Trong các loại lốp dùng cho các phương tiện trên thế giới, lốp tàu vũ trụ thuộc diện khó phát triển, sản xuất và cũng nguy hiểm nhất. Với nhiều loại lốp phương tiện khổ lớn, chúng đã tiềm ẩn nguy cơ cao gây nguy hiểm cho người đứng cạnh khi nổ lốp hay gặp sai sót thay lốp.
Lấy ví dụ với lốp xe tải lớn/xe container, khi nổ bất ngờ, đã có thể thổi văng người đứng cạnh đi vài mét khi không khí áp suất cao trong lốp tràn ra ngoài.
Lốp tàu vũ trụ với áp suất khổng lồ bên trong cùng trọng lượng khủng khiếp còn nguy hiểm hơn thế nhiều lần. Lấy ví dụ như với tàu vũ trụ Space Shuttle cải tiến (1993), lốp do Michelin cung ứng cho họ nặng gần 105kg mỗi lốp, áp suất bên trong lên tới 373psi (ô tô thường chỉ có áp suất lốp từ 30 tới 35psi).
Với thông số như trên, nổ lốp tàu vũ trụ có thể giải phóng năng lượng tương đương 2,5 thanh thuốc nổ. Vụ nổ như vậy có thể gây hỏng thính lực, thương tích nặng nề hay thậm chí tử vong cho người trong bán kính 15 mét.
Lốp tàu vũ trụ như một "quả bom nổ chậm" dù hạ cánh thành công hay thất bại nên cần xử lý đặc biệt cẩn trọng
Vẫn lấy ví dụ từ tàu Space Shuttle trên, tàu này nặng xấp xỉ 109 tấn và hạ cánh với tốc độ có thể lên tới 463km/h. Sau quy trình hạ cánh trên, lốp tàu sử dụng rơi vào trạng thái bất ổn định và việc thay hay tháo bỏ trở nên cực kỳ nguy hiểm với các phi hành gia.
Vì lẽ đó, NASA phải chế tạo riêng một robot đặc biệt chỉ sử dụng để... chọc nổ lốp trên để thay hoặc tháo bỏ.
Ban đầu, NASA dự tính dùng robot gỡ bom để chọc thủng lốp. Nhưng mỗi robot dạng này rất đắt đỏ, khó điều khiển và không vận hành được ở nhiều bề mặt địa hình. NASA lâm vào thế khó cho tới khi một kỹ sư của họ là David Carrott, sau khi tham khảo catalog... đồ chơi, phát hiện ra một giải pháp thú vị.
Cụ thể, họ phát hiện ra rằng mình có thể tự phát triển một mẫu xe tăng mini để đảm đương công việc nguy hiểm trên. Kết quả là thành phẩm có tên TAV (Tire Assault Vehicle) ra đời. Đây là một mẫu xe tăng mô hình ứng dụng thiết kế một mẫu xe tăng đồ chơi điều khiển từ xa có tên Tamiya Tiger II.
Tuy nhiên, TAV sử dụng thân và nhiều trang bị khác được NASA tùy biến riêng từ kim loại. Tổ chức này cũng bổ sung camera mini cạnh máy khoan chạy pin giúp họ dễ dàng điều khiển từ xa. Việc sử dụng bánh xích giúp TAV dễ dàng di chuyển trên bề mặt các hành tinh khác.
Tổng chi phí cho một robot dạng này chỉ là 3.000 USD, so với giải pháp robot gỡ bom ban đầu đắt hơn 30 lần (100.000 USD). Tuy nhiên, kết quả NASA thu về lại mỹ mãn khi TAV giúp họ giải quyết tới 9 lốp tàu vũ trụ trong vòng đời của mình.
Chỉ riêng việc xe "sống sót" sau 9 vụ nổ lốp có thể gây tử vong cho người trong bán kính 15 mét đã là một thành tựu lớn chứng minh khả năng kỹ thuật của NASA.
Giờ, TAV vẫn đang phục vụ NASA nhưng là trong khung kính trưng bày tại Trung tâm nghiên cứu NASA đặt tại Armstrong, Mỹ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận