đã bị ô nhiễm ngày càng nặng hơn. Theo kết quả khảo sát cuối tháng 4-2011 của Chi cục Bảo vệ môi trường TP, trong 269 công ty, doanh nghiệp trú đóng trên địa bàn TP.HCM (được khảo sát) có lượng xả thải lớn, chỉ 109 đơn vị (chưa đến 50%) có hệ thống xử lý nước thải. Hầu hết chất lượng nước thải của các đơn vị trên có lượng ô nhiễm lớn được thải vào các con rạch rồi chảy thẳng ra sông Sài Gòn.

Chưa kể về phía thượng lưu vẫn còn hàng ngàn doanh nghiệp, người dân thuộc các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai... xả nước thải ô nhiễm ra sông.

Nước sông Sài Gòn còn bị ảnh hưởng nặng nề của tình trạng xâm nhập mặn. Trong mùa khô kéo dài từ cuối năm 2010 đến đầu 2011, ít nhất năm lần mặn “tấn công” sông Sài Gòn khiến không ít nhà máy xử lý nước phải ngưng bơm nước trong vài giờ, trong đó có Nhà máy nước Tân Hiệp. Mỗi lần xâm nhập mặn tăng cao, Nhà máy nước Tân Hiệp phải cầu cứu Công ty Thủy lợi Dầu Tiếng xả nước đẩy mặn.

GS.TS Lê Huy Bá, viện trưởng Viện Khoa học công nghệ và quản lý môi trường (Đại học Công nghiệp TP.HCM), cho rằng với việc ô nhiễm không kiểm soát được và tình trạng xâm nhập mặn diễn biến như hiện nay, thì nguồn nước sông Sài Gòn không còn an toàn phục vụ cho cấp nước.

Trong góp ý quy hoạch tổng thể cấp nước TP, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Đào Xuân Học đề nghị nên sử dụng nguồn nước theo hướng bền vững. Theo đó ưu tiên sử dụng nguồn nước từ các hồ Trị An, Dầu Tiếng cho cấp nước.

Riêng điểm lấy nước của Nhà máy nước Tân Hiệp phải được nghiên cứu dời lên hồ Dầu Tiếng (trong quy hoạch chung xây dựng TP.HCM đến năm 2025 được Chính phủ phê duyệt, có đề cập trong giai đoạn 2015 sẽ sử dụng nguồn nước từ các hồ Dầu Tiếng, Trị An phục vụ cho cấp nước).

Tuy nhiên với tình hình ô nhiễm, nước đục như hiện nay việc sớm triển khai quy hoạch trên là điều cần thiết.

Trước đó, Công ty cổ phần Cấp nước Sài Gòn Dầu Tiếng đã lập dự án khai thác nước từ hồ Dầu Tiếng với quy mô: xây dựng hai đường ống cấp nước 2.000mm dài 60km từ hồ Dầu Tiếng (tải lượng khoảng 1,2 triệu m3/ngày) về phân phối nước thô lại cho Nhà máy nước Kênh Đông, Nhà máy nước Tân Hiệp...; đồng thời xây dựng nhà máy xử lý nước sạch công suất 600.000m3/ngày. Tổng vốn cho dự án trên lên đến 7.500 tỉ đồng.

Ông Khổng Anh Dũng, tổng giám đốc Công ty Sài Gòn Dầu Tiếng, cho biết đã trình dự án trên cho UBND TP, các bộ và đều nhận được sự đồng tình. Tuy nhiên đến nay dự án trên vẫn chưa được chính thức phê duyệt nên phải chờ. Cũng theo một cán bộ của công ty trên, phải mất ít nhất ba năm dự án mới triển khai xong.

Sắt và mangan trong nước quá cao

Trở lại vụ nước đục năm 2005-2006, giới chuyên môn và chính lãnh đạo Nhà máy nước Tân Hiệp thừa nhận hàm lượng mangan (Mn) trong nước sông Sài Gòn rất cao, nhất là vào thời điểm mùa mưa. Nhà máy nước Tân Hiệp sử dụng nguồn nước này để xử lý nhưng không loại bỏ hết hàm lượng Mn (mặc dù đạt tiêu chuẩn theo quy định).

Mn tích tụ lâu ngày trong đường ống, khi có sự thay đổi áp lực nước hoặc khi Nhà máy nước Tân Hiệp bị cúp điện vận hành trở lại làm Mn tích tụ trong đường ống bung ra gây hiện tượng nước đục. Sau đó Nhà máy nước Tân Hiệp đã cải tiến quy trình xử lý Mn nhưng vấn đề nước đục đến nay vẫn chưa giải quyết một cách triệt để và người dân TP tiếp tục chịu đựng.

Trong các hội thảo trước đây, giáo sư Chu Phạm Ngọc Sơn, chủ tịch Hội Hóa học TP.HCM, đã cảnh báo trong hệ thống cấp nước có sự xuất hiện vi khuẩn sắt, Mn. Vì vậy dù Nhà máy nước Tân Hiệp đã xử lý nước đạt tiêu chuẩn quy định nhưng trong nước vẫn có một lượng Mn nhất định và lâu ngày lại gây ra nước đục.

Chính vi khuẩn Mn sẽ đẩy nhanh quá trình phát triển hàm lượng Mn tích tụ trong đường ống. Theo giáo sư Chu Phạm Ngọc Sơn, đây là nguyên nhân sâu xa, lâu dài của tình trạng nước đục. Và với thực tế đang diễn ra dần chứng minh khẳng định này là đúng.

QUANG KHẢI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên