Giảng viên Trần Tuấn Đạt - Ảnh: NVCC
'Thầy Beo U40', 'hot TikToker' là những biệt danh giới trẻ hay gọi Trần Tuấn Đạt, giảng viên Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng.
Vừa làm công tác giảng dạy, Đạt vừa lập các kênh YouTube, TikTok của riêng mình. Từ vài chục view ban đầu, đến nay nhiều clip TikTok của Đạt có cả chục triệu view. Hiện anh là hot TikToker với hơn 2,7 triệu lượt theo dõi và 346.000 người đăng ký trên YouTube.
* Cơ duyên nào đưa Đạt làm giảng viên đại học?
- Từ hồi còn nhỏ xíu tôi đã có mơ ước trở thành giáo viên. Tụ tập bạn bè hàng xóm qua nhà và bày trò chơi lớp học, chắc chắn tôi sẽ là thầy giáo rồi vì thích cảm giác được chấm bài và thưởng cho học trò xuất sắc những viên kẹo mà tôi để dành tiền mua.
Lớn hơn thì ước mơ đó không còn nữa. Khi học cấp II, tôi muốn trở thành kiến trúc sư nên đã đi học vẽ mỗi khi hè đến. Lên cấp III, tôi chuyển qua học khối D và dự thi vào khoa quan hệ quốc tế của Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM) và mơ ước trở thành một nhà ngoại giao.
Tốt nghiệp trong top 10 sinh viên tiêu biểu, cơ duyên đưa đẩy thế nào mà tôi chủ động nộp đơn xin ở lại trường công tác. Tôi chính thức trở thành trợ giảng của khoa quan hệ quốc tế từ năm 2010 và nhận được học bổng thạc sĩ toàn phần tại Thái Lan và Hàn Quốc.
Năm 2014 tôi hoàn thành chương trình thạc sĩ về nước, chính thức trở thành giảng viên của Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn. Năm 2015 tôi được bổ nhiệm phó trưởng khoa. Năm 2019 tôi chuyển công tác về Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng.
* Vừa là hot TikToker, vừa là giảng viên, Đạt có gặp nhiều áp lực? Vai trò TikToker có tác động thế nào đến vai trò giảng viên của Đạt?
- Có chứ. Áp lực lớn nhất với tôi là việc cân bằng thời gian để những vai trò mà mình đảm trách không bị ảnh hưởng. Thời gian đầu tôi thật sự gặp khó khăn vì cơ duyên trở thành nhà sáng tạo nội dung trên hai nền tảng TikTok và YouTube đến quá bất ngờ. Chỉ sau một đêm thức dậy thì hàng loạt video của mình chạm mốc trăm ngàn rồi hàng triệu lượt xem.
Lúc ấy tôi đã hơi mất cân bằng một chút vì cơ hội đến quá đột ngột. Nhưng tính đến thời điểm hiện tại tôi đã cân bằng được mọi thứ và đang chinh phục tấm bằng tiến sĩ chuyên ngành quản lý giáo dục tại Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM).
Tôi rất thích câu nói: "Bạn chỉ sống được một lần thôi, nên hãy làm điều bạn thích, mang đến niềm vui cho bản thân và lan tỏa đến mọi người".
Từ ngày độ nhận diện của tôi được lan rộng hơn trên các nền tảng mạng xã hội, tôi mong muốn sẽ đồng hành cùng các bạn sinh viên không chỉ trong những môn học mà còn qua các hoạt động ngoại khóa. Các bạn cùng tôi lan tỏa nhiều hơn những năng lượng tích cực đến cộng đồng như cách mà tôi vẫn luôn mang vào trong các video của mình: kết nối và lan tỏa.
* Điều tâm huyết nhất của Đạt khi làm giảng viên? Kỷ niệm ngày 20-11 đặc biệt nhất của Đạt?
- Tôi luôn nói với các học trò của mình ở buổi đầu tiên gặp gỡ là chúng ta hãy cùng nhau tạo nên những buổi học là những buổi chia sẻ đến từ phía thầy và cả lớp; hãy cùng nhau chia sẻ kiến thức và niềm vui trong suốt khóa học và cùng nhau chứng kiến được sự thay đổi tích cực của cả lớp qua từng buổi học. Hãy là những người bạn đồng hành của nhau để mỗi môn học trôi qua là những trải nghiệm thật đẹp của cả thầy và trò.
Một điều tôi luôn cảm thấy háo hức trước mỗi giờ lên lớp là cảm giác được gặp gỡ những gương mặt học trò mới, những nguồn năng lượng tích cực mới liên tục. Điều này thôi thúc tôi phải không ngừng trau dồi, cập nhật để có được tiếng nói chung với những thế hệ sinh viên của thời đại 4.0. Những giờ lên lớp luôn là cơ hội cho thầy và trò cùng chia sẻ những kiến thức, trải nghiệm và niềm vui cùng nhau.
Tôi nhớ như in kỷ niệm 20-11 vào năm 2010. Lúc ấy tôi cùng các thầy cô trong khoa quan hệ quốc tế Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn đang trên tàu lửa đưa gần 200 sinh viên năm 2 đi thực tập thực tế miền Bắc. Chúng tôi đã được các em sinh viên tổ chức chúc mừng 20-11 ngay trong đêm trên tàu với những món quà tự chuẩn bị và những bức thư tay rất đáng yêu.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận