20/11/2019 08:30 GMT+7

Thầy giáo trẻ 'trùm của các chiêu trò'

CHU HỒNG VÂN
CHU HỒNG VÂN

TTO - 'Tôi đâu làm được gì to tát đâu, mỗi tuần tôi cố gắng tìm một việc nào đó để lôi cuốn học sinh. Những việc bé nhỏ như giọt nước và tôi hay nói với học sinh: Tuần này mình đã thêm một giọt nước các con nhé!'.

Thầy giáo trẻ trùm của các chiêu trò - Ảnh 1.

Thầy Vũ Ngọc Toản cùng tham gia dự án bán sách làm từ thiện với học sinh - Ảnh: CHU HÀ LINH

Thầy giáo trẻ Vũ Ngọc Toản, giáo viên Trường THCS&THPT Nguyễn Tất Thành (Hà Nội), nói vậy, nhưng với nhiều học sinh, thầy Toản không chỉ là một giáo viên dạy hóa mà là "trùm của các chiêu trò" lôi kéo học sinh vào những việc làm đầy ý nghĩa.

Những bài học sau "một giọt nước"

Nhân dịp 20-11, thầy Toản giao "bài tập" cho học sinh tự làm ba tấm bưu thiếp để tặng cho ba người thầy đặc biệt với mỗi học sinh. Nhưng ba người thầy đặc biệt là ai trong rất nhiều thầy cô giáo của các em?

Lúc này thầy Toản mới "giải đáp" bằng một loạt câu hỏi phỏng vấn học sinh: "Ai tốt với các con vô điều kiện?", "Các con có bao giờ bắt nạt, đã từng ít nhất một lần làm cho bố mẹ buồn chưa?", "Ai đã dạy các con biết làm những việc đơn giản nhất trong cuộc sống thường ngày?". 

Những câu trả lời thật thà của học sinh là hành trình để các em tự hiểu ra "Người thầy đầu tiên của mình là ai?". Đó là cha và mẹ. Người thầy thứ ba mà thầy Toản gợi ý là một thầy/cô giáo cũ - người đã có ảnh hưởng, ấn tượng mạnh mẽ, khiến các em cảm thấy biết ơn khi nhớ lại chặng đường đã qua.

Những tấm thiệp được gửi đi, nhiều phụ huynh tâm sự đã bất ngờ, cảm động vì chưa bao giờ nghĩ sẽ nhận được món quà ý nghĩa như vậy. Một trong số "giọt nước" mà thầy Toản cùng học sinh tạo nên chỉ đơn giản thế nhưng bài học về lòng biết ơn, tình cảm tri ân để từ đó các em hiểu được trong cuộc sống, đôi khi những hành động nhỏ nhưng mang lại niềm vui, mang lại yêu thương rất nhiều.

Vào dịp 20-10, Ngày phụ nữ Việt Nam, thầy Toản cũng có một "bài tập" đặc biệt. Học sinh sẽ tự tay cắm một lọ hoa, hay trang trí nhà đẹp, làm một việc gì đó có ý nghĩa dành cho mẹ. Và thầy yêu cầu học sinh phải quay clip hoặc chụp hình "tác phẩm" tặng mẹ gửi cho thầy "chấm điểm". 

Các em phải tự mình làm, không được nhờ người khác và giữ bí mật để tạo bất ngờ. Bên cạnh những học sinh "trả bài" như giao hẹn, có phụ huynh đã lặng lẽ ghi hình ảnh các con đang dọn nhà, cắm hoa, nấu ăn gửi cho thầy với sự biết ơn.

Nhúng bài học vào cuộc đời

Thầy Nguyễn Trường Nghiêm, đồng nghiệp của thầy Toản, đã nói công việc của một giáo viên phổ thông rất vất vả nên không phải ai cũng nhiều năng lượng để nghĩ thêm những việc như thầy Toản. "Toản quá giỏi khi lôi cuốn được học sinh vào những hoạt động có ý nghĩa với mỗi hoạt động là một bài học về cách sống" - thầy Nghiêm chia sẻ.

Làm chủ nhiệm, thầy Toản đã thay đổi cách giáo dục, quản lý học sinh bằng mệnh lệnh. Các chủ đề hoạt động được thầy tổ chức cho học sinh theo từng tuần, khích lệ, phát huy điểm mạnh của học sinh về các hiểu biết xã hội, ứng dụng công nghệ, đưa học sinh vào các tình huống để khơi dậy cảm xúc tích cực là cách thầy Toản luôn trăn trở.

Ví dụ, khi thực hiện một chủ đề về an toàn giao thông, thầy Toản cho học sinh tìm kiếm những thông tin, hình ảnh, câu chuyện về hậu quả của tai nạn giao thông và giải pháp ngăn ngừa. Các sản phẩm này được chia sẻ cho cả lớp cùng xem và trao đổi, thảo luận. Kết thúc 4 tuần của chủ đề này, thầy Toản tổ chức cho học sinh đi thăm và tặng quà cho bệnh nhân ở Bệnh viện Việt Đức.

"Cảnh nhiều bệnh nhân bị tai nạn giao thông để lại di chứng nặng, trong đó có những người rơi vào cảnh khó khăn đã tác động đến tụi em rất mạnh thay cho tuyên truyền khiến tụi em suy nghĩ nghiêm túc về an toàn giao thông" - một học sinh chia sẻ. 

Thầy giáo trẻ trùm của các chiêu trò - Ảnh 2.

Học sinh của thầy Vũ Ngọc Toản đến bệnh viện làm từ thiện, từ đó hiểu về hậu quả của tai nạn giao thông - Ảnh: TL

Thầy giáo trẻ trùm của các chiêu trò - Ảnh 3.

Học sinh của thầy Vũ Ngọc Toản đến bệnh viện làm từ thiện, từ đó hiểu về hậu quả của tai nạn giao thông - Ảnh: TL

Trong một "dự án" khác, học sinh của thầy Toản được hướng dẫn tìm hiểu về các chất gây nghiện và cách đề phòng và mời chuyên gia về trao đổi, hướng dẫn cho học sinh. Các dự án bao giờ cũng kết thúc bằng những chuyến thực nghiệm.

Hiện tại, thầy Toản lại đang cùng học sinh thực hiện một dự án đọc sách và lan tỏa thói quen đọc sách. Tự bỏ tiền túi và tiền quyên góp của đồng nghiệp, bạn bè, thầy Toản mua được 32 triệu đồng tiền sách. Sách mang về cho học sinh đọc trước, rồi các em tổ chức giới thiệu sách, bán lại sách cho người khác. 

Để "đắt hàng", học sinh phải hiểu giá trị của các cuốn sách mình sẽ rao bán. Tiền bán sách sử dụng làm từ thiện giúp đỡ những người khó khăn. Trong chủ đề giáo dục học sinh về giá trị của cuộc sống hòa bình, thầy Toản cũng "lên chương trình" cho học sinh gây quỹ, rồi đưa học sinh đến gặp nạn nhân của chất độc da cam hiện đang sống rất vất vả.

Những bài học không có trong giáo án mang lại ý nghĩa và điều đó cũng khiến cho nhiều học sinh yêu mến, tin tưởng, xem thầy như người bạn lớn trong hành trình "nhúng mình vào đời sống". 

"Các hoạt động này không chỉ lôi cuốn được học sinh mà cha mẹ học sinh cũng rất ủng hộ, vì họ nhìn thấy rõ con mình thay đổi tích cực trong suy nghĩ, hành động sau những dự án mang tính nhân văn" - cô Nguyễn Thị Thu Anh, hiệu trưởng nhà trường, nhận xét.

"Cũng có lúc tôi nghĩ mình chỉ làm hết trách nhiệm được trường phân công là đủ. Nhưng vì từng chứng kiến những việc đáng tiếc xảy ra với học sinh khi các em thiếu kỹ năng, thiếu trải nghiệm, tôi lại muốn làm gì đó" - thầy Toản nói.

Cô Thu Anh cho biết từ những việc thầy Toản khởi xướng, giáo dục học sinh qua dự án Vì cộng đồng cũng đang lan tỏa rộng trong ngôi trường này với các hoạt động rất đa dạng, như dự án bán tem, dự án bán rau sạch, dự án thu gom phế liệu được các thầy cô giáo tổ chức cho học sinh tự gây quỹ và các em chính là những người đến tận các bệnh viện, nhà dưỡng lão, những trường học khó khăn để tặng quà cho người cần giúp đỡ.

"Trong dịp 20-11, chương trình tặng quà cho thầy cô giáo mắc bệnh hiểm nghèo được triển khai từ nguồn quỹ do thầy trò nhà trường cùng làm. Ngoài việc đóng góp nhiều nhất, thầy Toản còn đưa học sinh đến bệnh viện thăm hỏi, và cũng là người hát tại bệnh viện cho các đồng nghiệp nghe" - cô Thu Anh chia sẻ.

Thay đổi mình, dám nhận sai

"Muốn học sinh theo, bản thân người thầy phải thay đổi trước. Thầy phải ý thức trong việc tìm ra cách dạy học môn mình phụ trách để học sinh dễ hiểu, hào hứng, và nể trọng. Rồi cách thầy ứng xử hằng ngày cũng phải khiến học sinh tin tưởng. Cái gì muốn học sinh làm thì thầy phải làm trước. Và đôi khi thầy cũng phải dám nhận sai, nhận mình còn thiếu sót trước học sinh" - bí quyết "truyền cảm hứng" của thầy Toản như vậy.

Tuy nhiên, thầy giáo "lắm chiêu" này cũng cho biết không phải lúc nào mình cũng thành công. Có những trường hợp thất bại khi học sinh không hợp tác, miễn cưỡng. "Quá trình từ miễn cưỡng làm theo đến hào hứng, nhiệt tình và thực sự có chuyển biến về nhận thức, thái độ sống không phải dễ dàng. Nhưng cũng vì thế mà tôi nhận ra, nếu chỉ sử dụng uy quyền thì rất khó lay động trái tim học sinh".

Thầy Toản cũng cho biết không phải lúc nào cũng tìm được sự đồng thuận của cha mẹ học sinh, vì nhiều thứ "không liên quan tới bài học". Nhưng kiên nhẫn giải thích và chứng minh lợi ích đối với học sinh bằng những chuyển biến thực tế chính là điều thầy Toản đã và đang cố gắng duy trì.

Có những người thầy không cầm phấn... Có những người thầy không cầm phấn...

TTO - Ngày 20-11, cô giáo về hưu mang bó hoa rất đẹp đến nhà anh thanh niên hướng dẫn mình trong lớp trị liệu. Anh lúng túng vì chưa từng nghĩ mình là thầy...

CHU HỒNG VÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên