Túi nâng ngực bị vỡ và túi còn nguyên bên ngực còn lại sau khi được lấy ra - Ảnh: Bệnh viện cung cấp
Theo PGS-TS Nguyễn Hồng Hà - trưởng khoa phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ, Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức Hà Nội, người điều trị cho bệnh nhân, bệnh nhân đến viện trong tình trạng lo lắng, bất an, thăm khám kỹ thấy bề mặt ngực nhấp nhô không đều, hỏi tiền sử được biết bệnh nhân đã được đặt túi nâng ngực, loại túi vỏ nhám hình giọt nước, từ 5 năm trước.
Bệnh nhân cho biết chị đặt túi ngực tại một thẩm mỹ viện tư, sau phẫu thuật chị đau nhiều, ngực bầm tím và căng cứng. Nơi đặt túi ngực cho chị khuyến cáo cần đi massage ngực nhiều tháng sau mổ thì ngực mới mềm lại.
Do bận rộn và chủ quan nên chị không khám và kiểm tra lại ngực hằng năm. Gần đây do loại túi vỏ nhám có nhiều thông tin bị thu hồi tại nước ngoài nên chị lo ngại và đã đến Bệnh viện Việt Đức.
Các bác sĩ rất bất ngờ khi kết quả chụp chiếu cho thấy túi nâng ngực của bệnh nhân đã bị vỡ từ lâu, silicon lỏng tràn ra ngoài, vỏ túi nâng ngực loại nhám (bề mặt như tờ giấy ráp) bám dính chặt vào các tổ chức xung quanh.
Các bác sĩ đã chỉ định mổ ngay và mất hơn 2 giờ đồng hồ để lấy toàn bộ silicon lỏng cũng như vỏ túi nhám bị vỡ rách và phần bao xơ dày, đồng thời gửi mẫu bệnh phẩm cho bộ phận giải phẫu bệnh xem có tế bào lạ hay không.
Sau 30 phút kiểm tra không phát hiện tế bào lạ, đồng thời với thời gian kiểm tra cầm máu, các bác sĩ đã đặt túi ngực mới cho bệnh nhân để phục hồi ngực, tất cả đều thông qua nội soi.
Theo bác sĩ Hà, với phương tiện và kỹ thuật hiện nay, các bác sĩ có thể phẫu thuật sửa các biến chứng nâng ngực thông qua nội soi, giúp người bệnh không phải rạch thêm các đường mổ mới, giảm sẹo, giảm biến chứng chảy máu, máu tụ, đau nhiều và hình thành bao xơ co thắt sau mổ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận