15/06/2010 06:43 GMT+7

Thầy mo với bóng đá châu Phi

NHƯ MY (Theo Spiegel)
NHƯ MY (Theo Spiegel)

TT - “Họ đã uốn các đường bóng, bỏ bùa cho quả bóng, làm các trọng tài mụ người đi và làm tê liệt các thủ môn...” - Bartholomäus Grill, một đặc phái viên ở châu Phi của tuần san Die Zeit, đã viết như vậy về các thầy mo.

JUln1Upt.jpgPhóng to

Một thầy mo đang làm phép

Trong lúc các đội bóng khác có những nhà vật lý trị liệu thì các đội bóng ở lục địa đen có thầy mo. Công việc của họ là niệm thần chú hay làm một điều thần bí nào đó có lợi cho đội nhà. Sự may mắn trong các trò chơi là miền đất hứa cho những trò ma thuật. Ở Cúp châu Phi năm 2002, thủ môn lừng danh của đội tuyển Cameroon N’Kono với tư cách là trợ lý của HLV Winnie Schäfer đã bị còng tay và qua đêm trong bót cảnh sát vì bị bắt gặp đang chôn các mảnh xương và rải một chất thuốc phép trên sân bóng trước trận bán kết.

Trò khôi hài của N’Kono đã không được sự đồng thuận từ một đồng đội trước đây của ông là Roger Milla. Một lần Roger Milla đã nói với phóng viên của France Football rằng: “Không có trò ma thuật trong bóng đá và Cameroon đã chứng minh cho điều này. Quốc gia của chúng tôi không mạnh trong các trò phù thủy nhưng bóng đá của chúng tôi mạnh hơn các nước phát triển các trò yêu thuật này như Benin, Togo, Nigeria...”.

Liên đoàn Bóng đá châu Phi cũng vậy, họ không muốn nghe bất kỳ một điều ma thuật nào và đã ra lệnh cấm các trò phù phép. Không có bất kỳ một vật gì được rải trên sân bóng cũng như các thầy mo không được hiện diện trên băng ghế của các đội bóng.

Tuy vậy, vấn đề không đơn giản bởi khoa học cũng chưa giải thích được hết các điều thần bí. Nhiều câu chuyện xung quanh những trò ma thuật được lưu truyền. Trong một trận đấu giữa hai đội tuyển quốc gia Rwanda và Uganda, các cầu thủ Uganda đã hỏng ăn năm lần do bóng trúng cột dọc. Lập tức khán giả phát hiện một cặp găng tay treo trên mành lưới khung thành đội Rwanda. “Khung thành đã bị khóa”, “cặp găng tay ma thuật”, “trò phù phép”, “trò lừa bịp”... những tiếng la hét vang rền trên khán đài, sau một khoảng thời gian dài trật tự mới được vãn hồi và trận đấu kết thúc sau năm giờ với chiến thắng 1-0 cho Rwanda.

Một bằng chứng khác làm người châu Phi tin tưởng các thầy mo, đó là câu chuyện về đội tuyển Bờ Biển Ngà. Năm 1992, Bờ Biển Ngà đoạt cúp châu Phi sau loạt penalty 11-10. Các cổ động viên cho rằng chiến thắng này nhờ các thầy mo làm việc cho bộ trưởng thể thao. Sau chiến thắng này, các thầy mo không được tưởng thưởng như đã được hứa hẹn và họ đã nguyền rủa đội tuyển quốc gia, kết quả là “các chú voi” không giành được bất kỳ một chiến thắng nào trong nhiều năm sau đó. Một thập niên sau, bộ trưởng quốc phòng Bờ Biển Ngà đã có lời xin lỗi các thầy mo về sự thất hứa của chính phủ sau Cúp châu Phi năm 1992 và thưởng cho họ 2.000 USD với yêu cầu họ trở lại làm việc cho nền cộng hòa.

Câu chuyện về phép thuật trong bóng đá châu Phi hiện nay vẫn là một vấn đề nan giải. Như lời tuyên bố nước đôi của tạp chí Botswana Sports Magazine: “Chưa có bằng chứng nào cho thấy chiến thắng một trận bóng đá được quyết định bởi chỉ riêng một trò ma thuật”.

NHƯ MY (Theo Spiegel)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên