02/01/2019 19:27 GMT+7

Thầy lang được trả tiền ‘làm luật’, quản lý thị trường nói ‘mạo danh’

DOÃN HÒA
DOÃN HÒA

TTO - Sau khi phản ánh sự việc một số người nhận là cán bộ quản lý thị trường có hành vi 'làm luật', một hộ dân chữa bệnh bằng thuốc gia truyền được trả lại tiền.

Thầy lang được trả tiền ‘làm luật’, quản lý thị trường nói ‘mạo danh’ - Ảnh 1.

Hình ảnh một nhóm người được cho là mặc quần áo cán bộ quản lý thị trường kiểm tra tại nhà ông Vi Văn Hùng - Ảnh: Bạn đọc cung cấp

Liên quan đến vụ việc "Xác minh vụ nghi giả danh cán bộ thị trường cưỡng đoạt tiền", ngày 2-1, nguồn tin riêng của Tuổi Trẻ Online cho hay Đội quản lý thị trường (QLTT) số 8 đã có báo cáo gửi Cục QLTT Nghệ An sau khi báo chí phản ánh một số người được cho là cán bộ QLTT nhận tiền của một số hộ chữa bệnh bằng thuốc gia truyền.

Theo đó, ông Nguyễn Mạnh Hùng - đội trưởng Đội QLTT số 8 - chủ trì cuộc họp yêu cầu các đoàn kiểm tra trong đội báo cáo các nội dung, thời gian qua hai đoàn có thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, kiểm soát trên địa bàn xã Ngọc Lâm, Thanh Sơn, huyện Thanh Chương hay không? Và có kiểm tra hộ kinh doanh do ông Vi Văn Hùng làm chủ hay không?

Ý kiến của hai trưởng đoàn Chế Đinh Đạt và Nguyên Văn Quang đều khẳng định thời gian qua hai đoàn này không thực hiện kiểm tra hai xã Ngọc Lâm, Thanh Sơn và không kiểm tra cơ sở kinh doanh do ông Vi Văn Hùng làm chủ. Các đoàn cũng không xử lý, kiểm tra vụ việc nào về thuốc gia truyền.

Theo kết luận của ông Nguyễn Mạnh Hùng, đoàn kiểm tra QLTT số 8 kiểm tra hai huyện Thanh Chương và Anh Sơn, mỗi đoàn có từ 3-4 người. 

"Đội QLTT số 8 đang bị mạo danh, ảnh hưởng xấu đến hình ảnh lực lượng QLTT. Đề nghị các cán bộ phối hợp với cơ quan chức năng, chính quyền địa phương để ngăn chặn kịp thời", biên bản cuộc họp nêu.

Chiều 2-1, trả lời Tuổi Trẻ Online, ông Vi Văn Hùng (ngụ xã Ngọc Lâm, huyện Thanh Chương, Nghệ An) cho biết sau khi thông tin ông phản ánh qua báo chí, sáng 27-12, có một người mặc đồ dân sự đến nhà ông giới thiệu là nhân viên mới của Đội QLTT số 8 trả lại tiền cho ông.

"Tôi không nhận nhưng người này vẫn để phong bì trên bàn rồi ra về. Đến nay tôi cũng chưa mở phong bì kiểm tra bên trong chứa gì", ông Hùng nói.

Theo lời kể ông Hùng, ngày 4-12, có 3 người mặc đồng phục của QLTT đến nhà ông giới thiệu là cán bộ Đội QLTT số 8 nói nhận được đơn tố giác gia đình ông hành nghề không có giấy phép, không có giấy phép kinh doanh và không có chứng chỉ hành nghề nên yêu cầu nộp phạt.

"Họ yêu cầu nộp phạt từ 60 đến 70 triệu đồng. Tuy nhiên, tôi nói gia đình không có tiền nộp thì vị này hỏi tôi "nộp được bao nhiêu?". Tôi trả lời tất cả vay mượn bạn bè, người thân thì chỉ nộp khoảng 10 triệu đồng. Rồi họ chạy theo tôi vào buồng ngủ và nói "đưa 6 triệu là được", ông Hùng kể.

Được biết, gia đình ông Hùng hành nghề bốc thuốc lá đắp ngoài da, giúp chữa gãy xương từ hàng chục năm nay. Đây là lần đầu một nhóm người xưng là cán bộ QLTT đến kiểm tra, xử phạt.

Công an huyện Thanh Chương đã tới gia đình ông Hùng để lấy lời khai, mở rộng điều tra về vụ việc.

Ông Trần Đăng Ninh - cục trưởng Cục QLTT Nghệ An - cho hay đơn vị đã cử ban pháp chế về địa phương tìm hiểu sự việc để đảm bảo độc lập, khách quan.

Như Tuổi Trẻ Online thông tin, theo phản ảnh của một số hộ dân chuyên chữa bệnh bằng thuốc nam ở hai xã Thanh Sơn, Ngọc Lâm, huyện Thanh Chương (Nghệ An), trong tháng 12-2018 có một nhóm người mặc trang phục được cho là của cán bộ QLTT, đi ôtô đến nhà họ đề nghị kiểm tra giấy phép hành nghề.

Nếu hộ nào không có giấy phép hoạt động, nhóm người này lập biên bản xử lý hành chính phạt 50-60 triệu đồng. Người dân nào không có đủ số tiền phạt thì họ cũng chấp nhận, có từng nào thu từng đó.

Xác minh vụ nghi giả danh cán bộ thị trường cưỡng đoạt tiền

TTO - Một số hộ chữa bệnh bằng thuốc gia truyền ở huyện Thanh Chương (Nghệ An) phản ảnh có một nhóm người mặc trang phục đội quản lý thị trường có hành vi được cho là cưỡng đoạt tiền.

DOÃN HÒA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên