Thầy chưa hề đứng trên bục giảng ở lớp tôi một buổi nào, tôi chỉ có cơ duyên gặp thầy mỗi khi... gặp trục trặc trong việc học.
Thời điểm đó, khoa của tôi quy định sinh viên chỉ được phép vắng mặt tối đa ba buổi/học kỳ cho mỗi môn học. Tuy nhiên năm 2005, tôi được một học bổng toàn phần du học hè tại Anh 10 tuần, vì vậy tôi buộc phải vắng mặt khoảng năm buổi/mỗi môn học.
Mặc cho lý do vắng mặt của tôi khá chính đáng, một số giảng viên trong khoa vẫn rất cứng nhắc và quyết định cấm thi tôi. Là người có cái tôi khá lớn nên điều đó khiến tôi giận dữ. “Tôi đã có việc làm, việc gì tôi phải sợ mấy người?” - tôi thầm nghĩ và cười khẩy. Và tôi đi học theo đúng nghĩa “trả nợ”, điểm số chỉ đủ để qua môn, thời gian tôi dành cho việc làm thêm dần dần nhiều hơn cả ôn bài vở.
Thầy phó khoa của tôi là một người nhạy cảm, thầy đọc được sự ngông nghênh, chán nản... của tôi sau một vài tiết đứng lớp. Vì vậy, thầy đã thuyết phục tôi gặp thầy hiệu trưởng.
Thực lòng thì tôi đi gặp vì thầy phó khoa muốn thế. Chứ tôi không nghĩ một người ở vị trí cao như thầy hiệu trưởng lại để ý câu chuyện bị cấm thi của một đứa sinh viên như mình, chưa kể tôi vẫn duy trì quan điểm “bất cần bằng ĐH” (cha mẹ tôi từng rất đau đầu về tính ngông của tôi, họ sợ tôi lại nghỉ ngang như đã từng bỏ một ngôi trường ĐH công lập lớn trước đó).
Vậy mà thầy ngồi đó, chăm chú lắng nghe từng chia sẻ của tôi. Thầy kiệm lời, nhưng sau mỗi câu nói đều là một nụ cười hiền từ. Tôi đi từ cảm giác chán chường chuyển sang hứng thú với những câu hỏi đầy ân cần từ thầy. Sau đó thầy đã đi thuyết phục, trò chuyện cùng một số thầy cô để tôi không còn bị cấm thi.
Từ đó về sau, mỗi khi có chuyện buồn (kể cả những chuyện mà sau này ngẫm lại tôi thấy rất nhảm nhí!) tôi lại gửi email để xin thầy lời khuyên, và thường tôi nhận được hồi âm chi tiết từ thầy khá nhanh chóng. Trước ngày lễ trao bằng tốt nghiệp ĐH, thầy thậm chí đã điện thoại nhắc tôi đủ điều.
Tôi còn nhớ bản thân đã rất thắc mắc: Vì sao phòng của hiệu trưởng - người đứng đầu cả trường ĐH lớn - lại nằm khiêm tốn và ngay sau phòng bảo vệ ở cổng chính. Vì sao thầy không ngại để tất cả sinh viên biết email cá nhân của mình? Vì sao ánh đèn văn phòng thầy luôn sáng đến khuya? Vì sao mỗi khi đến ngày lễ tôn vinh ngành tôi đang công tác, tôi lại nhận được một thiệp chúc mừng trang trọng từ thầy?
“Không phải chỉ mỗi mình S. được thầy quan tâm như vậy đâu, tụi tôi cũng được vậy mà” - Minh, một người bạn học cùng ĐH, nói với tôi.
Xa trường đã nhiều năm, nhưng mỗi khi nhớ về giọng nói, nụ cười ấm áp của thầy... tôi lại thấy chút nghẹn ngào lẫn tự hào vì đã được làm học trò của thầy.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận