Thay màu áo, bán linh hồn?

HẢI MINH 21/10/2012 06:10 GMT+7

TTCT - Ngay sau khi mùa giải năm ngoái kết thúc, một câu chuyện xuất hiện trên mạng làm rúng động cả CLB bóng đá Cardiff City: kể từ mùa này, chiếc áo thi đấu màu xanh da trời với hình chú chim én đã gắn bó cùng CLB suốt 105 năm sẽ được đổi sang màu đỏ với biểu tượng mới là một con rồng phun lửa!

Phóng to
Vincent Tan (giữa) và Chan Tien Ghee (trái), những ông chủ Malaysia của CLB Cardiff - Ảnh: CNN

Hai nhà tài phiệt người Malaysia Vincent Tan và Dato Chan Tien Ghee đã mua lại đội bóng và giải thích việc thay đổi màu áo mới cùng với biểu tượng sẽ giúp họ mở ra thị trường khổng lồ tại châu lục đông dân nhất hành tinh. Ban đầu nhiều cổ động viên (CĐV) Cardiff không tin rằng việc thay đổi màu áo - bị so sánh như bán đi linh hồn - có thể xảy ra. Nhưng mùa giải đã đi được khoảng một phần tư chặng đường và cho tới giờ, hóa ra chỉ cần có đủ tiền thì linh hồn cũng có thể bán!

Đồng tiền lên tiếng

Việc thăng hạng từ Championship, giải Cardiff đang chơi, lên Premier League, giải đấu cao nhất của bóng đá Anh, sẽ giúp đội bóng “bơi” trong tiền bạc. Tuy nhiên, đội bóng Xứ Wales đã ba lần liên tiếp lỗi hẹn sau những cú vấp ngã ở lượt play-off Championship, tức ngay trước ngưỡng cửa thiên đường. Về mặt cảm xúc, những thất bại đó thật đau đớn. Nhưng về mặt tài chính còn đau hơn nhiều.

Theo báo cáo tài chính tại CLB, mùa hè năm ngoái mỗi tháng Cardiff thua lỗ 1 triệu bảng (1,6 triệu USD). Khi bỏ ra 40 triệu bảng để xóa sạch nợ cho CLB, Vincent Tan buộc phải ra tối hậu thư: hoặc áo đỏ, hoặc là ông sẽ ra đi. “Ông ấy rất hăm hở với ý tưởng đó. Tôi không cho rằng ông ấy định bỏ đi, chỉ là ông ấy có thể giảm mạnh đầu tư” - giám đốc điều hành CLB Cardiff Alan Whiteley nói với tạp chí bóng đá Four Four Two.

Là một doanh nhân, Whiteley cũng tỏ ra hợp tình hợp lý hơn các CĐV Anh vốn bảo thủ, trọng truyền thống và luôn coi màu áo là thiêng liêng. Ông cố gắng thuyết phục: “Cardiff là thủ phủ Xứ Wales, màu đỏ là màu có trên quốc kỳ Xứ Wales, rồng cũng có trên đó. Rồng là một biểu tượng mạnh mẽ ở thị trường châu Á, màu đỏ cũng thế. Tôi không nói rằng điều này là dễ chấp nhận về mặt cảm xúc, nhưng về mặt thương mại, đó là quyết định hết sức dễ dàng”.

Đương nhiên không phải CĐV nào cũng đồng ý với giám đốc điều hành. Hệ quả là trong ngày Cardiff chơi trận đầu tiên trên sân nhà mùa này gặp Huddersfield Town, trong số 21.000 CĐV tới sân, một nửa mặc áo màu xanh truyền thống, còn một nửa mặc chiếc áo đỏ mới với huy hiệu hình rồng. “Tôi gặp nhiều người và ai cũng nói: Chúng tôi không ủng hộ màu áo, không ủng hộ chiếc huy hiệu, một cầu thủ, hay ngài chủ tịch. Chúng tôi chỉ ủng hộ đội bóng này” - Peter Mulhern, một cảnh sát viên đã mặc áo đỏ mới tới cổ vũ đội nhà, giải thích. Thậm chí doanh số áo thi đấu bán ra còn tăng chút ít (có thể chỉ là nhờ vào việc hồi mùa hè đội bóng vừa chiêu mộ Craig Bellamy, một ngôi sao tiếng tăm).

Nhưng không phải ai cũng dễ tính như Mulhern, 100 vé cả mùa đã bị trả lại sau khi quyết định đổi màu áo đấu được công bố. Ben Dudley, một CĐV lâu năm, gây thêm chú ý khi rao bán lòng trung thành với Cardiff của ông trên eBay sau khi đội bóng đổi màu áo. Dudley kể: “Mới đầu tôi nghĩ đây chỉ là chuyện ngu ngốc và có lẽ sẽ nhận được 20 bảng gì đó. Nhưng rồi lời rao của tôi lại gây được chú ý khi tôi hứa sẽ quyên tiền cho tổ chức từ thiện Ty Hafan. Những đề nghị tới từ Besiktas (Thổ Nhĩ Kỳ), New York Red Bulls (Mỹ), Rangers (Scotland), Club America (Mexico) và nhiều nữa. Cuối cùng, một CĐV Tottenham đã chiến thắng với mức giá 845 bảng. Giờ tôi sẽ đi ủng hộ họ”.

Dudley cũng không biết còn có thể cổ vũ cho CLB mà mình đã yêu thích cả đời hay không. Ông giải thích: “Họ không còn là đội bóng đó nữa. Cá nhân tôi còn không muốn Cardiff thăng hạng vì nếu được lên chơi Premier League, họ sẽ mãi mãi giữ màu áo đỏ. Tôi sẽ chỉ trở lại CLB nếu đó là Bluebirds (Những chú chim xanh, biệt danh của Cardiff) đích thực”.

Phóng to

Cổ động viên với áo đấu mới (trái) và cũ của CLB Cardiff - Ảnh: zimbio.com

Quan điểm từ Malaysia

Cho tới giờ, có vẻ như màu áo mới đã thật sự mang tới may mắn cho đội bóng của các ông chủ Malaysia và HLV người Scotland Malcolm Mackay. Cardiff đang dẫn đầu ở giải Championship sau 10 lượt đấu với 22 điểm, ghi 19 bàn và chỉ để thủng lưới 11 bàn.

Sự thay đổi màu áo và huy hiệu của họ cũng đã nhận được phản ứng tích cực từ các CĐV Cardiff tại Malaysia. Tuy nhiên, sau khi tin tức lắng xuống, mọi chuyện nhanh chóng bị lãng quên. Jason Dasey của tạp chí Four Four Two phiên bản Malaysia bình luận: “Một số người Xứ Wales có thể thấy sự thay đổi ghê gớm như vậy với một CLB lâu đời và giàu truyền thống của họ là khó chấp nhận. Nhưng hành động này của các ông chủ Malaysia phải nói là can đảm và cấp tiến hơn so với những người trước đó. Họ thật sự muốn đưa CLB tiến lên”.

Ông Vincent Tan, 52 tuổi, sở hữu tài sản 1,25 tỉ USD với Tập đoàn Berjaya kinh doanh đủ các lĩnh vực: sân golf, khu nghỉ dưỡng, bất động sản, truyền hình, sòng bạc... Cùng với Chan Tien Ghee, ông tham gia một cách sâu sát vào hoạt động hằng ngày ở CLB, gồm trả lời phỏng vấn báo chí, xây dựng quan hệ với CĐV và cầu thủ, như một cách để các doanh nhân Malaysia cho thấy họ thật sự quan tâm tới sự phát triển dài hạn của Cardiff, chứ không chỉ coi CLB như một món đồ chơi hay khoản đầu tư sinh lợi tức thời.

Nhờ những liên hệ với Malaysia, Cardiff dần trở thành một trong những CLB được theo dõi nhiều nhất ở quốc gia Đông Nam Á này. Người hâm mộ ở Malaysia thật sự muốn đội chơi tốt với giấc mơ một ngày nào đó Cardiff sẽ được lên chơi ở Premier League. Tuy nhiên, cho tới khi điều đó xảy ra, với những ai yêu bóng đá tại Malaysia, Đông Nam Á và châu Á nói chung, Cardiff mặc áo màu gì không phải là điều quan trọng.

Phóng to
Craig Bellamy (trái) trong màu áo mới của CLB Cardiff - Ảnh: talksport.co.uk

Liệu có phải ầm ĩ?

Việc các CLB bóng đá thay màu áo không phải là chuyện hiếm. Những đội giàu truyền thống hơn hẳn Cardiff như Liverpool từng đổi màu áo từ đỏ sang xanh da trời và trắng và cho tới những năm 1960 vẫn ra sân với quần soóc trắng. Leeds đổi màu áo để học theo Real Madrid (toàn trắng) từ những năm 1960. Atletico Madrid, một CLB Tây Ban Nha, bị buộc phải thay đổi tên gọi và huy hiệu vì áp lực chính trị từ nhà độc tài Franco. Chelsea, đội đang dẫn đầu Premier League, hiện mặc áo đấu chính thức toàn xanh, nhưng họ cũng từng mặc quần soóc trắng tới tận những năm 1960.

Ở Anh còn hàng loạt ví dụ khác như Scunthorpe (toàn đỏ, chuyển sang đỏ và xanh), Crystal Palace (tím và xanh, chuyển sang đỏ và xanh), Leyton Orient, Millwall...

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận