20/12/2019 06:00 GMT+7

Thầy giáo 'xin bài văn của học trò': Không dò bài, trả bài mỗi ngày

HOÀNG HƯƠNG thực hiện
HOÀNG HƯƠNG thực hiện

TTO - Bài viết "Cho thầy xin bài này nhé' đã gây 'bão thích thú' trong bạn đọc Tuổi Trẻ. Phóng viên đã tìm gặp thầy giáo trẻ TRẦN LÊ DUY (26 tuổi), giáo viên môn ngữ văn Trường trung học thực hành ĐH Sư phạm TP.HCM – tác giả lời phê

Thầy giáo xin bài văn của học trò: Không dò bài, trả bài mỗi ngày - Ảnh 1.

Thầy Trần Lê Duy với học trò của mình chiều 19-12 - Ảnh: NHƯ HÙNG

Thầy Duy nói: Tôi đã đọc bài viết của phụ huynh trên Tuổi Trẻ Online và cảm thấy vui vui khi có những phản hồi tích cực cho cách dạy của mình. Ngoài nhận xét về bài làm của học sinh, tôi có phê thêm một câu: "Cho thầy xin bài này nhé" vì thấy đây là bài làm khá tốt. 

Tôi muốn xin học sinh để đăng trên Blog chuyên văn – một trang mạng do tôi lập ra để trao đổi, chia sẻ với đồng nghiệp, với học sinh  về cách dạy, cách học văn.

Đến tiết văn để thư giãn

*Đề kiểm tra của thầy cũng rất đặc biệt khi để học sinh viết về lựa chọn những đồ vật đặc trưng cho thời đại mình sống cho vào Chiếc hộp thời gian và chôn xuống đất. Thông điệp thầy muốn gởi gắm là gì?

 -Đây là đề bài kiểm tra 1 tiết tôi ra cho học sinh lớp 10.4 trong học kỳ 1 năm học 2019-2020. Đề bài được thông báo trước ngày kiểm tra chính thức 1 tuần để học sinh chuẩn bị ý tưởng trước. Đến ngày kiểm tra các em mới viết ra nhưng không được sử dụng tài liệu.

Đề kiểm tra nhằm mục đích tạo sự hứng thú cho học sinh khi làm bài và sự hứng thú cho giáo viên khi chấm bài. Tuy nhiên, tôi biết trong một lớp học, không phải 100% học sinh đều có trí thông minh ngôn ngữ. Thế nên, tôi cho hai đề để các em tự lựa chọn. Ngoài đề đã kể trên, còn một đề nữa là: "Em hãy viết bài nghị luận đề xuất một thay đổi làm cho trường tốt hơn".

Thầy giáo xin bài văn của học trò: Không dò bài, trả bài mỗi ngày - Ảnh 2.

Thầy Trần Lê Duy - Ảnh: NHƯ HÙNG

*Thầy có thể chia sẻ quan điểm dạy học của mình?  

-Tôi luôn nỗ lực tạo cho học sinh có cảm giác tôi là ông thầy dễ chịu và những tiết học văn với tôi là khoảng thời gian dễ chịu. Tôi không có chủ đích sẽ truyền cảm hứng cho học sinh. Nhưng tôi làm nhiều cách để tiết dạy của mình diễn ra một cách tự nhiên, nhẹ nhàng, vui vẻ, học sinh không bị áp lực vì phải trả bài, không lo sợ khi bị gọi lên bảng...

Thế nên, tôi không dò bài, không trả bài mỗi ngày mà tôi thường cho học sinh làm việc nhóm với một nhiệm vụ cụ thể để lấy điểm kiểm tra miệng. Đầu giờ học, tôi luôn dành từ 5-10 phút để hỏi học sinh những câu rất đời thường như: có gì vui không, hôm qua làm bài kiểm tra toán được không, bữa trước họp phụ huynh như thế nào.

Tóm lại, tôi muốn cho học sinh hiểu rằng: đến tiết văn thì sẽ được thư giãn chứ không căng thẳng. Môn tôi dạy là môn có nhiều tiết học hơn một số môn khác. Nếu không tạo được cảm giác đó thì học sinh sẽ rất chán và sợ môn văn.


Nếu có một điều ước, tôi ước nhà giáo sẽ được quan tâm hơn về sức khoẻ tinh thần, giữ được tâm lý ổn định. Để khi bước lên bục giảng, người thầy giáo sẽ không mang sự bực bội ngoài đời trút lên học trò. Ngược lại, khi về nhà, họ cũng không mang những áp lực, những mệt mỏi của nghề nghiệp đổ lên người thân của mình.

Thầy Trần Lê Duy

Thầy giáo xin bài văn của học trò: Không dò bài, trả bài mỗi ngày - Ảnh 4.

Thầy Trần Lê Duy trong giờ lên lớp với học trò - Ảnh: NHƯ HÙNG

Thầy trò cùng dạy và học

*Thế còn phương pháp giảng dạy thì sao, thưa thầy?  

-Tôi luôn dung hoà giữa hai yêu cầu: học sinh cảm thấy vui khi học nhưng vẫn phải đạt hiệu quả trong các kỳ thi. Thế nên, có bài tôi vẫn dạy theo kiểu truyền thống; có đề kiểm tra học sinh vẫn phải làm đầy đủ các bước, đầy đủ các ý  theo khung lập luận. 

Nhưng có những tiết dạy phải thay đổi kiểu khác. Ví dụ cuối học kỳ là học sinh được chơi trò "Chiếc nón kỳ diệu" (tôi đặt mua trên mạng mô hình này và cho các em chơi với những câu hỏi nhằm mục đích ôn tập). Hoặc học đến tác phẩm Romeo và Juliet thì học sinh sẽ được xem phim.

Tôi thích sự rõ ràng nên ngay buổi gặp mặt đầu tiên với học sinh. Tôi sẽ dành hẳn 1 tiết để giới thiệu về chương trình giảng dạy, yêu cầu về phương pháp, thái độ…để học tập bộ môn, những nguyên tắc trong quá trình thầy và trò cùng dạy và học.

Dĩ nhiên, con người có nhiều loại trí thông minh khác nhau nên tôi không yêu cầu và cũng không kỳ vọng 100% học sinh phải coi môn văn là môn quan trọng nhất, 100% học sinh phải yêu thích môn văn và giỏi văn. Tôi thường khuyên học sinh học phải có sự định hướng. Nếu em đã xác định theo những ngành khoa học tự nhiên thì chỉ cần biết trình bày, biết diễn đạt suy nghĩ, cảm xúc, quan điểm,…của mình bằng lời nói, bằng chữ viết,…là được rồi.

*Nhiều học sinh kể thầy không cho bài tập về nhà?

-Tôi không cho học sinh bài tập về nhà vì thấy không cần thiết và cũng không muốn tạo thêm áp lực học tập cho các em. Tôi luôn cố gắng sắp xếp để học sinh có thể hoàn thành bài tập ngay tại lớp. Hiện các em phải học tất cả 13 môn.

Ngoài ra, nhiều em còn phải đi học thêm nữa, bớt được bài tập môn nào thì đỡ áp lực môn đó cho học sinh. Cũng với quan điểm tạo cảm giác dễ chịu, tôi sẽ công bố luôn đề kiểm tra sẽ bao gồm những nội dung nào để học sinh học bài trước. Dĩ nhiên, tôi sẽ ra đề với yêu cầu học sinh phải vận dụng kiến thức đã học vào cuộc sống chứ không kiểm tra sự tái hiện kiến thức.  

Thầy giáo xin bài văn của học trò: Không dò bài, trả bài mỗi ngày - Ảnh 5.

Thầy Trần Lê Duy nói mình luôn nỗ lực mang đến cho học sinh những tiết học văn "dễ chịu" - Ảnh: NHƯ HÙNG

Gây "bão tố" khi quyết theo sư phạm!

*Tốt nghiệp thủ khoa ở khoa ngữ văn Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, thầy được nhận vào giảng dạy ở Trường trung học thực hành. Đến nay mới 5 năm tuổi nghề nhưng thầy đã được phân công giảng dạy ở lớp chuyên văn, đào tạo bồi dưỡng học sinh giỏi văn…Có vẻ như công việc của thầy khá thuận lợi?

- Nhìn bên ngoài thì thế chứ thật ra bên trong cũng có sóng gió đấy (cười). Cha tôi cũng làm việc trong ngành công an nên ông mong muốn đứa con trai duy nhất là tôi sẽ nối nghiệp bố. Nhưng tôi đã gây nên "bão tố" trong gia đình khi cương quyết chọn ngành sư phạm. Năm đó, mẹ tôi ra điều kiện: Nếu con đoạt giải học sinh giỏi quốc gia thì bố mẹ sẽ đồng ý. May mắn cho tôi năm ấy tôi đi thi và đoạt giải mặc dù chỉ là giải khuyến khích.

"Lâng lâng suốt mấy tháng trời"

Bài viết về thầy Duy nhận được sự đồng cảm, chia sẻ của nhiều bạn đọc:

*Với học sinh, sự động viên, khuyến khích của các thầy/cô có vai trò cực kỳ quan trọng. Chỉ từ một học sinh khá, nhờ lời động viên rất khéo của cô giáo dạy văn lớp 7 "Em sẽ trở thành một người cảm nhận rất tốt các tác phẩm văn chương" mà tôi đã lâng lâng suốt mấy tháng trời, yêu môn văn bất tận. (Yêu văn)

*Lời động viên, truyền cảm hứng của thầy cô đôi khi có thể thay đổi cả cuộc đời của học trò. Bước vào cấp III trường làng tôi từng rất sợ môn tiếng Anh. Có một lần tôi bất ngờ được 9 điểm. Cô giáo bộ môn đã khen tôi trước cả lớp và nhờ đó tôi đã nỗ lực học tiếng Anh hàng ngày để rồi sau này chọn tiếng Anh làm chuyên ngành ở đại học. Hiện tại khi đã định cư ở nước ngoài tôi vẫn nhớ và biết ơn những thầy cô đã dạy dỗ và thay đổi cuộc đời mình. (Trần Bảo Nam)

HOÀNG HƯƠNG thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên